Ngày 6-4, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia cho biết, Bệnh viện Phụ sản Trung ương vừa nghiên cứu và áp dụng thành công kỹ thuật “Nong vòi tử cung bằng catheter qua nội soi buồng tử cung kết hợp với nội soi ổ bụng”. Kỹ thuật này sẽ giúp cho những phụ nữ bị tắc vòi tử cung đoạn kẽ không cần phải thụ tinh trong ống nghiệm mà vẫn có thể mang thai.
Ngay trong sáng 6-4, GS.TS Nguyễn Viết Tiến đã trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật đầu tiên bằng kỹ thuật mới này cho bệnh nhân Nguyễn Thị Loan (huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Chỉ ít giờ ngay sau ca phẫu thuật, bệnh nhân Nguyễn Thị Loan đã có thể trò chuyện, trao đổi với báo chí.
Chị Loan cho biết, sau khi sinh con đầu lòng, 8 năm nay chị vẫn chưa thể có thai lần hai dù đã thử mọi biện pháp. Khi đi khám, các bác sĩ cho biết bị tắc vòi tử cung và không thể mang thai. Đến khám tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chị được các bác sĩ xác định bị tắc vòi tử cung đoạn kẽ và chỉ định phẫu thuật. GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho biết, kíp phẫu thuật đã xử lý được đoạn kẽ gây tắc vòi tử cung của bệnh nhân và sau này bệnh nhân Loan có thể mang thai bằng phương pháp tự nhiên.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho biết thêm, kỹ thuật nong vòi tử cung bằng catheter qua nội soi buồng tử cung kết hợp với nội soi ổ bụng có nhiều ưu điểm so với các phương pháp khác. Cụ thể, hiệu quả tốt trên bệnh nhân vô sinh do tắc đoạn gần vòi tử cung; tỷ lệ có thai trong 1 năm sau phẫu thuật khoảng 25%; ít xảy ra những biến chứng như thủng vòi tử cung, chảy máu, viêm phúc mạc sau nong.
Đặc biệt, thời gian thực hiện thủ thuật ngắn, chỉ chừng 30 phút đến 1 tiếng. Bệnh nhân không phải thực hiện thụ tinh ống nghiệm nữa. Hơn nữa, chi phí thực hiện thủ thuật này rất thấp, chỉ vài triệu đồng/ca, bằng một phần rất nhỏ so với chi phí nếu thực hiện ở nước ngoài.
Được biết, bệnh lý vòi tử cung là nguyên nhân thường gặp nhất và chiếm từ 25% đến 35% những trường hợp vô sinh nữ. Tại Việt Nam, một nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ vô sinh do vòi tử cung chiếm từ 43% đến 59%, trong đó vô sinh do tắc đoạn gần vòi tử cung chiếm từ 15% đến 25%. Trước đây, các chuyên gia cũng đã tìm nhiều cách phẫu thuật để xử lý tắc tử cung đoạn kẽ, nhưng hiệu quả không cao, nguy cơ với bệnh nhân rất lớn. Vì vậy, những bệnh nhân này thì chỉ có cách thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
Tác giả bài viết: Duy Tiến
Nguồn tin: