|
Không chỉ riêng các nước châu Á có xu hướng thưởng Tết Nguyên đán, thưởng cuối năm của phương Tây về bản chất cũng không khác gì. Đơn giản là một phần thưởng ngoài lương, ghi nhận đóng góp của người lao động trong cả một năm vừa qua, cũng như được hưởng chung thành quả lợi nhuận của công ty.
Thưởng Tết cũng như mong chờ kết quả xổ số, không ai biết năm nay thưởng được bao nhiêu, khá hơn năm trước thì mừng mà kém một chút thì lo. Thế nhưng câu chuyện thưởng Tết không chỉ là tâm tư của người lao động, nó cũng là cơn đau đầu đối với mọi doanh nghiệp, từ nhỏ đến lớn.
Điều quan trọng nhất, đã là thưởng Tết thì phải to. Tất nhiên, to ở đây cũng phải phù hợp với từng điều kiện công ty, vị trí và đóng góp tương xứng của người lao động. Nhưng mức thưởng một khi đã không có giới hạn tối đa thì càng phải có ngưỡng tối thiểu.
Không ít người lao động chạnh lòng khi nghe phong thanh đâu đó trên báo đài có nơi thưởng Tết chỉ vỏn vẹn 30.000 đồng, hay thậm chí sẽ thưởng bằng hiện vật thay tiền mặt.
Với nhiều người, thưởng Tết, hay các khoản thưởng nói chung trong năm là một trong những lý do quan trọng nhất mà họ gắn bó với công ty. Họ coi đó là sự đãi ngộ và sự trân trọng của ban lãnh đạo đối với mình để có động lực đóng góp.
Với một công việc có mặt bằng chung lương gần như tương đương nhau ở mọi nơi, lẽ tất nhiên các khoản thưởng chính là yếu tố quyết định thu hút nhân lực.
Ấy vậy mà nhiều công ty dù mỗi năm đều tăng trưởng hai con số, lợi nhuận dồi dào nhưng vẫn cố tình hay vô ý đưa ra một chính sách thưởng Tết khiến người lao động nản lòng.
Tôi còn nhớ người anh họ của mình làm việc cho một doanh nghiệp nước mắm khá có tiếng. Thưởng Tết anh chỉ được 1 triệu đồng và vài thùng nước mắm. Thế là Tết năm đó, cả họ tôi nhà nào cũng có một chai nước mắm được anh biếu ăn Tết.
Số nước mắm đó được quy đổi ra là 500.000 đồng. Công ty thưởng như vậy, anh về dùng, cho, bán thì là việc của anh. Nhưng đúng là làm khó người khác. Với vài chục chai như vậy, có dùng nước mắm thay nước luộc gà cũng không dùng hết.
Mà bán được vài chục chai đó trong những ngày giáp Tết cũng quá là nhọc nhằn. Nhìn lại thì hóa ra đó cũng có phải là thưởng đâu? Thực ra nó là giao khoán cho anh bán thêm vài thùng nước mắm nữa. Công ty thì vừa bán được sản phẩm, ăn lãi chênh lệch, lại vừa đỡ mất 500.000 thưởng cho lao động. Một kiểu thưởng Tết khá tinh vi.
Sau hai cái Tết mặn mòi, anh tôi cũng chia tay công việc, vay mượn mở quán ăn, tự làm tự thưởng Tết cho mình. Thế mới thấy, đóng góp là một chuyện, lấy được của doanh nghiệp tí tiền cũng không hề dễ.
Nói đi cũng phải nói lại, có những doanh nghiệp may mặc ở quê tôi, công nhân vất cả quanh năm nhưng thưởng Tết vài năm nay cũng khá xông xênh. Lương cơ bản từ 7-10 triệu/tháng, thưởng Tết có thể dao động từ 12-20 triệu đồng.
Nhiều người thoát ly lên Hà Nội đi làm không ăn thua cũng sớm quay trở về quê hương làm việc khi điều kiện lương thưởng giờ đây đã khấm khá.
Không phải ngẫu nhiên mà mức thưởng Tết được các doanh nghiệp quê tôi đẩy cao đến vậy, đặc biệt là ưu ái cho đối tượng công nhân. Tất cả là vì cạnh tranh.
Với hàng chục doanh nghiệp mở ra trong vài năm trở lại đây, công nhân may có tay nghề trở thành mặt hàng nóng trên thị trường. Những tấm băng rôn tuyển công nhân lương cao, thưởng cao dán đầy trên đường phố quê tôi như tranh cổ động.
Với thị trường ngày càng khốc liệt, cùng đặc thù ngành may mặc đòi hỏi lực lượng lao động đông đảo, đơn hàng phải kịp thời, các ông chủ doanh nghiệp hiểu rằng họ phải đầu tư vào con người.
30.000 đồng liệu có phải là khoản đầu tư xứng đáng? Có lẽ là không. Tôi không rõ doanh nghiệp có khoản thưởng Tết chịu chơi này (dù là thưởng Tết Dương lịch hay Tết Nguyên đán) gặp khó khăn gì về kinh tế, nhưng khoản thưởng mang tính tượng trưng đến mức tằn tiện thế kia sẽ khó lòng giữ chân ai đó, dù họ có cần công việc này đến đâu.
Doanh nghiệp và người lao động được xây dựng trên mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Việc doanh nghiệp coi người lao động chỉ là một công cụ làm giàu cho chính mình đã là một sai lầm từ trong trứng nước và mang đậm tính bóc lột của giai cấp tư sản thế kỷ 20.
Thưởng Tết đối với nhiều người là niềm vui, nhưng thưởng Tết với những người như anh họ tôi thì là nỗi khổ. Nhiều người cũng vậy. Cứ nhìn đứa trẻ không được người lớn lì xì, mặt chúng buồn thiu. Những người lao động tần tảo cầm về vài chục ngàn đồng họ cũng không thể nở nụ cười.
Dù tiền thưởng không nhiều nhặn gì nhưng nó phải chứng minh được tình cảm, sự trân trọng giữa con người với con người. Những ông chủ doanh nghiệp hãy nhớ rằng, bạn trao cho người lao động điều gì, họ sẽ trả lại tương tự như vậy.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Ảnh: Our Daily Brine
Tác giả: Mạnh Kiên
Nguồn tin: Báo Người đưa tin