Kinh tế

Thực hư chuyện đấu giá mầm lan huyền thoại Bướm Đại Ngàn 11,7 tỷ đồng

Tiếp nhiệt cơn sốt lan đột biến, mới đây, cuộc đấu giá kie lan Bướm Đại Ngàn có giá 11,7 tỷ đồng để ủng hộ phòng dịch Covid-19 của anh Trương Quốc Chính (Phú Thọ) khiến cư dân mạng xôn xao.

Anh Trương Quốc Chính, chủ nhân kie lan Bướm Đại Ngàn khằng định, toàn bộ số tiền thu từ buổi đấu giá đã được anh gửi về ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 để mua sắm các vật dụng, trang thiết bị.

“Tôi dự định, toàn bộ số tiền thu được từ buổi đấu giá sẽ gửi về Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 để sắm các trang thiết bị phục vụ cho việc phòng và chữa bệnh cho người dân”- anh nói.

Số tiền 11,7 tỷ đồng đã được chuyển về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Nhằm minh bạch, toàn bộ cuộc đấu giá đều được công khai trên mạng bắt đầu từ 21h20 ngày 1/8 đến 18h ngày 4/8 với bước giá tối thiểu là 50 triệu đồng và bước giá tối đa là không giới hạn. Người thắng cuộc sẽ là người trả giá cao nhất nằm trong khung giờ đã quy định.

Theo tiết lộ, mầm lan huyền thoại Bướm Đại Ngàn đã thuộc về anh Trần Thế Hưng với mức giá đưa ra là 11,7 tỷ đồng.

Huyền thoại Bướm Đại Ngàn trong giới chơi lan

Anh Chính cũng chia sẻ, trước đó, anh từng có 1 cuộc giao dịch lịch sử lên đến 15 tỷ đồng cho 1 kie lan mang tên Bướm Đại Ngàn. Và siêu phẩm hiện anh mang ra đấu giá là kie lan song sinh với Bướm Đại Ngàn.

"Tôi cũng khẳng định luôn, Bướm Đại Ngàn là dòng lan quý hiếm ở núi rừng Việt Nam. Tôi cũng là người đầu tiên ở nước ta bỏ ra 1 tỷ đồng để rước siêu phẩm từ Sơn La về nhà. Nên không có chuyện một số luồng thông tin hiện nay cho rằng lan đột biến được nuôi cấy mô từ Trung Quốc" - anh Chính chia sẻ.

Anh cho biết thêm, việc anh đấu giá mầm lan làm từ thiện là xuất phát từ tâm, tấm lòng và không hề có ý trục lợi. Bởi theo anh, giá trị cốt lõi nhất của một con người chính là uy tín, danh dự, sự cống hiến và sự cho đi. Nhất là khi, đất nước đang căng mình chống dịch thì mỗi hành động nhỏ chính là những ngọn nến yêu thương.

Anh Trương Quốc Chính, chủ nhân kie lan Bướm Đại Ngàn

Chung quan điểm, ông Vương Xuân Nguyên, Chánh văn phòng Hội Sinh vật cảnh Hà Nội cho rằng, việc đấu giá các sản phẩm sinh vật cảnh gắn với hoạt động từ thiện đã có truyền thống từ lâu. Thế nên, việc đấu giá mầm lan Bướm Đại Ngàn trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhằm hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân tham gia ủng hộ, phòng chống dịch cũng không nằm ngoài ngoại lệ.

“Mọi người cần hiểu đúng về bản chất sự việc, đơn cử như là cuộc đấu giá Bướm Đại Ngàn với giá 11 tỷ 700 triệu đồng. Đây không phải là một cuộc giao dịch trao đổi hàng hóa thuần túy nhằm mục đích kinh doanh giữa người bán cây nhận tiền và người trả tiền nhận cây mà là hướng tới công tác thiện nguyện ngay từ đầu. Người có vật phẩm tặng cho cộng đồng cây lan với giá 0 đồng. Còn cộng đồng ai quan tâm đều có quyền trả giá. Việc đấu giá được thực hiện công khai, cụ thể ở đây là mạng xã hội, khi đóng vai trò vừa là phương tiện khảo giá vừa tăng tính minh bạch và mong muốn người hưởng đích cuối cùng có lợi, ở đây là quỹ từ thiện”- ông giải thích.

Kei lan huyền thoại Bướm đại ngàn từng được chốt giá 15 tỷ đồng

Đồng thời, ông Nguyên cũng nhận định, trong thời gian gần đây, có nhiều thông tin chưa thật sự chính xác, gây nhiễu loạn thị trường lan đột biến. Đặc biệt là câu chuyện nuôi cấy mô, vận chuyển mầm cây từ Trung Quốc về Việt Nam.

“Tôi có làm việc với một số chuyên gia của Viện Di truyền Nông nghiệp, họ thông tin rằng, hiện Viện đã có dịch vụ giám định, truy xuất nguồn gốc, giải mã, định danh nguồn gene, xác định tên khoa học cho lan. Đây là chứng thư định danh thực vật giống như giấy khai sinh cho các loài lan đột biến mới được phát hiện. Thế nên, việc truy xuất nguồn gốc không còn khó khăn như trước đây, ít có câu chuyện nhầm lẫn về quốc tịch của cây nếu các nhà vườn chịu áp dụng công nghệ mới” – ông Nguyên kể.

Còn đối với các cá nhân, đơn vị muốn đứng ra tổ chức các cuộc đấu giá nhằm mục đích từ thiện thì nên cẩn trọng trong phương pháp tiến hành, cũng như việc công khai minh bạch về thông tin, tài chính để mọi người cùng nắm bắt, tránh việc “rủi ro đạo đức” phát sinh trong các cuộc đấu giá. Đặc biệt là phải xác định động cơ, mục đích rõ ràng như xác lập vi bằng, có sự giám sát độc lập để tránh tình trạng nghi ngờ, gây hiểu lầm không đáng có trong dư luận.

Trường hợp với những sản phẩm, tài sản được đưa ra đấu giá mà người sở hữu có thu lại một phần giá gốc (không phải là 0 đồng) thì phần giá gốc đó nếu không chứng minh được thuộc đối tượng không được miễn TNCN, TNDN, GTGT thì phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế tương ứng.

Tác giả: Hoàng Dung

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP