|
Khi nào Lục Vân Tiên tuyệt chủng?
Tôi tự hỏi: Không biết nhà nghiên cứu luật đó đã bao giờ bị mất xe SH, bị giật đồ té xuống đường gãy tay chân, bị cướp truy đuổi?
Nếu chưa hề bị, ông sẽ rất khó thấu cảm với những nỗi đau của dân thường phải sống chung với cướp giật. Những quy định của pháp luật được thai nghén và hoàn tất hoàn toàn trên bàn giấy, thường cách rất xa cuộc sống thực lầm lụi của thảo dân.
Về nguyên lý, ông nói không sai. Một xã hội hoàn hảo tuyệt đối sẽ không cần những hiệp sĩ phải đối chọi với tội phạm trong cuộc chiến không cân sức.
Nhưng khi nào thì xã hội hoàn hảo ấy mới xuất hiện trên trái đất này?
Ngày 15/2/2018, Peter Wang, cậu bé 15 tuổi, lẽ ra đã không phải chết cùng 16 người khác trong vụ xả súng đẫm máu tại Florida, Mỹ. Nhưng cậu đã lựa chọn đứng lại giữ cánh cửa cho bạn bè mình chạy thoát.
Viên đạn của tên sát thủ khép lại cánh cửa cuộc đời một cậu bé, nhưng lại mở ra bao nhiêu cánh cửa khâm phục, yêu thương khác.
Không ai chọn việc trả giá mạng sống của mình để nổi tiếng. "Thằng bé rất tử tế với mọi người và không bao giờ quan tâm tới việc nổi tiếng hay không" – người thân của Peter nói thế.
Trong khoảnh khắc ấy, Peter trở thành hiệp sĩ đúng nghĩa vì tự cậu thấy mình không được chạy theo tiếng gọi bản năng. Bạn bè cậu cần cậu.
Nước Mỹ hay bất cứ nước nào khác, dù phát triển đến trình độ văn minh cao đến thế nào chăng nữa, cũng không thể xóa hết những "chuyện bất bằng", không thể loại bỏ hoàn toàn tội phạm.
Và khi xã hội còn chuyện bất bằng, còn xả súng, còn đâm chém, còn hiếp dâm… thì vẫn còn cần đến nhiều Lục Vân Tiên – hiệp sĩ tự nguyện.
Những viên cảnh sát đến hiện trường cứu người nhanh nhất, khó có thể nhanh bằng một hiệp sĩ hàng xóm.
Một xã hội mà Lục Vân Tiên tuyệt chủng hoàn toàn, khó có thể là một xã hội đáng tự hào.
Chúng ta sẽ câm lặng rồi chém gió?
Trong khi chờ cái xã hội hoàn hảo tuyệt đối xuất hiện, chúng ta sẽ làm gì hay chỉ ngồi đó chém gió chê "hiệp sĩ xuất hiện chỉ cho thấy xã hội quay về thời kỳ chưa có nhà nước"?
Tỉ lệ tội phạm và án mạng sẽ tăng lên đến cỡ nào khi chúng biết, khi chúng ra tay, tất cả chúng ta đều câm lặng, khoanh tay rủ áo chờ cảnh sát?
Chúng ta phải lên án những nhân viên công quyền vô cảm, để tội phạm lộng hành, nhưng đừng quên rằng, kể cả những nhà nước mạnh nhất trên thế giới cũng chẳng thể phòng chống tội phạm thành công, nếu không dựa vào nhân dân.
Ở một đất nước đang trong tiến trình làm trong sạch bộ máy như Việt Nam, việc dựa vào dân càng quan trọng. Không ai ép bảo vệ Trần Văn An phải lao vào đám lửa khói, cứu sống hàng chục người trong vụ cháy thảm khốc ở chung cư Carina, để rồi anh phải hy sinh mạng sống.
Trên hành trình mò mẫm giữa khói lửa để cứu người ấy, chắc chắn anh An có quyền lựa chọn dừng lại vì còn mẹ già bị bệnh tim và người vợ phải mưu sinh tận Tây Ninh mỗi tháng chỉ về nhà được một lần. Thế nhưng anh An đã lựa chọn dừng lại khi không còn thở nữa.
Hiệp sĩ không sinh ra từ sự cổ vũ quá đà và tính yêng hùng như ai đó kết luận.
Rất ít người có thể sống ảo, sống bằng hư danh, khi hàng ngày họ phải vật lộn thực sự với miếng cơm manh áo.
Họ là xe ôm, là thợ thuyền, chứ không phải giới showbiz.
Trong một xã hội đầy rẫy những tin xấu, các câu chuyện và hình ảnh ca ngợi tinh thần nghĩa hiệp, xả thân vì đồng loại phải được xuất hiện nhiều hơn nữa để truyền cảm hứng, xua bớt đi những gam màu ảm đạm tiêu cực.
Trong một đời sống mà rất nhiều người phòng thủ bằng triết lý "Mackeno - mặc kệ nó", nếu không truyền thông những điều tốt đẹp hiếm hoi còn sót lại ấy thì lấy cái gì để chúng ta tự vấn về lối sống vị kỷ, sống chết mặc bay?
Và như vậy, sự cổ vũ đó, theo tôi vẫn rất ít ỏi, chứ không hề quá đà như ai đó kết luận.
Hư danh và cay đắng
Khi bắt cướp, hơn ai hết, các hiệp sĩ đều biết mình phải đối mặt với những hiểm nguy gì vì họ không biết bay lượn, không thể sống lại như siêu nhân trên phim Mỹ. Rất nhiều người đã trọng thương ít nhất một lần.
Một con chim bị cung tên bắn một lần đã sợ cành cây cong. Các hiệp sĩ phải trả giá rất nhiều không đánh đổi mạng sống của mình chỉ vì máu yêng hùng vô lối và vì được dư luận cổ vũ quá đà.
|
Nhưng các vị chỉ quen ngồi bàn giấy đâu có hiểu: Đằng sau những chiến tích săn bắt cướp ấy, không chỉ là tấm bằng khen cùng phần thưởng vài trăm ngàn, mà còn là rất nhiều cay đắng.
"Có lần đi bắt cướp, người dân không giúp mà còn quay ra chửi sao chúng mày ăn gì ngu thế? Tuy nhiên nghĩ không thể vô cảm nên dù có thế nào chúng tôi vẫn đi" - Kiên Hoàng, một thành viên trong nhóm "hiệp sĩ" Tân Bình, chua chát kể.
Vợ bỏ, con ghét, gia đình la rầy, kinh tế khó khăn… là rất nhiều cái phải hy sinh của hiệp sĩ. Không một chiếc bằng khen nào, vinh dự nào có thể thay thế được những mất mát đó.
Nhưng họ vẫn lựa chọn, đơn giản vì họ coi nó là sứ mạng. "Có lẽ do kiếp trước nợ người dân quá nhiều nên kiếp này phải phục vụ để trả ơn" - Nguyễn Thanh Hải, đội trưởng CLB phòng chống tội phạm phường Phú Hòa (Bình Dương), đã nói như vậy.
"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai" - hiệp sĩ Nguyễn Việt Sin cũng đã nói như vậy sau khi khẳng định các anh không chùn bước trước tội phạm, kể cả khi đồng đội của mình ngã xuống.
Hai hiệp sĩ ngã xuống, vài hiệp sĩ khác bị thương, là lúc phải nhìn lại: Các hiệp sĩ nên làm gì tốt nhất để bảo vệ mạng sống của mình và chúng ta cần làm gì để bảo vệ tính mạng cho những người trượng nghĩa?
Xã hội này, cuộc sống này, cần nhiều hơn thế những hiệp sĩ xuất hiện. Họ chính là người châm lửa để đốt đi những que củi vô cảm trong xã hội.
Sự hy sinh ấy không thể trở thành cái cớ để chê trách, phán xét họ "ngu si", "nhắm mắt làm liều", "làm thay việc của công an"; không phải cái cớ để sổ toẹt: "Mấy ông đừng làm hiệp sĩ nữa".
Chiều nay, một nhà báo viết trên facebook: "Nghĩa khí, thực ra là một thứ tài sản nội sinh của mỗi người. Nó không phải là hành động để dư luận đánh giá đúng, hay sai, hơn, thiệt".
Còn một sinh viên thì viết: "Thưa các vị, hiệp sĩ không cần ai dạy bảo về cách sống. Làm ơn đừng đâm họ thêm một lần nữa"
Tác giả: Bùi Hải
Nguồn tin: Báo Trí Thức Trẻ