Mong mãi không có con người vợ chẳng dám đi đâu ngoài đi làm. Ảnh minh họa |
Nếu như trước đây, tình trạng hiếm muộn thường xảy ra ở những cặp vợ chồng trên 40 tuổi thì hiện nay, xuất hiện nhiều hơn ở các gia đình trẻ. Mỗi câu chuyện vô sinh là một mảnh đời bi đát, là sự lao tâm khổ tứ mà chỉ có ai đã từng trải qua mới biết.
Mới đây, một câu chuyện xót xa do một người phụ nữ kể cũng khiến nhiều người đồng cảm. Trong câu chuyện này, vấn đề hiếm muộn là do chồng. Mặc dù, hai vợ chồng chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn chưa được, nhưng điều khiến cô vợ tủi thân là do những lời nói như dao cứa vào lòng của mọi người xung quanh.
"Em chả dám đi đâu ngoài đi làm, đi ăn cưới bạn bè cũng hỏi lâu rồi sao chưa có con, gặp người quen cũng hỏi y câu đó, nên em buồn chẳng dám đi đâu. Khi thấy bạn bè cưới cùng lần, cưới sau lần lượt có bầu rồi sinh, cảm thấy ghen tị (xấu tính), buồn, tủi thân. Mỗi tháng luôn mong kinh trễ và thử que 2 vạch, nhưng thực tế luôn ngược lại, cứ tới ngày đó là tủi thân không muốn nghĩ đến" người vợ tâm sự.
Chuyện hỏi có bầu chưa, sinh con chưa, sao vẫn chưa có bầu hay sao vẫn chưa con gần như là câu cửa miệng của nhiều người nhất là khi về quê, thăm gia đình ngày lễ Tết. Câu hỏi này được dùng với ý tốt, bày tỏ sự quan tâm. Thế nhưng, những câu hỏi này lại gây áp lực tâm lý nặng nề cho những cặp đôi vô sinh, hiếm muộn. Thậm chí, có những người mong gặp để hỏi mà không hề tế nhị hay quan tâm đến suy nghĩ đau khổ của người trong cuộc.
Tâm lý áp lực, sự giục giã từ gia đình, stress từ công việc chỉ là một phần, nhiều cặp vô sinh hiếm muộn còn phải vất vả vay mượn, kiếm tiền chạy chữa. Việc chữa vô sinh hiếm muộn đâu phải 1-2 ngày, vài tháng mà có khi tính bằng năm.
Tại sao phụ nữ luôn là người gánh chịu áp lực khi vợ chồng hiếm muộn?
Nhiều người vẫn mặc nhiên quan niệm rằng hiếm muộn là do phụ nữ. Ảnh minh họa |
Mặc dù vô sinh có nhiều nguyên nhân, có thể do chồng hoặc vợ, hoặc cả hai. Tuy nhiên thực tế vẫn cho thấy, nhiều người vẫn quan niệm nguyên nhân chính là do người vợ, mà mặc nhiên quên đi trách nhiệm của chồng. Khi ấy phụ nữ luôn là người đau đớn nhất. Bởi không ít người rơi vào hoàn cảnh này không hề nhận được sự cảm thông, chỉ là những lời đay nghiến kiểu như “cá rô đực”, đồ “dừa điếc”. Hoặc nếu không cũng là những lời bóng gió kể chuyện con nhà này, cháu nhà khác…
Theo các chuyên gia tâm lý, hiếm muộn là nỗi khổ không của riêng ai, nhất là đối với người phụ nữ. Vẫn biết rằng đứa con là niềm mong ước của tất cả mọi người. Nhưng nếu có sự cảm thông, hiểu biết, sẻ chia giữa những người trong gia đình sẽ làm vơi bớt đi rất nhiều những bi kịch.
Bởi tâm lý cũng rất quan trọng. Tâm lý lạc quan, hy vọng hay bi quan, tuyệt vọng đều ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng điều trị hiếm muộn. Nếu người phụ nữ bị stress nhiều sẽ gây co thắt tử cung, không thuận lợi cho việc thụ thai của sản phụ. Khi đó áp lực từ mọi người xung quanh đã vô tình trở thành một nguyên nhân của tình trạng hiếm muộn.
Qua câu chuyện mà người vợ này chia sẻ, nhiều cư dân mạng cho rằng, những người ngoài cuộc nên tế nhị và đồng cảm đừng nên nói những lời khiến xót xa và đau đớn.
"Những người vô sinh hiếm muộn đã khổ rồi lại còn hay bị hỏi. Nhiều người hỏi như câu chuyện làm quà, hỏi đến mức không muốn trả lời vẫn hỏi...", một cư dân mạng nói.
"Kệ họ đi bạn, họ có quyền hỏi, mình có quyền trả lời. Tốt nhất im lặng, nói sang chuyện khác sẽ nhẹ lòng hơn", một người đưa ra lời khuyên.
Tác giả: Anh Lạc tổng hợp
Nguồn tin: phununews.vn