Kinh tế

Tại sao các hãng hàng không phải bay hàng nghìn chuyến rỗng trong mùa đông?

Mùa đông này, các hãng hàng không châu Âu vẫn đang thực hiện những chiếc máy bay chở khách gần như rỗng để giữ chỗ cất và hạ cánh tại các sân bay trong bối cảnh nhu cầu đi lại thấp.

Nhiều hãng hàng không ở châu Âu vẫn bay hàng nghìn chuyến rỗng trong mùa đông chỉ để giữ chỗ (Ảnh: AFP/Getty).

Sự thật này vừa được công khai gần đây đã tạo nên làn sóng tranh cãi và giận dữ trong thời điểm quốc tế ngày càng lo ngại về biến đổi khí hậu và lượng khí thải carbon do ngành hàng không tạo ra.

Trong khi đó, đại diện của ngành hàng không cho rằng cần phải duy trì khả năng thương mại, kết nối và cạnh tranh.

Các hãng hàng không cũng đã bày tỏ sự phản đối về cái gọi là quy tắc slot "sử dụng hoặc để mất" do Ủy ban châu Âu thiết lập khi ngành này bị đình trệ do dịch Covid-19 vào tháng 3/2020. Kể từ đó đến nay, quy tắc này yêu cầu các hãng hàng không phải sử dụng 50% số chỗ (slot) đã được phân bổ. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 80% trong mùa hè này.

Hãng hàng không Đức Lufthansa là một trong số các hãng hàng không phải thực hiện các chuyến bay rỗng trên. Giám đốc điều hành Lufthansa cho hay, trong mùa đông này, do diễn biến của biến thể Omicron, hãng đã cắt giảm khoảng 33.000 chuyến bay nhưng hãng vẫn phải thực hiện 18.000 chuyến để đáp ứng yêu cầu sử dụng slot. Trong khi đó, cho đến cuối tháng 3, công ty con của họ là hãng bay Brussels Airlines vẫn phải thực hiện 3.000 chuyến bay gần như rỗng.

"Do nhu cầu trong tháng 1 suy yếu nên chúng tôi phải giảm đáng kể các chuyến bay. Nhưng chúng tôi vẫn phải thực hiện thêm 18.000 chuyến bay không cần thiết vào mùa đông chỉ để đảm bảo quyền cất cánh và hạ cánh", ông Carsten Sopohr, Giám đốc điều hành Lufthansa Group cho biết.

Theo ông, mặc dù hầu hết các nơi trên thế giới đều miễn trừ việc này trong suốt thời gian đại dịch, nhưng EU không cho phép điều đó. Việc phải bay những chuyến bay rỗng để chỉ giữ slot như vậy gây hại cho khí hậu và đi ngược hoàn toàn với những gì mà Ủy ban châu Âu muốn đạt được với chương trình "Fit for 55" là giảm thiểu phát thải nhà kính xuống mức tối thiểu 55% vào năm 2030.

Trước những chỉ trích từ các hãng hàng không và các nhà bảo vệ môi trường, đại diện ngành hàng không vẫn cho rằng "không có lý do" để giải thích tại sao hàng nghìn chuyến bay gần như rỗng lại phải thực hiện.

Trong khi đó, Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI) lại bày tỏ sự ủng hộ đối với quan điểm của Ủy ban châu Âu và cho rằng việc giảm mức sử dụng slot xuống 50% là "được thiết kế để phản ánh sự không chắc chắn của thị trường hàng không đang bị ảnh hưởng nặng nề và phục hồi mong manh".

"Một số hãng hàng không cho rằng họ buộc phải thực hiện một lượng lớn chuyến bay để duy trì quyền sử dụng slot. Tuy nhiên hoàn toàn không có lý do gì để thực hiện điều đó", ông Oliver Jankovec, Tổng giám đốc ACI châu Âu cho biết.

Ông Jankovec cũng bác bỏ ý kiến của chính các hãng hàng không cho rằng những chuyến bay này hoàn toàn trống rỗng, rất ít hành khách vì nếu không sẽ bị hủy quyền sử dụng slot.

"Các yếu tố trọng tải thấp dĩ nhiên là một thực tế trong suốt đại dịch, nhưng việc duy trì kết nối hàng không rõ ràng là rất quan trọng đối với cả nhu cầu kinh tế và xã hội. Vì vậy, cân bằng khả năng thương mại bên cạnh nhu cầu duy trì kết nối thiết yếu và chống lại các hành vi phi cạnh tranh là một nhiệm vụ tế nhị".

Nói với CNBC về quy định sử dụng 80% slot trong mùa hè 2022, người phát ngôn Lufthansa cho biết điều này là phù hợp. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý việc đi lại bằng đường hàng không vẫn chưa được bình thường hóa. Do sự phát triển của chủng virus dẫn đến các hạn chế về đi lại nên tình hình vẫn còn biến động, vẫn cần việc miễn trừ.

"Không chỉ vào mùa hè này mà lịch bay hiện tại trong mùa đông cần có sự linh hoạt kịp thời", ông nói và cho rằng: "Nếu không có sự linh hoạt liên quan đến cuộc khủng hoảng này thì các hãng hàng không vẫn buộc phải bay với những chiếc máy bay gần như trống rỗng để giữ slot".

Tác giả: Nhật Linh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP