Xã hội

Tai nạn đuối nước: Lời cảnh tỉnh không bao giờ muộn

Chỉ trong 7 ngày, 5 vụ tai nạn đuối nước đã xảy ra khiến 1 sinh viên và 5 học sinh tử vong, 3 học sinh mất tích. Hàng loạt vụ đuối nước thương tâm này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng đuối nước ở trẻ em.

Liên tiếp xảy ra tai nạn đuối nước thương tâm

Chiều ngày 24/4, trên địa bàn xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 1 sinh viên tử vong.

Theo đó, vào khoảng 14h chiều cùng ngày, có 4 sinh viên Trường Đại học Y Nghệ An đi chơi tại khu vực hồ Kẻ Gỗ (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).

Trên đường trở về, đến kênh N1 đoạn qua thôn Mỹ Hà, xã Cẩm Mỹ, 4 sinh viên xuống rửa tay. Trong lúc cúi xuống rửa tay, em Đặng Duy Linh (SN 2002, quê ở tỉnh Hải Dương) bị rơi xuống dòng nước và bị cuốn trôi.

Một bạn khác trong nhóm nhảy xuống ứng cứu cũng bị nước cuốn trôi. Thấy vậy, nhóm bạn hô hoán người dân địa phương đến ứng cứu. Tuy nhiên, do dòng nước sâu, chảy xiết nên người dân chỉ cứu được người bạn, bất lực trong việc cứu em Linh.

Khoảng 30 phút sau, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đóng kênh N1. Lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể em Linh sau đó.

Khu vực xảy ra vụ 4 học sinh tắm biển bị đuối nước (Ảnh: Dân trí)

Khoảng 13h30 ngày 23/4, 8 học sinh lớp 6 Trường THCS xã Hoằng Hải (Thanh Hóa) rủ nhau ra bãi biển thôn Thanh Xuân tắm. Khi đang tắm 4 học sinh không may bị nước biển cuốn trôi.

Đến 15h ngày 24/4, người dân xã Hoằng Hải đã tìm được thi thể 1 học sinh. Hiện, cơ quan chức năng và người dân địa phương vẫn đang tích cực tìm kiếm 3 em mất tích.

15h cùng ngày, một vụ đuối nước xảy ra tại xã Hải Nam, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định khiến 2 em nhỏ tử vong. Theo đó, nhóm 5 em nhỏ cùng rủ nhau tắm sông, không may 2 em trong nhóm bị đuối nước tử vong. Khi phát hiện sự việc, các em đi cùng đã hô hoán người dân giúp đỡ. Tuy nhiên, khi đưa được 2 em lên bờ thì 1 em được xác định đã tử vong, 1 em được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, nhưng cũng không qua khỏi.

Trước đó, chiều này 20/4, một nam sinh lớp 12 ở thôn Tri Lễ, xã Khai Sơn, Anh Sơn, Nghệ An bị đuối nước khi đi tắm cùng bạn tại khu vui chơi Thác Liếp (xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương). Trong lúc tắm, em sẩy chân xuống hố nước sâu nên bị đuối nước. Mặc dù được bạn bè và người dân đưa đến Trung tâm Y tế để sơ cứu sau đó nhưng em đã không qua khỏi.

Cùng tại Nghệ An, khoảng 15h chiều ngày 18/4, 3 học sinh ra sông Hiếu đoạn chảy qua xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu để tắm. Một em không may bị sảy chân xuống dòng nước xiết. Một em vội vàng lao xuống dòng nước để ứng cứu. Tuy nhiên, khi đưa được bạn vào gần bờ thì em đuối sức và bị dòng nước cuốn trôi. Khi người lớn vớt được em lên bờ thì đã tử vong.

Hàng loạt vụ học sinh đuối nước thương tâm này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng đuối nước ở trẻ em...

Lời cảnh tỉnh không bao giờ muộn

Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam, trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển.

Đuối nước có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, kể cả những người bơi thành thạo cũng có thể bị đuối nước. Nếu không được cấp cứu kịp thời, xử lý đúng cách có thể để lại các tổn thương nặng nề lên tim, phổi, thần kinh, thậm chí gây ngừng tim, ngừng thở và tử vong.

Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở khu vực nông thôn cao gấp 4 lần so với khu vực thành thị. Đuối nước chủ yếu xảy ra tại cộng đồng, chiếm tới 77,6% (ao, hồ, sông, suối, hồ, biển, ngã xuống hố ga, hồ xây dựng, 15,8% xảy ra tại gia đình và 6,6% tại nơi khác). Trong năm, đuối nước xảy ra chủ yếu vào những tháng hè.

Tai nạn phổ biến nhất là do các em rủ nhau tắm, khi một em bị đuối nước, các em còn lại tìm cách cứu nhau hoặc bám giữ nhau dẫn đến có vụ nhiều em tử vong một lúc.

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới những tai nạn đuối nước thương tâm là do thiếu sự giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ...

Mặt khác, tai nạn đuối nước còn do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi, khi cứu nạn. Thực tế đã ghi nhận những trường hợp trẻ đã biết bơi nhưng khi gặp tai nạn vẫn không thể tự cứu mình, hoặc tử vong khi cố gắng cứu người khác...

Theo các chuyên gia, muốn tránh được, giảm được tình trạng chết do đuối nước, trước hết phải dạy trẻ biết bơi. Cùng với đó, dậy trẻ em cách an toàn trong môi trường nước.

Cùng với việc học bơi, cần dạy kỹ năng an toàn cho trẻ. Đó là dạy cho các em các kiến thức, an toàn khi tham gia môi trường nước, kỹ năng tự cứu và nhận biết môi trường nước nguy hiểm như nước sâu, cát lở, xoáy nước, sóng lớn, dòng chảy xa bờ... để phòng tránh.

Bên cạnh đó, cần trang bị cho các em những kỹ năng giúp người bị tai nạn đuối nước. Bao gồm cách cứu người trực tiếp trong môi trường nước khi các em biết bơi; cứu người đuối nước bằng cách gián tiếp như thông báo mọi người xung quanh được biết, ném các vật nổi cho nạn nhân, sử dụng các dụng cụ cứu hộ như phao cứu sinh, gậy, dây... để hỗ trợ.

Tuy nhiên để phòng chống đuối nước với trẻ em hiệu quả, theo các chuyên gia cần sự chung tay của cả cộng đồng. Cần có sự phối hợp giữa các ngành chức năng, các tổ chức, đoàn thể, gia đình và nhà trường... để xây dựng một môi trường an toàn; tạo thêm nhiều không gian vui chơi lành mạnh, an toàn cho trẻ; đào tạo kỹ năng và tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi người trong xã hội trong việc phòng tránh đuối nước.

Các địa phương cần rà soát các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ để chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp nghỉ hè, mùa mưa bão và mùa nước nổi, như cần làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi, bãi biển, các khu vực nước sâu, nguy hiểm... để nhắc nhở và cảnh báo trẻ em. Tại các bể bơi phải có người giám sát, các ph­ương tiện cứu hộ kịp thời.

Đặc biệt cần chú trọng đưa việc dạy bơi, an toàn trong nước và kỹ thuật sơ cấp cứu vào chương trình trong trường học, câu lạc bộ, đơn vị huấn luyện…

Bên cạnh đó, mọi người trong cộng đồng cần tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật sơ cứu đúng cách để áp dụng kịp thời khi xảy ra trường hợp đuối nước.

Tác giả: Thanh Sơn

Nguồn tin: petrotimes.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP