Trên mâm cơm Tết cổ truyền, cần ta và cần tây đều là những loại rau không thể thiếu, dùng để chế biến với nhiều loại thịt, rau củ khác nhau. Nhưng ít ai biết ngoài công dụng là rau ăn, hai loại rau này còn có tác dụng chữa nhiều bệnh thường gặp vào dịp Tết.
Rau cần ta – Vị thuốc quý trong Đông y
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), rau cần ta được trồng dưới nước, chủ yếu làm rau ăn là chính. Trong cần ta có chứa nhiều tinh dầu, carotene, vitamin C.
"Cần ta chủ yếu làm rau ăn với các món canh, xào nấu… Rau cần ta có tính mát, giải độc, giải nhiệt là chính", lương y Bùi Hồng Minh khẳng định. Vào dịp Tết, cơ thể chúng ta thường sẽ nạp quá nhiều chất đạm, đường, chất béo, việc ăn rau cần sẽ giúp thanh lọc cơ thể phần nào, giúp bụng dạ dễ chịu hơn. Cần ta còn giúp giảm ho, chống viêm, long đờm, hạ huyết áp và mỡ máu. Do đó, loại rau này không thể thiếu vào dịp Tết.
Dưới đây là một số bài thuốc từ rau cần ta được lương y Bùi Hồng Minh đưa ra:
- Giải độc cơ thể: Cần ta tươi còn nguyên rễ, rửa sạch, sau đó ép lấy nước uống hàng ngày.
- Bệnh nhân tiểu đường: Rau cần ta tươi rửa sạch, ép lấy nước, uống đều đặn 2 lần mỗi ngày sẽ giúp giảm lượng đường trong máu ở bệnh nhân tiểu đường.
- Người thiếu máu: Sử dụng rau cần tươi xào nấu với thịt lợn nạc, thịt bò sẽ giúp cải thiện chứng thiếu máu.
- Hạ huyết áp: Nấu cháo rau cần ăn 2-3 bữa mỗi tuần sẽ giúp huyết áp ổn định hơn.
- Viêm phế quản: Rau cần ta tươi 100g, thêm chút vỏ quýt, đường kính vừa đủ. Cho đường vào đun đến khi ngả màu cánh gián, cho thêm, rau cần và vỏ quýt thái nhỏ vào, sao hơi cháy thì tắt bếp, sắc nước uống trong ngày.
- Ho lâu ngày chưa khỏi: Cần ta để cả rễ, rửa sạch, ép lấy nước, cho thêm chút muối biển, sau đó hấp cách thủy rồi uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần một chén con. Sử dụng đồ uống này liên tục vài ngày sẽ thấy giảm ho nhanh chóng.
Rau cần tây phòng tránh mỡ máu, tăng huyết áp
Cần tây có tên khoa học là Apium graveolens, có xuất xứ từ nước ngoài, mới xâm nhập vào nước ta, chủ yếu được trồng để làm rau ăn. Thành phần dùng chính là thân, rễ, củ. Theo lương y Bùi Hồng Minh, cần tây nhiều tinh dầu, nhất là ở phần quả, nước chiếm 90,5%, ni tơ chiếm 1,95%, chất béo, xenluloza và tro…
"Trong Đông y, cần tây có tính hơi ấm, cay, vào kinh phế, thận, dạ dày, công đụng chính là lợi tiểu, tiêu độc. Liều dùng khuyến cáo: cần tây tươi 40-50g/ ngày, cần tây khô 15g/ ngày. Không sử dụng dài ngày vì sẽ gây hại khí, nếu dùng liên tục chỉ nên dùng một thời gian ngắn khoảng 1 tuần rồi dừng lại nghỉ 2 tuần rồi mới tiếp tục dùng", ông Minh nói.
Cần tây cũng chủ yếu được làm rau ăn. Ngoài ra, hiện nay trong Đông y cũng sử dụng loại rau này để chữa một số bệnh thường gặp.
Dưới đây là một số bài thuốc từ rau cần tây được vị chuyên này đưa ra:
- Hạ mỡ máu: Cần tây tươi để cả rễ, rửa sạch, xay lấy nước và uống. Hoặc bạn có thể sử dụng bài thuốc cần tây và táo đen sắc nước uống hàng ngày cũng sẽ giúp giảm lượng mỡ trong máu.
- Hạ huyết áp: Cần tây lấy cả thân lẫn lá khoảng 50g sắc với 3 bát nước còn 1. Ngày chia làm 3 lần uống, uống hết trong ngày. Ngoài ra, bạn có thể dùng nước ép cần tây pha mật ong và đường mạch nha rồi đun nóng ấm, uống ngay.
- Hành khí, tiêu đờm: Cần tây xào mộc nhĩ, nấm hương, thịt… và ăn với cơm sẽ rất có hiệu quả trong việc hành khí, long đờm.
- Đầy hơi, chướng bụng: Cần tây tươi giã nát, lấy nước uống.
- Viêm phế quản, lao phổi, suyễn: Sử dụng hạt cần tây sắc lấy nước uống hàng ngày.
- Đi tiểu nước đục: Rễ cần tây 10 gốc, cắt sát gốc khoảng 2cm. Rửa sạch gốc rễ, đem sắc với nước và uống vài ngày thì nước tiểu sẽ trong trở lại.
Theo lương y Bùi Hồng Minh, ngoài việc sử dụng những bài thuốc trên để chữa bệnh, bạn nên thường xuyên ăn những món ăn từ cần tây, cần ta trong dịp tết này sẽ giúp phòng tránh bệnh tăng huyết áp, tránh tình trạng mỡ máu cao cũng như giảm các triệu chứng cảm lạnh, viêm đường hô hấp, thậm chí là giải độc, cải thiện sức khỏe gan.
Đây đều là những chứng bệnh rất dễ gặp vào dịp Tết từ những cuộc ăn uống, nhậu tiệc triền miên mà bạn vì vui nên ít nhận ra. Thay vì lo lắng chuyện sẽ mắc các bệnh này vào dịp Tết, bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng nhiều món ăn có hai loại rau này để phòng tránh và kiểm soát bệnh.
Tác giả bài viết: Tiểu Nguyễn
Nguồn tin: