Xã hội

Sự thật: 30% người Việt hiện nay rối loạn tâm thần

Cách đây vài tháng, chị Lê Thị Bích Thuận (42 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) đã chém mẹ đẻ là bà Cao Thị T. (70 tuổi, ở cùng nhà) nhiều nhát. Nguyên nhân là chị Thuận bị bệnh tâm thần nhiều năm, phải điều trị nội trú ở bệnh viện tâm thần, nhưng gần đây, bà T. thương con quá mới xin cho Thuận về điều trị ngoại trú…

Bí ẩn tâm lý và những bi kịch

Cũng như rất nhiều người, tôi không hiểu vì sao những người bình thường có thể vô cớ ra tay sát hại người thân, rồi sau đó lại vật vã hối hận? Có lẽ, câu trả lời chỉ có thể tìm thấy khi đặt chân đến Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, khi phần nào hiểu được bí ẩn đằng sau những bi kịch.

Buổi tối khi tôi có mặt, từng cặp người nhà và bệnh nhân đứng hóng gió ở sân, ở hành lang bệnh viện, trước cửa những căn phòng sạch sẽ, in bóng cây, đẹp như khách sạn một cách bình an. Không giống các bệnh viện khác, ở Viện Sức khỏe tâm thần, bệnh nhân nhập viện phải có người nhà đi kèm 24/24.

Nhìn họ, thậm chí trò chuyện cùng họ, ít ai phát hiện ra đâu là người chăm sóc, đâu là bệnh nhân. Bởi đa phần trông họ đều bình thường, nhiều người trí nhớ rất tốt, thậm chí hoạt ngôn, sắc sảo. Nhưng, những bi kịch lại ẩn giấu sau vẻ ngoài bình thường đó.

Cùng với Tiến sĩ (TS) Nguyễn Doãn Phương, tôi đến phòng bệnh nơi chị Nguyễn Thị T. (36 tuổi, ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc) điều trị. Người phụ nữ “mỏng mày hay hạt”, khá xinh xắn. Chị có một gia đình hạnh phúc với 3 cô con gái và công việc ổn định ở một xưởng may.

Vài tháng trước, chị bị đau đầu nên đến Bệnh viện Bạch Mai để khám và phải phẫu thuật do phình mạch não. Nhưng một tuần sau ca mổ, chị bỗng phát hiện mình có nhiều biểu hiện rất bất thường.

Tiến sĩ Nguyễn Doãn Phương chăm sóc, tư vấn cho bệnh nhân.

“Tôi luôn thấy căng thẳng, sợ hãi, hay cáu bẳn và thường nghĩ đến cái ác, mà không thể xua đi được. Nhìn mọi thứ xung quanh tôi đều thấy thành dao kiếm, hay cảnh đám ma, giết chóc ngay trước mắt mình. Có điều gì đó thôi thúc tôi cầm dao đâm người khác và đâm cả bản thân mình. Mỗi khi đi qua nhà bếp, trông thấy con dao là tôi phải cố tình “bơ” nó đi, để đè nén sự thôi thúc cầm dao. Thậm chí, khi đứa con út 3 tuổi của tôi ngồi cạnh, tôi chỉ muốn làm điều ác với con và tôi phải cố nghĩ sang chuyện khác… Tôi rất sợ có lúc nào đó tôi sẽ không kiềm chế được nên tôi bảo chồng trói tôi lại vì sợ có lúc tôi sẽ giết người. Mức độ ảo giác ngày càng tăng nên tôi quyết định xin nhập viện…”.

Ban đầu, chồng chị cứ nghĩ do chị suy nghĩ nhiều nên nghĩ lung tung, cho đến khi cảm giác muốn làm điều ác với người khác ngày một nhiều hơn với chị, thì anh mới thật sự lo lắng.

Đôi mắt buồn thăm thẳm và nỗi lo âu in hằn trên gương mặt thiếu phụ. Chị luôn miệng hỏi TS. Phương rằng bệnh của chị có khỏi không, chị có sớm được về với con không?

Bác sĩ Viện trưởng dịu dàng nhắc chị ăn tối và chuẩn bị uống thuốc, rồi quay sang nói với tôi: “Đây là một trong nhiều bệnh nhân bị căn bệnh ảo giác thực tổn sau mổ động mạch cảnh có hành vi muốn giết người. May mà bệnh nhân tự phát hiện sớm và đến bệnh viện kịp thời, nếu không, rất có thể dẫn đến gây án!”.

Nhưng “khao khát” giết người khác chỉ là một loại của bệnh sức khỏe tâm thần. Ở Viện này còn có những người luôn muốn tự giết… chính mình. Bệnh càng không được điều trị, thì ý muốn tự giải thoát càng thôi thúc họ mãnh liệt.

Nguyễn Đức P. (Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một trong những bệnh nhân như thế do căn bệnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng có ý định tự sát do ảo thanh chi phối.

Chàng thanh niên 24 tuổi ngồi trước mặt tôi ăn mặc xộc xệch, trông khá mệt mỏi, gầy yếu, nhưng trí nhớ rất tốt. Câu chuyện cậu kể cùng sự chắp nối của người cha ngồi bên cạnh cho tôi hình dung rõ hơn về bệnh nhân này.

Nguyễn Đức P. vừa tốt nghiệp Đại học Xây dựng và chưa đi làm, đang sống cùng gia đình. Cuộc sống khá êm đềm. Là người trầm tính, ít giao tiếp nên P. cũng không nhiều bạn bè. Sau khi tốt nghiệp đại học, suốt ngày cậu giam mình trong phòng để đọc sách và nghiền ngẫm triền miên những điều đọc được.

Càng ngày, P. càng ít ra khỏi phòng, ngại giao tiếp và ngại cả vệ sinh cá nhân. Thấy con có những biểu hiện không bình thường, gia đình đã đưa P. đến Viện Sức khỏe tâm thần và được điều trị ngoại trú. Nhưng sau khi uống thuốc được 2 tháng, thấy đã có những dấu hiệu chuyển biến tốt nên P. bỏ thuốc.

Vì thế, gần đây, P. chuyển bệnh nặng hơn. Cậu ở lỳ trong phòng riêng để đọc sách, hay cười một mình. Rồi mấy hôm trước, P. đột ngột bỏ nhà đi lên Bắc Giang mà không nói lý do và đã bị tai nạn xe máy nên gia đình đưa vào nhập viện.

P. kể với tôi rằng cậu luôn bị mất ngủ và thường sống trong tâm trạng lo sợ, bất an. Cậu sợ các con vật, nhìn thấy con rắn bò là P. đã run rẩy. Có lúc cậu lại cảm thấy cuồng chân, buồn bực đến mức bò lăn bò toài ra nền nhà.

“Nhiều khi em nghe thấy tiếng người xui uống nước xà phòng, nhảy từ trên cao xuống, hay đập đầu vào tường, có lúc còn xui em lấy dao tự cứa vào cổ hay đâm vào bụng…” – P. thở run rẩy, chia sẻ tâm trạng với chúng tôi.

TS. Nguyễn Doãn Phương hỏi: “Người xui là đàn ông hay đàn bà và bao nhiêu tuổi cháu có biết không?”. P. cho biết “tiếng người đàn ông xui cháu, nhưng khoảng bao nhiêu tuổi thì cháu không biết vì tiếng nghe không rõ…”.

Rồi P. đã làm theo lời xui văng vẳng từ đâu đó. “Hôm trước, em mơ thấy mình phản bội Tổ quốc, nên bị bắt và bị bắn 4 phát súng. Em rất lo sợ mình làm điều sai trái, nên chỉ muốn chết để thoát tội. Vì thế, em thường tìm cách để chết như treo cổ, dùng dao đâm hay đâm vào ôtô, nhưng em lại sợ. Rồi em đi Bắc Giang và tự gây ra vụ tai nạn để được chết…” - P. kể khá rành rọt.

Thấy tôi quan tâm xem P. đọc các loại sách gì, P. giải thích thêm: Đọc sách là những vấn đề tri thức, không liên quan đến bệnh của em đâu!

Một bệnh nhân khác cũng đang được điều trị tại đây là chị Bùi Thị T. (Hoài Đức, Hà Nội). 49 tuổi, chị T. có 3 cô con gái và đã từng nhiều lần muốn tự sát.

TS. Phương cho biết, chị T. bị bệnh rối loạn trầm cảm tái diễn giai đoạn nặng có loạn thần có ý tưởng tự sát. Vừa nhìn thấy TS. Phương, chị vội vàng khẩn khoản “bác sĩ cứu em, em muốn sống, em không muốn chết đâu!”, nghe rất thương…

Nghe chị kể về bệnh tật cùng với bệnh án còn lưu, tôi biết chị bị bệnh cách đây gần 11 năm, sau khi sinh con gái út được 7 tháng. Khi đó chị bị sưng răng, đau nhức không ngủ và rồi căn bệnh trầm cảm bắt đầu hành hạ.

Chị luôn buồn bực, nằm ngồi không yên nên luôn muốn chết để thoát khỏi đau đớn, để người thân không phải khổ vì mình. Rồi chị được đưa đến Viện Sức khỏe tâm thần. Nhưng chị đã không kiên nhẫn uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, mà lại tin vào lời khuyên của những người không có chuyên môn rằng uống thuốc tây rất… độc, nên chuyển sang uống thuốc bắc, rồi cúng bái.

Dĩ nhiên, những thang thuốc không nguồn gốc chẳng thể làm chị vơi bệnh, mà còn làm bệnh nặng hơn. Bỏ thuốc của Bệnh viện được hơn một năm, chị phải quay trở lại Viện Sức khỏe tâm thần.

Dĩ nhiên, chị tiếp tục được TS. Phương tạo mọi điều kiện để điều trị tốt nhất. Nhưng gần một tháng nay, sau khi bị dị ứng thuốc, chị tiếp tục mất ngủ, đau đầu, mệt mỏi. Những buồn bực vô cớ lại hành hạ khiến chị rất bi quan về sức khỏe.

“Ban ngày tôi vẫn làm việc, ca hát bình thường, nhưng đêm đến lại mất ngủ, buồn bực, dễ cáu bẳn. Tôi lại luôn nghe thấy trong đầu có ai đó nói rằng tôi không xứng đáng sống, nên đi chết đi. Vì thế, tôi chỉ muốn chết đi để thoát khỏi bệnh tật, không làm khổ gia đình. Tôi đã đi mua thuốc sâu để uống nhưng không được”- chị thành thật kể lại.

Ở Viện Sức khỏe tâm thần, những bệnh nhân như anh P., chị T. không hiếm. Theo TS. Nguyễn Doãn Phương, mỗi năm, Viện điều trị tổng số khoảng gần 20.000 người có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Riêng bệnh nhân tâm thần phân liệt, Viện có một khoa riêng để điều trị.

Sau 10 năm, số bệnh nhân tăng cả trăm lần

Nhưng, những bệnh nhân ở Viện Sức khỏe tâm thần chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Bởi theo con số mà Viện Sức khỏe tâm thần công bố tại hội thảo mới đây, có tới 30% dân số Việt Nam bị rối loạn tâm thần, trong đó 25% mắc trầm cảm. Đây cũng là nguyên nhân của 36.000 - 40.000 ca tự tử mỗi năm.

Hiện mỗi ngày, Viện này tiếp nhận từ 250 - 300 bệnh nhân đến khám và điều trị về trầm cảm, tăng khá cao so với trước chỉ 200 người/ ngày. Trong đó, có tới 10-20 người bị trầm cảm nặng phải nhập viện điều trị. Sự gia tăng này rất đáng lo ngại khi 15 năm trước, mỗi ngày Viện chỉ có 1-2 bệnh nhân đến khám.

TS. Nguyễn Doãn Phương cho biết, những năm gần đây, mỗi năm Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia đã khám và điều trị ngoại trú khoảng 20.000 lượt bệnh nhân trầm cảm và điều trị nội trú hàng ngàn lượt bệnh nhân.

Nghiên cứu mới nhất ở những người bệnh từ 45 tuổi bị trầm cảm điều trị tại Viện, có tới 36,5% bệnh nhân có ý tưởng hoặc đã có hành vi tự sát. Đa số tự sát do bệnh nhân cảm thấy mình vô dụng, tội lỗi, không đáng sống. Phần lớn các trường hợp trầm cảm có khuynh hướng trở thành mạn tính và tái diễn cũng như phục hồi không hoàn toàn giữa các giai đoạn.

Theo TS. Phương, người bị sức khỏe tâm thần không phân biệt giới tính, vùng miền, tuổi tác, giàu hay nghèo, nên bệnh nhân có thể là trẻ nhỏ, cũng có thể là thanh niên, ông già, phụ nữ v.v... Thậm chí, con cái của một số nhân vật “bự” cũng từng điều trị tại đây dài ngày. Điều đó cho thấy, sức khỏe tâm thần không trừ một ai hết.

Ví như không chỉ là trẻ tuổi như Nguyễn Đức P. mà mới đây, Viện cũng vừa tiếp nhận một cụ ông ở tuổi 80 vào cấp cứu với triệu chứng tuyệt thực và không chịu nói năng gì. Ông cụ mắc bệnh trầm cảm đã lâu và từng nhập viện 4 lần.

Theo TS. Phương, đây là ca bệnh mắc rối loạn trầm cảm tái diễn, hiện đang ở giai đoạn nặng với hành vi tự sát. Ba tuần trước khi nhập viện, ông cụ bị tái phát với việc thường xuyên khóc lóc và than phiền về sức khỏe giảm sút, mất ngủ, mệt mỏi và sút 3kg trong ba tuần.

Rồi 3 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân rơi vào trạng thái sầu não, khóc lóc, lảm nhảm nói về cái chết, liên tục xin người nhà tha thứ vì đã làm khổ họ rồi sau đó, nhịn ăn để được chết, khiến gia đình vội đưa vào viện cấp cứu.

Rất nhiều khó khăn trong việc điều trị trầm cảm do phần lớn người bệnh không biết bị mắc bệnh, nên thường điều trị tại các chuyên khoa khác trước khi đến chuyên khoa tâm thần. Thậm chí, nhiều người cúng bái chứ không đến bệnh viện. Vì thế bệnh trầm cảm dễ trở thành mạn tính và tái diễn, cũng như phục hồi không hoàn toàn giữa các giai đoạn.

Do tâm tính người bị bệnh luôn thay đổi nên các thầy thuốc phải rất kiên trì lắng nghe, giải thích và xử trí từng tình huống để người bệnh yên tâm điều trị. Bởi có khi chỉ một câu nói hơi cao giọng là có thể khiến bệnh nhân buồn và bỏ điều trị.

Nhìn TS. Phương và các thầy thuốc khác ở Viện luôn kiên nhẫn lắng nghe những câu chuyện không đầu không cuối của bệnh nhân, rồi chắp nối và thấu hiểu, tư vấn một cách nhẹ nhàng, mềm mỏng như với những đứa trẻ, tôi cảm nhận rất rõ rằng, nếu không có tấm lòng của một lương y, sẽ thật khó để điều trị và chăm sóc tận tâm, chu đáo cho những bệnh nhân mắc bệnh về sức khỏe tâm như thế được.

Một khó khăn nữa là dù số người mắc bệnh rối loạn tâm thần rất đông, nhưng số lượng bác sĩ chuyên khoa tâm thần ở Việt Nam còn rất ít nên không đáp ứng yêu cầu. Cả nước có chưa đến 1.000 bác sĩ chuyên khoa này nhưng chủ yếu ở tuyến trung ương và các thành phố lớn. Đây cũng là một nguyên nhân khiến người bệnh ít được phát hiện sớm và điều trị đúng.

Theo BS. Dương Minh Tâm - Trưởng phòng Điều trị Stress (Viện Sức khỏe tâm thần) cho hay, một khó khăn trong công tác điều trị bệnh nhân sức khỏe tâm thần hiện nay là do nhận thức của nhiều người không đúng khi cho rằng thuốc điều trị bệnh này độc hại, nên không muốn uống; hoặc do yêu cầu điều trị phải sử dụng thuốc thời gian dài nên ngại tuân thủ.

Trong khi đây là căn bệnh đòi hỏi phải kiên trì điều trị lâu dài, có người phải uống thuốc cả đời. Không tuân thủ điều trị đầy đủ, bỏ thuốc sẽ dẫn đến tái phát và thường ở mức độ năng hơn ban đầu.

Trong khi đó, theo TS. Phương, những người tuân thủ điều trị, uống thuốc đầy đủ thì dù bị bệnh 20-30 năm vẫn làm việc và có cuộc sống bình thường, hầu như không ai biết họ có bệnh.

Một vấn đề nữa khiến nhiều người ngại điều trị bệnh là do thiếu hiểu biết nên đa số người dân hiểu sai về sức khỏe tâm thần, cho rằng thế là bị “thần kinh”, bị “điên”, dẫn đến tình trạng kỳ thị người bệnh.

Vì thế, người bệnh rất ngại người khác biết mình bị bệnh, nên không muốn điều trị. Trong khi thực tế, có nhiều rối loạn tâm thần khác nhau như trầm cảm, mất ngủ, lo âu… và bệnh sức khỏe tâm thần rất khác với bệnh thần kinh!

“Gia đình giữ vai trò quan trọng trong chăm sóc các bệnh nhân tâm thần và họ có thể chăm sóc tốt hơn nếu được đào tạo. Ở các thành phố, nổi lên phong trào đào tạo kỹ năng làm cha mẹ và chăm sóc trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng là đối tượng tập huấn của một số bệnh viện trong thành phố”- đại diện UNICEF cho hay.

Việc tiếp cận các công nghệ hiện đại và các hành vi nghiện trực tuyến là nguy cơ của căn bệnh sức khỏe tâm thần.

Những lý do đáng sợ

Một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu và Phát triển (ODI) chỉ ra: Có nhiều nguy cơ của căn bệnh sức khỏe tâm thần. Ở cấp độ cá nhân, sự cô lập/ tự cô lập về cảm xúc là nguy cơ quan trọng.

Yếu tố thứ hai là việc tiếp cận các công nghệ hiện đại và các hành vi nghiện trực tuyến, lạm dụng công nghệ. Trẻ em trai có xu hướng dành nhiều thời gian hơn cho các trò chơi điện tử trực tuyến và nỗi buồn của các em đến từ việc bị thua cuộc.

Theo thời gian, việc chơi các trò chơi trực tuyến cho thấy những ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập. Các em trai chơi trò chơi điện tử nhiều hơn, nhưng các em gái có nguy cơ bị rình rập và bắt nạt trên mạng nhiều hơn.

Yếu tố nguy cơ thứ ba liên quan đến những quan niệm tiêu cực về đặc điểm thể chất vị thành niên: Các em gái lo lắng về chu kỳ kinh nguyệt, những em bị thừa cân, hình thể thấp bé dẫn đến việc bị chọc ghẹo, gọi tên và phân biệt đối xử tại trường học.

Ở cấp hộ gia đình, có ba nhóm nguy cơ: Nguyên tắc gia đình quá nghiêm ngặt (đặc biệt liên quan đến thành tích học tập và kết hôn), gia đình nghèo hoặc đang trong tình trạng kinh tế giảm sút và những căng thẳng trong gia đình.

Trẻ sợ không thực hiện được những kỳ vọng của cha mẹ trong việc nhà và chăm sóc em, lo sợ bị cha mẹ la mắng, chỉ trích do bị điểm kém; bị hạn chế ra ngoài với bạn, không chấp thuận các mối quan hệ tình cảm, kiểm soát việc sử dụng điện thoại di động v.v…

Những trường hợp rối loạn tâm thần nổi tiếng trên thế giới

* Tháng 7-2008, khi đi trên xe buýt Greyhound thuộc tuyến cao tốc vắng vẻ, Tim McLean, 22 tuổi đã ngồi cạnh Vince Li, 43 tuổi (người Trung Quốc, nhập cư vào Canada) và đã bị đâm nhiều nhát cho đến chết. Lý do: Li vì tưởng Tim là người ngoài hành tinh. Sau đó, Li còn cắt đầu, mũi, lưỡi và một cái tai của nạn nhân trước sự chứng kiến của nhiều người.

Trả lời cơ quan chức năng, Li cho biết từ năm 2004, ông ta đã nghe thấy tiếng của Chúa trời. “Có một giọng nói rằng tôi là câu chuyện thứ ba của Kinh thánh, là một tái sinh thứ hai của Jesus và muốn cứu mọi người khỏi một cuộc tấn công của người ngoài hành tinh. Tôi tin rằng người ngồi cạnh tôi từ hành tinh khác đến nên tôi đã giết họ, dù rằng tôi rất sợ. Nhưng bây giờ tỉnh rồi thì tôi không còn tin nữa.

Họa sĩ Richard Sumner với chứng bệnh tâm thần phân liệt.

* Richard Sumner là họa sĩ nổi tiếng người Crosby, Merseyside (Anh). Bệnh tâm thần phân liệt khiến ông bị bất lực, không thể làm việc hoặc tham gia các hoạt động xã hội, phải sống dựa vào gia đình.

Quá mệt mỏi và kiệt quệ vì tâm thần phân liệt, ông cảm thấy mình là gánh nặng cho người thân, nên đã nhiều lần bỏ nhà đi vào rừng sâu để không ai nhìn thấy rồi tự còng tay vào một cái cây và vứt chìa khóa đi để quyên sinh. Ông mất năm 2002, khi mới 47 tuổi. 3 năm sau, gia đình mới tìm thấy hài cốt của ông nhờ một người phụ nữ tình cờ phát hiện ra.

Tác giả: Thanh Hằng

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

  Từ khóa: người việt ,loạn thần

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP