Sợ không có tiền xin việc
Thực trạng cử nhân thất nghiệp, học xong đại học không xin được việc làm phải đi làm công nhân được thông tin hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Điều này đã khiến cho nhiều học sinh hoang mang và quyết định không đăng ký thi đại học dù có kết quả học tập rất tốt.
Dù điều kiện kinh tế gia đình ổn định, có kết quả học tập đạt loại giỏi nhưng em Phan Thị Hòa (học sinh lớp 12, trường THPT Trần Phú, Quảng Bình) vẫn không đăng ký thi đại học mà quyết định học xong sẽ đi làm thuê.
Thực trạng cử nhân thất nghiệp, học xong đại học không xin được việc làm phải đi làm công nhân được thông tin hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Điều này đã khiến cho nhiều học sinh hoang mang và quyết định không đăng ký thi đại học dù có kết quả học tập rất tốt.
Dù điều kiện kinh tế gia đình ổn định, có kết quả học tập đạt loại giỏi nhưng em Phan Thị Hòa (học sinh lớp 12, trường THPT Trần Phú, Quảng Bình) vẫn không đăng ký thi đại học mà quyết định học xong sẽ đi làm thuê.
Các thí sinh tham dự kỳ thi THPT năm 2014 tại Quảng Bình (Ảnh: Thủy Phan)
Nói về nguyên nhân không thi đại học, Hòa cho rằng vì sợ học xong sẽ không có tiền để xin việc.
Khi được hỏi, với học lực như vậy mà không học đại học có thấy tiếc không thì Hòa thẳng thắn trả lời, em không thấy tiếc vì khi học xong mà không có việc làm thì càng thấy phí tiền của bố mẹ, phí thời gian của mình.
Hòa tâm sự, trước đó em cũng từng có ý định học đại học, nhưng từ khi thấy hai chị gái mình học xong không xin được việc làm và hôm nào xem thời sự cũng thấy nói về vấn đề sinh viên thất nghiệp nên Hòa quyết định từ bỏ.
“Vì sợ sau này em sẽ hối hận nên bố mẹ em có bảo em đăng ký thi đại học một lần cho biết. Chỉ khuyên vậy thôi chứ thấy hai chị em không xin được việc làm nên bố mẹ em cũng ngán lắm rồi.
Khi thi xong tốt nghiệp em sẽ đi làm thuê kiếm sống. Nếu sau này có cơ hội thì em sẽ đi ra nước ngoài làm ăn”, Hòa cho biết.
Cũng như Hòa, em Lê Huyền Trang (SN 1997, ở Bố Trạch, Quảng Bình) cũng không đăng ký thi đại học dù có đủ điều kiện.
Trang từng là một học sinh giỏi và là một lớp trưởng rất năng động, nhưng em cũng không học đại học vì sợ học ra sẽ không xin được việc làm.
Gần một năm qua sau khi học xong cấp 3, Trang ở nhà phụ giúp bố mẹ và đi học nghề cắt tóc. Trang có ý định sau khi học nghề thành thạo sẽ mở một tiệm cắt tóc ở gần nhà.
“Em không học đại học đơn giản chỉ vì em không thích học nữa. Với lại, em thấy nhiều anh chị cũng học giỏi, nhưng khi học đại học ra trường không xin được việc làm. Nhiều anh chị còn phải đi làm thuê đủ nghề kiếm sống nên em quyết định không thi đại học.
Gần một năm trôi qua rồi em vẫn không thấy hối hận về quyết định của mình. Giờ em chỉ muốn cố gắng học nghề thành thảo, để mở một tiệm cắt tóc cho riêng mình”, Trang nói.
Phụ huynh nghĩ gì?
Thực trạng cử nhân thất nghiệp không chỉ khiến học sinh hoang mang mà phụ huynh cũng rất lo lắng khi có con chuẩn bị chọn nghề.
Chị Nguyễn Thị Phượng, có con đang học lớp 12 chuyên Hóa ở trường chuyên Võ Nguyên Giáp chia sẻ: “Con sắp phải chọn nghề, mà lâu nay thấy nhiều sinh viên học xong không xin được việc làm tôi cũng thấy rất lo lắng.
Con người ta học gần nhà còn đỡ, con tôi học trường chuyên xa nhà mấy chục cây số nên suốt 3-4 nay nó phải ở lại. Chưa kể tiền học phí, mỗi tháng cả tiền ăn, tiền ở, tiền học thêm... tôi phải chu cấp cho con 3-4 triệu, hơn cả nuôi một đứa đi học đại học.
Giờ con sắp thi đại học, nếu con thi đỗ hay trượt thì tôi vẫn thấy lo. Thi đỗ đại học thì lo không biết học xong có xin được việc không, thi không đỗ thì sợ người ta nói này nói nọ... Giờ tôi chỉ biết động viên con cố gắng học để thi thật tốt thôi”.
Nhiều phụ huynh có con không thi đại học dù kết quả học tập tốt, họ vẫn thấy tiếc cho con nhưng khi nghĩ đến việc nhiều cử nhân thất nghiệp phải đi làm công nhân thì họ lại ủng hộ quyết định của con mình.
“Lúc đầu thấy con không dự thi đại học tôi cũng thấy tiếc lắm, nhưng nghĩ lại thấy bây giờ người đi học đại học nhan nhản. Có những học sinh có học lực bình thường vẫn có thể vào đại học, sau khi tốt nghiệp lại không xin được việc làm.
Thà đi học nghề gì đó mà xã hội đang cần còn hơn. Tôi nghĩ không nhất thiết phải học đại học. Miễn sao con tôi luôn cố gắng, chăm chỉ và kiên trì để đạt được mục tiêu của con là được”, chị Lê Thị Quên (ở thị xã Ba Đồn, Quảng Bình), cho biết.
Kỳ thi THPT quốc gia đang tới gần. Đến thời điểm hiện tại, nhiều địa phương đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho kỳ thi này. Theo đó, tại nhiều địa phương, có tới gần 70% học sinh không đăng ký thi đại học.
Như ở tỉnh Hòa Bình, có đến 5.600 /8.100 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia chỉ để lấy kết quả xét tốt nghiệp, chiếm gần 70%.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, kỳ thi THPT quốc gia năm nay, chỉ có1.800/6.700 học sinh đăng ký dự thi vừa để xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học, cao đẳng. Số còn lại chỉ để xét tốt nghiệp.
Tại Quảng Bình, kỳ thi THPT quốc gia năm nay có tổng cộng 10.972 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó cụm thi tốt nghiệp và đại học có 4.840 thí sinh, cụm thi địa phương có 4.891...
Câu chuyện cử nhân thất nghiệp vẫn chưa có hồi kết. Nhiều người cho rằng, việc nhiều học sinh chọn đi học nghề, hay đi làm thuê thay vì học đại học là giải pháp đúng đắn.
Tác giả bài viết: Thủy Phan