Trong nước

Sau "quả bom" Việt Á, Bộ trưởng muốn mua viên kháng sinh cũng khó

"Có vị Bộ trưởng than phiền với tôi là đi mua thuốc Zinnat cũng không mua được" - đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói và cho biết việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc men đang là nỗi lo lớn nhất.

Sáng 1/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.

Không thể để những vi phạm làm cả hệ thống tê liệt

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) chia sẻ hình ảnh trận chung kết bóng đá SEA Games 31 vừa qua 4 vạn người đi xem không ai đeo khẩu trang, điều này cho thấy Covid-19 đã sang giai đoạn thoái trào.

"Tỷ lệ tử vong do Covid-19 nhiều ngày nay không có, Covid-19 đã sang giai đoạn thoái trào, tuy nhiên hiện chúng ta vẫn không tuyên bố chính thức kết thúc bệnh truyền nhiễm nhóm A" - ông Hiếu nói và cho biết đã tới lúc phải trở lại "bình thường cũ" để hướng tới 2 mục tiêu: Thứ nhất là phục vụ cho lộ trình mở cửa phục hồi kinh tế hậu Covid-19; thứ hai là tránh quá tải cho hệ thống y tế, các bệnh viện đủ sức điều trị các bệnh lý thông thường và bệnh lý Covid-19.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Ảnh: Quốc Chính).

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, dịch bệnh ảnh hưởng lớn tới rất nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế - xã hội, nhưng ngành ảnh hưởng lớn nhất, hậu quả nặng nề là ngành y tế. Hệ thống y tế đã trải qua những giờ phút không thể nào quên, những thành công được xã hội ghi nhận. Những sai lầm đã phải trả giá theo đúng nguyên tắc công - tội phân minh.

Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội bày tỏ, vấn đề đặt ra là sau "cơn bão lớn", sự phục hồi và phát triển của ngành trụ cột trong an sinh xã hội sẽ diễn ra như thế nào? Không thể để những vi phạm xảy ra mà để cả hệ thống tê liệt. Theo ông Hiếu, để tìm được câu trả lời trên không hề dễ vì những vướng mắc đã kéo dài nhiều nhiệm kỳ, ai cũng nhận ra nhưng ngày càng nhiều hơn, phức tạp hơn.

"Những khó khăn trước đây như thu nhập nhân viên y tế, mua sắm trang thiết bị, vật tư thuốc men hiện nay không được cải thiện mà còn tệ hơn bao giờ hết. Việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc men là nỗi lo lớn nhất của đại đa số các bệnh viện công và tư. Gần đây có vị Bộ trưởng than phiền với tôi là đi mua viên Zinnat - loại kháng sinh rất thông dụng nhưng cũng không mua được" - ông Hiếu thông tin.

Trong khi đó, ông Hiếu cho biết, nhân lực chất lượng cao đã thiếu nay càng khó khăn hơn vì lương không tăng mà còn có xu hướng giảm. Theo thống kê ở các bệnh viện công, không đủ phương tiện mới, hiện đại khiến bác sĩ giỏi tới đâu cũng phải bó tay, nản lòng.

Đại biểu đề nghị Quốc hội giám sát Chính phủ ban hành sớm các nghị định, thông tư then chốt nhằm tháo gỡ những vướng mắc nghiêm trọng của hệ thống y tế như quyết nghị giảm cấp độ dịch Covid-19, hướng dẫn các quyết toán chi phí chống dịch; có nguồn ngân sách cụ thể ghi trong gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cho y tế tuyến cơ sở, đầu tư kỹ thuật cao tại các bệnh viện chuyên ngành; có chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đang vô cùng khó khăn của ngành y tế.

"Với tư cách là một bác sĩ vẫn đang điều trị trực tiếp cho người bệnh, tôi rất mong các vị lãnh đạo cao cấp, các đại biểu Quốc hội hiểu được phần nào những khó khăn mà chúng tôi đang gặp phải, không chỉ về vật chất mà trong lúc này là vấn đề tinh thần, sự ổn định và phương hướng phát triển rõ ràng là điều nhân viên y tế chúng tôi cần nhất lúc này" - ông Hiếu bày tỏ.

Theo ông Hiếu, những "con sâu" đã bị gọt bỏ khỏi hệ thống y tế, nhưng những người mới nhận nhiệm vụ lại vô cùng bối rối, loay hoay chưa tìm được đường đi cho đúng, vì đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai khi hệ thống pháp luật hiện nay chưa hoàn chỉnh.

Cần làm gì sau "quả bom" Việt Á?

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh cần tiếp tục triển khai Chương trình phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, không được chủ quan, đề phòng với những biến chủng mới có thể xuất hiện.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Ảnh: Quốc Chính).

Theo vị đại biểu đoàn Đồng Nai, cần tiếp tục quan tâm đến hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và các bệnh viện công lập. Đặc biệt, phải có cơ chế, chính sách để các cơ sở y tế chủ động, tự tin trong việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men, tránh tâm lý sợ thanh tra, kiểm tra không dám làm, không dám mua và thái độ cứ nhìn vào y tế là thấy tiêu cực.

"Dù hệ thống y tế đang bị rúng động bởi "quả bom Việt Á" nhưng việc chống dịch, chữa bệnh, cứu người, vì sức khỏe nhân dân vẫn phải là ưu tiên hàng đầu" - đại biểu Trịnh Xuân An nêu quan điểm.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trịnh Xuân An cũng đề nghị tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Bởi theo đại biểu, những vụ việc vừa qua cho thấy thị trường vốn "rất mong manh và dễ bị thao túng, tác động, can thiệp".

"Cần theo dõi, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi thao túng giá, làm giá, thực hiện sai nghĩa vụ công bố thông tin. Xử lý sai phạm nhưng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, sai phạm đến đâu xử đến đó; doanh nghiệp càng lớn thì trách nhiệm đối với xã hội và nền kinh tế càng phải cao" - ông An nói.

Bên cạnh đó, rà soát chính sách quản lý với các loại thị trường quan trọng này để tránh tình trạng "lúc quá mở, lúc lại bóp nghẹt" làm ảnh hưởng đến các kênh dẫn vốn của nền kinh tế, đồng thời cũng để không xảy ra "quả bom" trái phiếu doanh nghiệp, dẫn đến hiệu ứng domino trong thị trường vốn; có công cụ để điều tiết thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu liên quan đến bất động sản và kiểm soát việc tăng giá bất động sản bất thường ở mọi vùng, mọi nơi, tránh lại tiếp tục xảy ra "bong bóng bất động sản" thời gian tới.

Tác giả: Quang Phong và Như Quỳnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP