Chiều 6/11, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), nhiều ý kiến quan tâm đến quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan lực lượng này.
Đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng số lượng cấp tướng theo dự luật là nhiều, đơn cử hàm trung tướng cho chức vụ Cục trưởng và tương đương có số lượng 32; hàm thiếu tướng 139.
Trước việc dự thảo Luật quy định Giám đốc Công an tỉnh, thành loại I được "trần" thiếu tướng (hiện có 11 đơn vị trên toàn quốc), ông Hoà cho rằng quy định như vậy sẽ dẫn đến bất cập, vì cùng là Giám đốc Công an tỉnh, thành như nhau song "có người mang hàm cấp tướng, có người lại mang hàm cấp tá".
"Trong điều kiện Việt Nam ở thời bình, được thế giới ca ngợi là quốc gia ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Hàm tướng có cần thiết số lượng nhiều như thế hay không?", ông Hoà nói.
Đại biểu Phạm Văn Hoà. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội. |
Ủng hộ quan điểm nên cân nhắc quy định cấp bậc hàm thiếu tướng với Giám đốc Công an tỉnh, thành loại I, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng nếu quy định như dự luật thì sẽ có cuộc chạy đua nâng hạng cấp tỉnh để được phong tướng.
Phong tướng cho giám đốc công an địa bàn phức tạp
Đại biểu Nguyễn Văn Được - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam nêu quan điểm, phong tướng để chỉ huy quân, không nhất thiết cứ tỉnh loại I thì phải phong tướng. Do đó, ông kiến nghị địa bàn nào trật tự, trị an phức tạp thì phong tướng cho lãnh đạo công an tỉnh đó.
Đại biểu Nguyễn Văn Được. Ảnh: Hoàng Phong. |
Ông Được cũng cho rằng, quân đội và công an đều là lực lượng vũ trang nhưng khi "ngồi họp Thường vụ Tỉnh ủy, một bên tướng (Giám đốc Công an), một bên tá (chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh) thì cảm thấy không vui lắm".
Chia sẻ quan điểm không nhất thiết quy định Giám đốc công an 11 tỉnh, thành là thiếu tướng như dự luật, đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội đề xuất, tỉnh nào là địa bàn quan trọng về quốc phòng an ninh thì Bộ điều động tướng về địa bàn đó, do Bộ trưởng Công an phân bổ.
"Chúng tôi đề nghị khi địa phương nào được xác định là trọng điểm về an ninh quốc phòng thì chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cũng được phong thiếu tướng tương đương như giám đốc công an tỉnh", ông Lợi kiến nghị.
Các tỉnh loại I là địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự
Ủng hộ quy định "trần" thiếu tướng với Giám đốc Công an tỉnh, thành loại I, đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an Nghệ An phân tích, khối lượng công việc của công an các địa phương (chủ yếu ở cấp tỉnh) sẽ chiếm đến 80% tổng khối lượng công việc của lực lượng Công an nhân dân và trên 85% biên chế toàn lực lượng.
Mặt khác, trong hệ thống chức vụ sĩ quan của Công an nhân dân, Giám đốc Công an tỉnh được xác định là cấp dưới liền kề và có thể quy hoạch bổ nhiệm chức danh Thứ trưởng Công an. Do đó, tiêu chuẩn chức danh cấp bậc hàm của Giám đốc Công an tỉnh phải đảm bảo tương quan tương đối với chức danh Cục trưởng của các đơn vị trực thuộc Bộ.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu. Ảnh: Hoàng Phong. |
Theo ông Cầu, đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I đã được phân loại; các tỉnh này là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, mỗi năm có thể khởi tố từ 1.000 - 3.000 vụ án hình sự và số lượng bị can từ 1.500 - 6.000. Như vậy, công an tỉnh cần phải được quan tâm tăng cường toàn diện, trong đó có cấp bậc hàm cao nhất cho Giám đốc là thiếu tướng.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị hữu quan để tiếp thu ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Dự kiến sáng 21/11, Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết thông qua dự luật.
Cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân (Điều 25 - Dự luật Công an nhân dân sửa đổi) a) Đại tướng: Bộ trưởng Bộ Công an; b) Thượng tướng: Thứ trưởng Bộ Công an; c) Trung tướng: Cục trưởng và tương đương; Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương; Giám đốc Công an TP Hà Nội, Giám đốc Công an TP HCM; d) Thiếu tướng: Cục trưởng của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và chức vụ, chức danh tương đương; Phó Cục trưởng và tương đương của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương; Phó giám đốc Công an TP Hà Nội và TP HCM... |
Tác giả: Võ Hải
Nguồn tin: Báo VnExpress