4 ngày sau khi công bố điểm thi THPT quốc gia 2018, vụ việc Hà Giang có nhiều thí sinh đạt điểm cao bất thường vẫn chưa lắng xuống. Bộ GD&ĐT đã cử đoàn công tác hỗ trợ ban chỉ đạo thi của tỉnh này.
Làm việc với Zing.vn chiều 15/7, ông Trần Đức Quý - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 của Hà Giang - thừa nhận, điểm thi có bất thường và quyết tâm trả lại điểm thực cho thí sinh.
Rà soát ngay khi có dấu hiệu bất thường
- Thưa ông, sau khi nhận phản ánh về các trường hợp điểm thi cao bất thường, tỉnh Hà Giang đã có phương án xử lý như thế nào?
- Khi có kết quả, điều đáng mừng là Hà Giang có hai thí sinh lọt top 10 em điểm cao nhất nước. Tôi rất phấn khởi, nghĩ đây là bước đột phá của giáo dục tỉnh nhà.
Nhưng sau đó, báo chí đưa tin điểm bất thường, tôi lo điểm có thực chất hay không. Từ khi chưa có công văn của Bộ GD&ĐT, tôi đã gặp ban giám đốc sở, trực tiếp làm rõ vấn đề.
Ông Trần Đức Quý khẳng định không có "vùng cấm" hay bao che trong quá trình kiếm tra, rà soát điểm thi THPT quốc gia 2018 của Hà Giang. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Tỉnh thấy đây là điều phải quan tâm ngay nên đã chỉ đạo trước. Chúng tôi phải tự rà soát tất cả khâu, từ khi nhận đề của Bộ GD&ĐT, đến các cơ sở (Hà Giang có hơn 5.000 thí sinh, 11 huyện, thị đều có phòng thi), quá trình coi thi, giao bài khi thi xong, cách làm, phương thức, trình tự, đến khâu quan trọng là tổ chức chấm thi. Các thành viên của hội đồng chấm thi làm việc như thế nào.
Sau đó, Bộ GD&ĐT gửi công văn. Ngày 14/7, đoàn công tác của bộ đã lên phối hợp với Hà Giang. Tỉnh mong muốn làm thế nào để đánh giá hết sức nghiêm túc về kỳ thi này, được và chưa được gì, điểm thi thực chất hay không.
Điểm thực chất rất đáng mừng. Nhưng nếu không thực chất, chắc chắn là bất thường, phải làm đến nơi đến chốn để tạo lòng tin cho người dân Hà Giang.
Hà Giang xác định không vì thành tích. Muốn tỉnh, đất nước phát triển, chúng ta phải có đội ngũ cán bộ tốt. Muốn có đội ngũ cán bộ tốt, ngay từ nền học sinh phổ thông, các cháu phải thực sự đủ điều kiện thì mới vào đại học.
- Trước đó, Bộ GD&ĐT giao ban chỉ đạo thi Hà Giang rà soát, kiểm tra, báo cáo ngày 17/7 nhưng sau đó, bộ lại cử đoàn công tác làm việc trực tiếp. Điều này xuất phát từ dấu hiệu bất thường trong quá trình rà soát hay do tỉnh đề xuất và có làm thay đổi kế hoạch ban đầu?
- Khi rà soát thấy có vấn đề bất thường, địa phương đã trao đổi với Bộ GD&ĐT. Như đồng chí thứ trưởng nói, việc ở địa phương thì địa phương phải làm. Chúng tôi làm.
Khi triển khai, chúng tôi thấy một số vấn đề khó, cần sự phối hợp vì một mình địa phương không làm được, phải nhờ đến chuyên gia. Đây không phải việc đơn giản và cũng hết sức cấp thiết, phải có sự phối hợp, hỗ trợ. Bộ có nhiều kinh nghiệm trong việc thanh tra.
Mình quán triệt tốt nhưng phát sinh ở một hoặc một vài cá nhân, hết sức tinh vi nên cần có sự vào cuộc của người có chuyên ngành.
Do vậy, đoàn của bộ lên, ngoài ra còn có lực lượng của Học viện Ngân hàng - trường trực tiếp coi thi ở đây - đồng thời một số chuyên gia tin học, lĩnh vực khác cũng lên để khẩn trương triển khai công việc.
Tập trung khâu then chốt
- Dư luận đang quan tâm quy trình rà soát được thực hiện như thế nào và gồm những lực lượng nào tham gia?
- Chúng tôi rà soát tất cả khâu song song và đồng bộ nhưng sẽ chọn khâu then chốt nhất, có thể xảy ra tiêu cực.
Đoàn công tác Bộ GD&ĐT cùng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia Hà Giang khẩn trương rà soát các khâu tổ chức thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Quang Anh. |
Đoàn thanh tra của bộ có đầy đủ chức năng có thể làm được việc này, hỗ trợ cho Hà Giang. Trước hết, đây là nhiệm vụ của hội đồng thi, cơ quan an ninh, công an, các ngành chức năng. Chúng ta tập trung vào điểm thi. Điểm từ khâu nào thì tập trung vào đó, có bất thường phải tìm ra.
- Từ dữ liệu thi có phát hiện bất thường ở một số bài, hội đồng thi có tập trung chấm lại những bài thi đó không?
- Chúng tôi đang tiến hành, sẽ làm từng vấn đề một, tập trung những bất thường, còn vấn đề chấm, rà soát như thế nào đã có những chuyên gia về lĩnh vực này hỗ trợ.
Khâu nào nghi vấn thì tập trung vì trong quá trinh thi, không hội đồng nào báo cáo có vấn đề bất thường.
Bây giờ, chúng ta phải tập trung từng vấn đề một, xem xét việc coi thi, nhận đề, chuyển bài, chấm thi, bảo quản phong bì của các phòng thi như thế nào.
- Điều này có nghĩa ban chỉ đạo thi sẽ bỏ qua khâu coi thi trong khi thí sinh phản ánh vẫn được trao đổi bài trong phòng thi?
- Chúng tôi tập trung các khâu chính, đồng thời nghiên cứu phản ánh, không bỏ sót thông tin nào. Tôi khẳng định chắc chắn có kết quả trong thời gian sớm nhất, đáp ứng mục tiêu phát hiện bất thường, mang lại lòng tin với Đảng, Nhà nước, người dân.
Tất cả chúng ta phải chờ. Bây giờ, tôi không thể tiết lộ vì nguyên tắc thanh, kiểm tra là chỉ công bố khi có kết quả.
Nhưng là trưởng ban chỉ đạo, tôi khẳng định sẽ làm đến nơi đến chốn với quyết tâm, trách nhiệm cao nhất, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, không có chuyện bao che.
Đưa điểm về thực chất
- Sau khi kết thúc quá trình rà soát, nếu phát hiện sai phạm, tỉnh sẽ xử lý như thế nào? Hội đồng có tổ chức chấm lại không?
- Quan điểm của bộ trưởng là điểm phải trở về với thực chất của học sinh. Bước đi của chúng tôi tương đối bài bản và chặt chẽ, để sau khi kết thúc có thể loại những điểm cao không thực chất. Điểm phải trở về điểm thực của các cháu.
Thứ hai, sai đến đâu xử lý nghiêm túc đến đó, kể cả vấn đề hình sự cũng phải làm, không có “vùng cấm” hay chuyện bao che.
Lãnh đạo Hà Giang khẳng định sẽ loại bỏ những điểm không thực chất trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại địa phương này. Ảnh: Nguyễn Sương. |
- Dự kiến công tác rà soát diễn ra trong bao lâu, bao giờ kết thúc?
- Chúng tôi hy vọng sớm, tức là trong vòng khoảng vài ba ngà ngày phải kết thúc vì đến 18/7 là phải công nhận kết quả điểm. Thời gian không còn dài.
Chúng tôi phải chờ vào tiến độ, có thể chậm một, hai ngày nhưng không thể kéo dài vì phải công nhận điểm để các cháu đăng ký xét tuyển đại học. Hôm qua, một số tổ làm đến 1h sáng.
- Đến hôm nay, ông có khẳng định hội đồng thi sẽ có câu trả lời thỏa đáng với dư luận?
- Tôi khẳng định chắc chắn sẽ có câu trả lời thỏa đáng, quan trọng nhất là với người Hà Giang. Nếu không, nhân dân không tin vào chính quyền nữa.
Người ta nói học tài thi phận là đúng. Hôm trước, tôi đã phân tích, bình thường học được 7 điểm nhưng hôm thi 9 điểm cũng có, không thể phủ nhận. Nhưng 4 điểm mà lên 9 điểm quá khó, không phải không có nhưng chỉ được một bài như trường hợp ở Nghệ An năm 2016.
Đây là năm thứ tư tổ chức kỳ thi 2 trong 1, rất tốt cho các cháu trong việc đi thi. Nhưng qua kỳ thi như này, Bộ GD&ĐT chắc chắn sẽ rút ra kinh nghiệm, xem xét triển khai những cái gì.
Kỳ thi có điểm tốt khi mang lại lợi ích cho người dân nhưng cũng có cái không tốt, những khe hở cần phải khép lại.
Việc này cần có quá trình. Khi chúng ta triển khai một mô hình, nó có thể thành công hoặc không thành công. Nhưng không phải không thành công vẫn cố làm và phải phải khắc phục cái chưa tốt.
Đây cũng là bài học cho các tỉnh khác vì không phải chỉ Hà Giang, Sơn La cũng có thí sinh hai điểm 10, dù bình thường thi rất làng nhàng.
Diễn biến vụ việc Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia 2018, dư luận đặt nghi vấn khi tỉnh Hà Giang có hàng loạt thí sinh đạt điểm cao. Thuộc nhóm có tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhất nước (89,35%), tỉnh này có 3 thí sinh trong danh sách những em đạt điểm cao nhất kỳ thi. Đáng chú ý, những học sinh này có điểm thi thử thấp. Sau đó, mạng xã hội lan truyền bảng điểm xét tuyển theo khối của 36 thí sinh Hà Giang được cho là bất thường. Ngày 12/7, Bộ GD&ĐT ra công văn yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Giang kiểm tra, rà soát toàn bộ các khâu của kỳ thi, báo cáo bằng văn bản về thi THPT quốc gia 2018 qua Cục quản lý Chất lượng trước ngày 17/7. Ngày 14/7, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT lên Hà Giang để phối hợp điều tra nghi vấn điểm thi cao bất thường. |
Tác giả: Nguyễn Sương
Nguồn tin: zing.vn