Năm nay, tiết trời nắng đẹp, khô ráo, dịu mát nên các điểm hẹn chật kín người. Tiếng hát vang vọng say mê, dìu dặt. Trong “biển người” tìm kiếm nhau ở lùm cây, góc phố thì đã có những đôi, những tốp bắt được sóng cất tiếng Sli râm ran. Anh Hoàng Tiến (40 tuổi, dân tộc Nùng) cho biết: “Đã thành thông lệ rồi, cứ ngày này là đội hát Sli chúng tôi ở Gia Cát, huyện Cao Lộc lại tụ tập tại thành phố Lạng Sơn để hát chọi với đám gái ở Vân Thủy, huyện Chi Lăng. Đã quen nhau 3,4 năm nay, thấu hiểu từng lời nói, câu hát nên không còn bỡ ngỡ nữa. Vợ tôi cũng theo đám hát trong làng đi Sli ở chợ Kỳ Lừa; còn tôi thì bảy tỏ tâm tình ở chân tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ”.
Theo anh Tiến, những người đi hát chủ yếu đã vào tuổi trung niên, đã có gia đình riêng. Tuy thế, mọi người đều mê câu hát và muốn bày tỏ tâm tình với người khác giới qua câu Sli, câu Lượn. “Mỗi năm chỉ có dịp này là thỏa mái tán tỉnh; vợ con, người thân đều không ghen tuông gì cả. Hát thì cả ngày, qua đêm, đến sáng hôm sau thì về với gia đình thôi mà”. Anh Tiến nói.
Vài năm gần đây, nhờ có Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn vận động, khuyến khích nên các câu lạc bộ hát Sli, Lượn được thành lập ở các huyện, thành phố trong tỉnh thu hút gần 2000 người tham gia. Nhiều người trẻ, thanh niên nhập hội, học hát và thông qua những buổi Sli, Lượn mà nên duyên vợ, chồng.
Năm nay phiên chợ tình hát Sli đông gấp bội năm ngoái, ước tính có đến gần 2000 người tham dự. Ngoài bạn hát là người sinh sống trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, còn có trên 100 người Nùng ở huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) tham gia tán tỉnh người xứ Lạng, tạo nên không khí hội xuân náo nức, phấn khích hơn.
Càng về chiều tối, tại các điểm hẹn hát Sli lại rộn rã bước chân người. Trước khi bước vào canh hát, từng tốp người soi gương, tỉa lông mày, tu chỉnh lại bộ quần áo chàm để khi giáp mặt, cất tiếng Sli làm cho “đối phương” ngất ngây, quên lối về.
Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Chiến
Nguồn tin: