Trại giam Hồng Ca (Bộ Công an) nằm lọt thỏm giữa những đồi chè rộng lớn của tỉnh Yên Bái. Đây là một địa hình không hề dễ dàng với những phạm nhân có ý định trốn trại. Không những thế, trại còn bố trí tới gần chục chốt canh gác, chia làm nhiều vòng với những chiến sĩ trinh sát dày dạn kinh nghiệm.
Thế nhưng, có thể nói, những chiến sĩ làm nhiệm vụ canh gác thì ở ngoài sáng, còn phạm nhân thì ở trong tối. Đối với những đối tượng chưa cảnh tỉnh thì lúc nào chúng cũng nung nấu ý định trốn trại dù khó khăn đến thế nào chăng nữa. Điều này gặp ở phạm nhân Đàm Tuấn Nguyên (SN 1987, quê Lào Cai).
Hình minh họa. |
Hai lần trốn trại
Nguyên có một tiền án về tội sử dụng vũ khí quân dụng trái phép. Trong tập hồ sơ về phạm nhân này, phóng viên khá bất ngờ bởi Nguyên là một thanh niên có khuôn mặt điển trai và “hút hồn” các cô gái trẻ.
Mới 20 tuổi, Nguyên đã mang một án tích khiến nhiều người phải kiêng nể. Vào cuối năm 2006, khi mới 19 tuổi, không tu chí học hành, Nguyên tụ tập cùng nhiều đàn anh bất hảo và sớm sa vào vòng tội lỗi. Không có tiền tiêu xài, Nguyên cùng đàn anh Đàm Tuấn Đoàn mua một khẩu súng và lập kế hoạch kiếm tiền bằng cách cướp của. Vụ việc bị lực lượng chức năng phát giác ngay sau khi Nguyên cướp tài sản của một người đi đường. Cả hai bị bắt khi Nguyên vừa bước sang tuổi mới.
Đầu năm 2007, Nguyên bị Tòa án nhân dân Lào Cai kết án 2 năm tù. Đi trả án, Nguyên được di lý về trại giam Hồng Ca. Cải tạo được một thời gian, phạm nhân hơn hai mươi tuổi này ấp ủ trốn trại vì… không thể nào ở trong tù được.
Lần đầu tiên, Nguyên bị phát giác khi có ý định trốn tù nên bị quản thúc riêng và chịu thêm mức án phạt khiến khoảng thời gian sớm được tái hòa nhập cộng đồng của thanh niên này kéo dài thêm. Không nản lòng. Khi hết thời gian quản thúc và “cố gắng” tỏ ra ăn năn, hối lỗi, thậm chí Nguyên còn viết cam đoan sẽ chấp hành tốt mọi quy chế của trại giam cho đến ngày hoàn thành mức án phạt làm “bình phong che mắt”.
Còn cách ngày về không xa, Nguyên trốn trại lần thứ hai và lần này y thành công. Ngày 31/12/2009, lợi dụng việc ra ngoài nấu ăn cho các phạm nhân khác trong trại, Nguyên lẻn theo đường bếp nuôi, lúc cán bộ mở cổng trại nhập rau, Nguyên liền trốn ra ngoài.
Trong một bầu không khí “tự do” nhưng trên hết là sợ bị bắt lại đã giúp Nguyên chạy thục mạng qua hai quả đồi, vượt qua ba trạm trinh sát bằng cách trườn, bò, nấp và cuối cùng cũng gặp đường quốc lộ. Trước đó, phạm nhân này đã nhờ người thân chuyển vào cho mình một ít tiền.
Lấy tiền mà y đã giấu từ trước đó, Nguyên gặp một xe khách và biến mất khi màn đêm đang dần buông xuống nơi trại giam Hồng Ca.
Cuộc truy tìm không mệt mỏi
9h tối, các phạm nhân nhập trại sau một ngày lao động thì các quản giáo bất ngờ phát hiện thiếu Đàm Tuấn Nguyên. Kiểm tra bếp ăn và hàng loạt các vị trí, họ biết rằng, phạm nhân này đã bỏ trốn.
Khoảng thời gian bỏ trốn rất có thể là trước 7h tối khi cổng trại mở để nhập rau cho bếp ăn. Tiếng chuông báo động lập tức vang lên xé toang màn đêm vốn tĩnh mịch ở nơi đây. Cùng lúc đó, công tác rà soát các phạm nhân trong trại để kiểm tra có hay không đồng phạm của Nguyên cũng lập tức được triển khai.
Trong khi đó, tổ trinh sát của trại giam dưới sự chỉ đạo của Ban giám thị trại cũng họp bàn kế hoạch vây bắt bằng được Nguyên, đưa y quay lại nơi giam giữ. Các điểm chốt được túc trực tăng cường rà soát, kiểm tra nhưng chưa có tin tức gì. Rất có thể Nguyên về nhà để lấy vật dụng cần thiết và gặp người thân. Một mũi trinh sát phán đoán khả năng đối tượng đi tàu khách về Lào Cai.
Đại úy Vũ Hợp Thành (Đội phó Đội trinh sát trại giam Hồng Ca), một trinh sát giàu kinh nghiệm được cấp trên tin tưởng và một chiến sĩ trinh sát khác cùng hai cảnh sát bảo vệ nhận lệnh lên đường. Bốn người bắt ô tô rồi đón chuyến tàu trưa lên ngay thành phố Lào Cai đón đầu Nguyên quay về nhà.
Nhưng Nguyên đã không về Lào Cai. Sau khi kiểm tra hết các địa bàn cùng lực lượng địa phương không có kết quả, Đại úy Thành báo cáo về đơn vị và thông báo cho chính quyền sở tại có biện pháp kịp thời ngay khi Nguyên xuất hiện.
Bằng mọi cách phải thu thập được thông tin của tướng cướp trốn tù này, Đại úy Thành cùng đồng nghiệp không nản chí mà tiếp tục công việc tại Lào Cai. Lục tìm thông tin của Nguyên qua các cán bộ nằm vùng, ga tàu, bến thuyền và cả những bãi vàng, bất kỳ nơi nào Nguyên có thể tá túc đều được các trinh sát “hỏi thăm” nhưng không hề có thông tin gì.
Trong khi đó, các mũi trinh sát khác tiếp tục tìm kiếm thông tin về Nguyên từ thành phố Yên Bái và khu vực lân cận nhưng tuyệt nhiên không có một chút manh mối. Không lẽ Nguyên có thể “bốc hơi” hay còn lẩn trốn trong rừng chưa ra? Bóng chim tăm cá, tìm Nguyên ở đâu khi thời gian cứ dần trôi qua đã được gần 1 tháng?
Đại úy Thành và đồng đội phán đoán: Một là Nguyên đã trốn được sang Trung Quốc; hai là đi đến một số mối quan hệ thân cận vì cần tiếp tế. Phương án hai có khả năng xảy ra vì Nguyên có mẹ ở thành phố Hồ Chí Minh (mẹ Nguyên đã ly dị với bố).
Đại úy Thành kể lại: “Sau 10 ngày chưa có tin tức của Nguyên, tôi quay về họp toàn anh em và chấn chỉnh các phương án truy bắt. Sau đó tôi lại xin đi lên Lào Cai. Ngày thì bám các cơ sở nhà dân, đêm xuống mình lại lân la tới các đối tượng giang hồ để tìm kiếm tin tức về Nguyên. Suốt một tháng ròng, lại gần giáp Tết mà thông tin về gã phạm nhân vẫn như hết sức mù mịt”.
Phán đoán Nguyên có thể ở TP Hồ Chí Minh, tổ trinh sát thứ sáu của trại giam Hồng Ca ngay lập tức lên đường để lần theo manh mối. Suốt gần một thángqua, toàn bộ lực lượng trinh sát, cảnh vệ và Ban giám thị trại giam Hồng Ca không thể nào chợp mắt được vì chưa có tin tức của Nguyên chứ đừng nói có thể bắt lại y.
Lần tìm từ tấm chứng minh thư cũ
Đầu tháng 2/2010, qua một nguồn tin tuyệt mật từ cơ sở, Đại úy Thành đã xác định được vị trí của Nguyên tại Đà Lạt. Một thông tin khác cũng đến hết sức kịp thời để khẳng định Nguyên đang ở đó. Khoảng giữa tháng 1/2010, một người dân kê khai việc mất chứng minh thư của mình tại Công an Thái Nguyên.
Anh này khai mình bị mất tại Nghệ An. Trong khi đó, một hồ sơ xin việc tại một quán cà fe tại Đà Lạt lại mang tên người thanh niên nọ. Qua xác minh, người thanh niên đó không hề gửi hồ sơ xin việc vào Đà Lạt. Đại úy Thành cùng cả tổ khẳng định: Nguyên đang ở Đà Lạt và hồ sơ xin việc đó là của Nguyên nhưng mang tên giả và chứng minh thư mà Nguyên có là do Nguyên nhặt được.
Lúc này, tổ trinh sát thứ sáu cũng vừa đặt chân đến thành phố mang tên Bác, khi các chiến sĩ này chưa kịp nghỉ ngơi thì nhận được lệnh ngược lên Lâm Đồng. Bí mật tiếp cận đối tượng và xác định đúng là Nguyên đang ở đây, lệnh được phát ra, bốn chiến sĩ trại giam Hồng Ca đóng vai các vị khách uống café vào quán.
Sáng ngày 6/2/2010, Nguyên bị bắt tại Đà Lạt và vẫn không hiểu sao sau gần 2 tháng, cuối cùng mình lại bị bắt. Thậm chí Nguyên còn không thể nhận ra các đồng chí trinh sát tại nơi giam giữ y bởi vì hơn một tháng trời bám địa bàn khắp miền Bắc, miền Trung rồi miền Nam, các chiến sĩ này chả còn để ý đến đầu tóc và râu đã mọc dài.
Sau này, khi bắt được và đưa Nguyên và quy án tại trại, các quản giáo mới có thể hiểu rõ hơn về đường đi của tên phạm nhân nguy hiểm này đúng như phán đoán của mình. Trốn khỏi trại giam, Nguyên vật vờ ở Yên Bái gần 10 ngày trời chứ không về ngay Lào Cai.
Sau Nguyên bắt xe khách về thẳng Hà Nội tìm bạn bè nhưng không gặp. Y tiếp tục vào thẳng Nghệ An và nhặt được một chứng minh thư tại bến xe. Từ chứng minh thư này, Nguyên mang theo vào TP Hồ Chí Minh và ra Đà Lạt.
Tại đây, Nguyên làm việc cho một quán café và yêu một cô gái, Nguyên sống với cô gái tại nhà cô này như vợ chồng. Khi chuẩn bị đổi ca phục vụ bàn, Nguyên đã bị các trinh sát tóm gọn. Kể cho chúng tôi nghe câu chuyện, Đại úy Thành tâm sự: “Khi bỏ trốn, Nguyên không hề liên lạc với bất kỳ ai, kể cả bố mẹ và người thân, thậm chí bạn bè chí cốt cũng không.
Tưởng chừng như đã bế tắc hoàn toàn thì bất ngờ có một thông tin từ cơ sở tin cậy của quần chúng. Hơn một tháng trời thâm nhập và bám dân đã được đền đáp. Mình điện về xin ý kiến của Ban lãnh đạo trại rồi một tổ công tác ngay lập tức lên đường bắt Nguyên về quy án”.
Vụ án trốn tù của Đàm Tuấn Nguyên sau này mỗi khi được nhắc lại tại trại giam Hồng Ca là các quản giáo ở đây coi đó là một kỉ niệm khó quên và là bài học sâu sắc trong công tác quản lý phạm nhân. Sau này, Nguyên đã phải nhận thêm một bản án nữa cho mình vì tội trốn khỏi nơi giam giữ.
Tuy nhiên, điều mà phạm nhân này thấy day dứt nhất và mong muốn chấp hành án xong sớm để được tự do là việc Nguyên nhận thấy giá trị của cuộc sống khi yêu và “thề non hẹn biển” với cô gái Lâm Đồng đã cưu mang và yêu thương y khi y bỏ trốn vào đó.
Tác giả: Minh Châu
Nguồn tin: Pháp Luật Plus