Từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu mua sắm, đi chợ online của người dân tăng cao. Tuy nhiên, các shipper và phương tiện vận tải không được phép di chuyển nhiều như trước, nếu không đủ điều kiện, yêu cầu.
Vừa nhận 2 thùng hải sản từ Quảng Ninh chuyển lên, chị Trần Liên (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, giá cước vận tải từ các tỉnh vào Hà Nội hiện tăng gấp 3 - 4 lần. Ngày trước, một thùng hàng chuyển từ Quảng Ninh lên Hà Nội chỉ có 50.000 đồng, hiện tại là 180.000 - 200.000 đồng/thùng.
"Không chỉ giá cước vận tải ở các tỉnh tăng mà phí giao hàng trong nội thành Hà Nội hiện cũng tăng chóng mặt. Lộ trình di chuyển, giao hàng có một km nhưng khách phải trả mức phí 30.000 - 35.000 đồng, đắt gấp đôi so với ngày trước. Cho nên, để tiết kiệm tiền vận chuyển, mọi người thường đặt mua số lượng lớn, thay vì mua lẻ tẻ như trước đây", chị nói.
Phí giao hàng ở Hà Nội hiện tăng gấp 2 - 3 lần so với thời điểm trước giãn cách xã hội. |
Tương tự, chị Mỹ Ngọc, chủ một cửa hàng hoa quả ở Cầu Giấy (Hà Nội) thông tin, gần một tuần nay, chị phải dừng nhập một số trái cây ở các tỉnh về Hà Nội do giá cước vận chuyển tăng cao.
"Nếu như trước đây, giá cước cho một thùng na từ Sơn La xuống Hà Nội là 50.000 đồng thì nay tôi phải trả từ 110.000 - 120.000 đồng. Hay một thùng quả từ Hòa Bình về Hà Nội cũng tăng từ 50.000 đồng lên 150.000 - 200.000 đồng cho lượng hàng tương tự. Chưa kể thời gian giao, nhận hàng cũng kéo dài thêm vài tiếng đồng hồ", chị Ngọc cho biết.
Với quãng đường một km, khách phải trả phí giao hàng lên tới gần 40.000 đồng. |
Chị Ngọc cũng tiết lộ thêm, nhiều khách mua hàng nhà chị hiện rất băn khoăn, e ngại khi phải gánh mức phí giao hàng cao. Ví dụ, khách mua một kg na dai nhưng phải trả tới 25.000 - 30.000 đồng tiền vận chuyển cho quãng đường chưa tới một km. Ngày trước, khách chỉ phải trả từ 10.000 - 15.000 đồng, thậm chí là được miễn phí.
"Trước đây, đối với những đơn hàng gần, tôi thường gom lại và tự tay giao cho khách. Còn hiện tại, shipper phải được cấp phép, đủ tiêu chuẩn, điều kiện mới được di chuyển nên tôi phải đi thuê ngoài hết", chị nói.
Theo nhiều đơn vị, phí giao hàng tăng là do nhiều nguyên nhân khách quan. |
Trao đổi với Dân trí, một nhà xe vận tải hàng hóa chuyên tuyến Hà Nam - Hà Nội cho biết, nguyên nhân phí giao hàng tăng là do tài xế của hãng thường xuyên phải đi xét nghiệm Covid-19 nên nhà xe phải tăng giá cước để bù chi phí.
Xác nhận phí giao hàng tăng, đại diện của AhaMove cho hay, nền tảng giao hàng của hãng hoạt động theo cơ chế "on-demand" - nghĩa là "theo nhu cầu". Cơ chế giá cũng sẽ dựa trên lượng nhu cầu của khách hàng theo từng thời điểm trong ngày. Càng nhiều người có nhu cầu cùng lúc mà lượng cung không đủ thì giá sẽ đẩy lên để cân đối giữa cung cầu.
Giá có thể thay đổi tùy theo thời điểm trong ngày, thời tiết mưa hay nắng nóng, giờ cao điểm hay thấp điểm và số đơn nhiều hơn số shipper có thể nhận. Ngoài ra, cùng một thời điểm, cùng một khoảng cách nhưng vẫn có thể có các mức giá khác nhau ở từng khu vực. Do hoạt động theo cơ chế này nên từ khi Hà Nội giãn cách, giá vận chuyển có tăng, vị đại diện giải thích.
Một nguyên nhân khiến giá cước tăng là do số lượng shipper của hãng được cấp phép hoạt động ít, chỉ khoảng 2.000 người tại Hà Nội và không phải lúc nào 100% số lượng này cũng tham gia vận chuyển. Bởi shipper của hãng có người trong vùng phong tỏa, cách ly, có người lại về quê, có người sợ dịch bệnh không đi làm. Trong khi, nhu cầu trong những ngày này tăng cao đột biến dẫn đến cung cầu chênh lệch nên mức giá cũng thay đổi.
"Mức giá tăng không duy trì và cố định trong một khoảng thời gian dài mà sẽ thay đổi liên tục tùy theo thời điểm trong ngày, theo lượng cung cầu, thời tiết, khu vực. Chúng tôi cũng đang hỗ trợ điều chỉnh và khống chế mức trần đơn giá tăng không quá 1,5 - 2 lần", đại diện AhaMove cho biết.
Ngoài ra, đơn vị vận chuyển này cũng cho rằng, chi phí tăng này cũng là cách để hỗ trợ các shipper đang chấp nhận rủi ro đi giao hàng cho khách khi phải mất rất nhiều thời gian, phiền phức khi đi qua các chốt phong tỏa.
Còn phía Vietnam Post khẳng định, tất cả các chi phí giao hàng hiện nay của hãng đều không có điều chỉnh tăng giá cước. Tại mỗi bưu cục của hãng đều niêm yết bảng cước dịch vụ rõ ràng để tiện cho khách hàng theo dõi và cân nhắc dịch vụ sử dụng.
Cơ sở tính cước phí giao hàng sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như khối lượng, kích thước của hàng hóa, nhu cầu của khách hàng về mặt thời gian (gửi nhanh hay gửi tiêu chuẩn), địa chỉ gửi là địa bàn trung tâm hay thôn, xã, huyện, hải đảo, biên giới và có sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng như khai giá bưu gửi, phát hàng thu tiền COD, phát ngoài giờ, phát đồng kiểm,…
"Nhằm đảm bảo duy trì ổn định luồng chuyển phát, lưu thoát hàng hóa, hãng đã chuẩn bị nhiều phương án tổ chức sản xuất, tăng cường tối đa công suất các phương tiện, điều hướng bưu gửi, khớp nối các tuyến đường thư, linh hoạt bố trí nhân sự tại các bộ phận theo các kịch bản dịch nhằm giữ vững nhịp vận chuyển, phục vụ tối đa nhu cầu của người dân và các cấp chính quyền dù trong bất cứ tình huống nào", Vietnam Post khẳng định.
Thực hiện chỉ thị về giãn cách xã hội, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi các sở ngành liên quan đến hoạt động vận tải. Thành phố quyết định dừng hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện mô tô, xe 2 bánh đối với các cá nhân hoạt động tự do (shipper tự do) trong thời gian giãn cách xã hội. Shipper thuộc quản lý của các đơn vị, doanh nghiệp vẫn được phép hoạt động với điều kiện doanh nghiệp phải đăng ký danh sách với Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông và các sở chuyên ngành để tổng hợp, gửi Sở Giao thông Vận tải cấp mã số xác nhận; đảm bảo thực hiện nghiêm yêu cầu 5K và các quy định phòng, chống dịch. |
Tác giả: Hoàng Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí