Tiền mất tật mang
Trong lần “thâm nhập” vào một spa thẩm mỹ có tiếng trên địa bàn TP Hà Tĩnh, chúng tôi “rợn người” với ca cắt mí mắt cho khách hàng. Sau khi tiêm thuốc tê vùng mắt, chủ spa rạch một đường nhỏ phần mí mắt trên để bóc tách mỡ mắt và tiến hành cắt mí. Trước khi khách hàng ra về, chủ spa “kê đơn thuốc” bằng câu nói với theo: “Nhớ ra tiệm thuốc mua kháng sinh về uống trong vòng một tuần nhé”.
Các dịch vụ tiêm chất vào cơ thể được quảng cáo trong catalog của một cơ sở thẩm mỹ tại TP Hà Tĩnh |
Để cải thiện làn da, chị M.T. (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên) đã tìm đến một spa để lăn kim cấy tảo sống. Sau nỗ lực chịu đựng đau đớn vì lăn kim không qua ủ tê như lời nhân viên tư vấn, chị T. đã phải nhận ngay hậu quả cho sự liều lĩnh của mình.
“Liệu trình 10 buổi lăn kim tốn hơn 4 triệu đồng, đổi lại, suốt mấy tháng trời mình phải giấu mặt mỗi lần đi ra ngoài. Đến lúc đi khám da liễu mới biết khuôn mặt của mình đã bị trầy xước, tổn thương sâu từ cấy tảo” - chị T. xa xót.
Cũng không kém phần “run rủi”, chị Ng. (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) đã phải ngậm ngùi “ôm hận” khi cặp môi của mình “ra ngoài khuôn phép”, dày hơn với màu thâm nâu sau gần 1 tháng thực hiện xăm môi. Mắt xếch do nâng mũi, mũi bị lệch do kỹ thuật mổ hoặc do các chấn thương mũi sau mổ; dị ứng với chất độn mũi gây đỏ và ngứa thường xuyên, chùng da mắt do xẻ mí, mặt biến dạng sau khi chỉnh hình, sẹo lồi do phẫu thuật... là những rủi ro của PTTM có thể xảy ra.
Những người gặp “sự cố” sau làm đẹp thường ngại ngùng, “ngậm bồ hòn làm ngọt”. |
Tâm lý những người gặp “sự cố” sau làm đẹp thường ngại ngùng, “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Cùng lắm, họ cũng chỉ biết lên các trang mạng xã hội “chửi đổng” chứ không có căn cứ pháp lý để các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.
Tất cả đều hoạt động “chui”!
Có thể thấy, hoạt động PTTM trên địa bàn Hà Tĩnh ngày càng nhộn nhịp, quảng cáo rầm rộ nhưng chưa một cơ sở nào được Sở Y tế Hà Tĩnh cấp phép như khẳng định của Phó trưởng phòng Nghiệp vụ y – Sở Y tế Hà Tĩnh Nguyễn Đình Dũng: “Đến thời điểm này, Sở Y tế chưa cấp phép cho bất kỳ một cơ sở nào hoạt động PTTM”. Nghĩa là các cơ sở chăm sóc sắc đẹp do phòng tài chính - kế hoạch các địa phương cấp phép hoạt động đã “tự phát” lấn sân sang PTTM. Và, việc quản lý trên lĩnh vực này của các cơ quan chức năng đang bị lãng quên.
Theo quy định tại Điều 29 - Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, việc thực hiện các dịch vụ y tế ngoài giấy phép sẽ bị phạt hành chính từ 50 - 70 triệu đồng. Thời gian qua, Sở Y tế và các ngành liên quan đã tổ chức đoàn kiểm tra, nhưng theo Phó trưởng phòng Nghiệp vụ y Nguyễn Đình Dũng: “Để có căn cứ xử phạt, phải bắt quả tang cơ sở đang thực hiện các dịch vụ PTTM... Tuy nhiên, công tác kiểm tra, phát hiện “bắt tại trận” là rất khó (?)”.
Chất lượng thuốc, nguyên liệu được đảm bảo bằng... cam kết miệng của chủ spa |
Cùng với việc quản lý hoạt động PTTM lỏng lẻo, nguồn nguyên liệu cũng là một dấu chấm hỏi khi người sử dụng chỉ được đảm bảo bằng cam kết “miệng” của chủ spa. Và, hiện vẫn chưa có cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm kiểm tra, quản lý những sản phẩm này.
Phải khẳng định rằng, trong nhiều lý do để các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ hoạt động bừa bãi như trên, trách nhiệm lớn thuộc về nhà quản lý và chính quyền địa phương. Và, trong đó có một phần trách nhiệm của chính những khách hàng. Đến bao giờ người dân mới thôi ham rẻ, ham làm đẹp bất chấp hậu quả cho sức khỏe, tính mạng của mình? Đến bao giờ mới có những đợt “tổng truy quét” mạnh tay để dẹp hẳn “vấn nạn” thẩm mỹ chui đầy bất trắc?
Tác giả:
Nguồn tin: Báo Hà Tĩnh