Trong nước

Phải làm rõ nguồn gốc email trao đổi “đút lót” 1 tỷ đồng

Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Nguyễn Văn Hậu- Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM- cho rằng, cơ quan công an cần thiết phải tiến hành xác minh nguồn gốc của email chứa nội dung “đút lót” 1 tỷ đồng cho 2 cán bộ ngành y tế; cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đã thực hiện việc phát tán email nói trên và họ lấy cơ sở ở đâu?

Nước C2, Rồng đỏ - hai sản phẩm đang bị tố chứa chì vượt ngưỡng cho phép.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tính chất vụ việc trao đổi email “đút lót” 2 cán bộ ngành y tế 1 tỷ đồng để đạt được kết quả kiểm nghiệm mong muốn đang gây xôn xao dư luận những ngày qua? Giải quyết sự việc này sẽ được tiến hành như thế nào theo luật hiện hành?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Theo nhận định của tôi, đây là một vụ việc nghiêm trọng. Bởi lẽ, nếu kết luận điều tra chính của cơ quan công an cho thấy hành vi đút lót này là có thật và đã đủ điều kiện để cấu thành “tội nhận hối lộ” (Điều 279 Bộ luật Hình sự) thì việc cần thiết phải tiến hành truy tố và xét xử ngay vì tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi này.

Việc nhận hối lộ 1 tỷ đồng (trên 300.000.000 đồng) quy định tại khoản 4 Điều 279 sẽ bị phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Như vậy, mức hối lộ này không phải là con số nhỏ và hậu quả mà người phạm tội phải gánh chịu cũng rất nặng nề.

Mặc khác, nếu qua điều tra chính thức mà cơ quan chức năng kết luận không có dấu hiệu tội phạm, thì tôi cho rằng hành vi bịa đặt, xuyên tạc, vu khống gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân cũng nghiêm trọng không kém. Các cơ quan chức năng cũng phải có trách nhiệm điều tra, xử lý để răn đe, chấn chỉnh những tiêu cực trong hoạt động truyền thông để bảo vệ uy tín cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân tổ chức.

Trong trường hợp này, nhiệm vụ của cơ quan công an là tiến hành điều tra sơ bộ vụ việc và nếu xác định có dấu hiệu của tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành ra quyết định khởi tố vụ án hình sự rồi mới tiến hành điều tra chính thức.

Việc trước mắt lúc này của cơ quan chức năng là xác định ngay email [email protected] có phải thuộc sở hữu của Công ty TNHH URC Việt Nam và làm rõ những nội dung trao đổi trong đó giữa những cá nhân nào với nhau, làm rõ động cơ, mục đích?

Trước mắt, cơ quan công an cần thiết phải tiến hành xác minh nguồn gốc của email chứa nội dung trên, làm rõ việc email này xuất hiện trên phương tiện thông tin, tờ báo, hay mạng xã hội nào? Cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đã thực hiện việc phát tán email nói trên và họ lấy cơ sở ở đâu?

Nếu xác định được nguồn gốc và chủ thể tung tin, phát tán email trên thì cơ quan công an sẽ tiến hành thẩm định tính chính xác của email này, điều tra xem liệu đây có thực sự là email chứa nội dung “đút lót” 1 tỷ đồng cho 2 cán bộ ngành y tế để thay đổi kết quả xét nghiệm được các bên liên quan trao đổi hay không.

Việc xác định email ... @ urc.com.vn có phải thuộc sở hữu của Công ty TNHH URC Việt Nam và thuộc sở hữu của cá nhân nào hay không sẽ được cơ quan chức năng thực hiện trong quá trình điều tra.

Trường hợp qua điều tra sơ bộ, cơ quan công an nhận thấy có dấu hiệu tội phạm thì tiến hành khởi tố và điều tra chính thức theo quy trình tố tụng hình sự.

Ngược lại, nếu qua điều tra không phát hiện dấu hiệu tội phạm thì cơ quan chức năng cũng cần thiết phải tiến hành điều tra xử lý các cá nhân phát tán nội dung trên. Bên cạnh đó, nếu xác định được cụ thể cá nhân có trách nhiệm trong việc tung tin, phát tán nội dung sai sự thật nhằm gây thiệt hại đến quyền và tổ chức của cá nhân khác thì có thể xem xét xử lý trách nhiệm hình sự về “Tội vu khống” theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Hình sự.

Với những thông tin mà mạng xã hội, báo chí phản ánh thì đã đủ dấu hiệu để xem xét, khởi tố về hành vi hối lộ chưa?

Chỉ với những thông tin như trên thì vẫn chưa đủ dấu hiệu hối lộ và chưa thể cấu thành “Tội nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 279 Bộ luật Hình sự.

Như tôi đã phân tích ở trên thì chỉ khi nào có kết luận chính thức từ cơ quan công an thì mới có thể xác định được vụ việc trên đã có đủ dấu hiệu của hành vi hối lộ hay chưa và từ đó mới xem xét có thể cấu thành “Tội nhận hối lộ” hay không.

Xin cảm ơn luật sư!

Chiều 13/5, Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế) đã phát đi thông báo khẳng định việc Viện Kiểm nghiện An toàn thực phẩm Quốc gia đã thực hiện nhận mẫu, kiểm nghiệm mẫu và trả kết quả cho khách hàng đúng quy trình và bảo mật thông tin theo Tiêu chuẩn Việt Nam ISO/IEC 17025:2007.

Về thông tin Công ty TNHH URC Việt Nam mang 1 tỷ đồng đến cho 2 cá nhân của Viện để các mẫu nước C2, nước Rồng đỏ được đưa tới kiểm nghiệm cho kết quả như mong muốn, Viện Kiểm nghiện An toàn thực phẩm Quốc gia đã tổ chức họp để yêu cầu các cá nhân giải trình vấn đề này bằng văn bản. Các cá nhân có liên quan đều khẳng định: Không nhận bất kỳ tiền hoặc quà từ Công ty TNHH URC Việt Nam.

Viện đã kiến nghị lãnh đạo Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với lực lượng an ninh giải quyết dứt điểm sự việc trên. Cơ quan này sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng để tìm hiểu rõ động cơ, mục tiêu của các thông tin đăng tải vừa qua với mục tiêu bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ người tiêu dùng, bảo vệ uy tín cá nhân của cán bộ Viện nói riêng và tập thể Viện nói chung. Bất kỳ cán bộ nào sai phạm đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ việc này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã giao Cục An toàn thực phẩm, Thanh tra Bộ Y tế điều tra về vụ việc. Trong chiều 13/5, Thanh tra Bộ Y tế đã có buổi có buổi làm việc với phía cơ quan công an cũng như Viện Kiểm nghiện An toàn thực phẩm Quốc gia về những thông tin liên quan đến nghi án “đút lót” 1 tỷ đồng.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định đã chỉ đạo đoàn khảo sát đẩy nhanh, sớm thành lập đoàn thanh tra về công ty URC, đồng thời phối hợp với phía công an để xác minh thông tin hối lộ. Nếu đúng có cá nhân, tổ chức vi phạm thì xử lý nghiêm, không có thì cũng phải có thông báo rõ ràng. Bộ trưởng đã chỉ đạo làm cương quyết, khẩn cấp xác minh thông tin.

Trong một diễn biến khác, kết quả kiểm nghiệm do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chỉ đạo Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội với 5 mẫu Trà xanh hương chanh C2 và 5 mẫu Nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ ngẫu nhiên đang lưu thông trên thị trường do Viện Dinh dưỡng thực hiện cho thấy, 10/10 đều có hàm lượng chì nằm trong giới hạn quy định.

Tác giả bài viết: Thế Kha (thực hiện)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP