Pháp luật

Phá vụ làm giả con dấu, giấy tờ một cách tinh vi ở Nghệ An

Thời gian qua, trên địa bàn Nghệ An xảy ra một số vụ làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; thực trạng này vẫn đang là vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận.

Lần theo đầu mối làm giả giấy tờ

Nhắc đến đối tượng Nguyễn Thị Hương (trú tại khối Tân Hòa, phường Hà Huy Tập, TP Vinh), Thiếu tá Nguyễn Thành Nhân – Phó trưởng Công an huyện Nghi Lộc không quên được vụ làm giả con dấu, tài liệu vào tháng 11/2016. Trước đó, từ thông tin của phòng PC64 cung cấp, anh Nguyễn Trung Anh (SN 1987), trú tại phường Lê Lợi, TP Vinh sử dụng giấy CMND giả.

Đối tượng Nguyễn Thị Hương cùng tang vật là nhiều con dấu, tài liệu giả bị cơ quan công an bắt giữ. Ảnh: N.H

Cơ quan chức năng xác định vụ làm giả giấy tờ của tổ chức, cơ quan nhà nước này có nhiều đối tượng tham gia, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội nên lập chuyên án để đấu tranh. Ngày 27/11/2016, cơ quan công an bắt giữ Phùng Bá Toàn trú xã Nghi Xuân (Nghi Lộc) khi đang mang 1 CMND, 1 bằng tốt nghiệp đều là giả giao cho khách.

Từ lời khai của Toàn, cơ quan công an liên tiếp bắt giữ Nguyễn Công Ứng, trú tại xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc; Dương Xuân Huyền, trú tại xóm Ngũ Lộc, xã Hưng Lộc (TP Vinh).

Từ lời khai của Ứng và Huyền, cơ quan công an huyện Nghi Lộc bắt giữ Nguyễn Thị Hương (SN 1954), trú tại khối Tân Hòa, phường Hà Huy Tập, TP Vinh. Hương được xác định là người sản xuất ra các hồ sơ, tài liệu giả trên rồi bán lại cho các đối tượng khác có nhu cầu. Qua khám xét, lực lượng chức năng thu được tại nhà Hương 2 giấy CMND chưa ép nghi giả; 3 máy in màu, 1 máy quét màu, 1 máy tính.

Theo thiếu tá Nhân, vào tháng 4/2016, đối tượng Hương đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ khi cùng đồng bọn làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Khám xét nơi ở của Nguyễn Thị Hương, công an thu giữ nhiều văn bằng giả và con dấu giả, như con dấu của Trường THPT Nghi Lộc 4 (huyện Nghi Lộc), UBND xã Hưng Lộc (TP Vinh), Sở GD&ĐT Nghệ An, thậm chí có cả con dấu giả của một trung đoàn quân đội, dấu chứng thực bản sao, chữ ký của lãnh đạo, các loại phôi và hàng trăm tài liệu khác liên quan đến việc làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức.

Ngày 21/6/2017, TAND tỉnh xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” đối với Đặng Hồng Anh (trú tại xã Tân Thành, huyện Yên Thành). Theo hồ sơ, Đặng Hồng Anh cùng Nguyễn Duy Đông, Đinh Minh Đức (đều trú tại huyện Yên Thành) và Phạm Thế Anh (trú tại huyện Diễn Châu) thuê xe tự lái rồi sau đó đưa đi bán, cầm cố.

Thủ đoạn của các đối tượng là thuê xe tại các dịch vụ cho thuê xe tự lái rồi nhờ Phạm Thế Anh là thợ in ấn quảng cáo làm giả đăng ký xe. Từ tháng 3/2015 đến tháng 3/2016, các đối tượng trên đã thuê 18 ô tô rồi sau đó làm giả giấy tờ, đem bán để chiếm đoạt hơn 7,2 tỷ đồng.

Thời gian qua, trên địa bàn Nghệ An xảy ra một số vụ làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Mặc dù hành vi phạm tội trên đã được bắt giữ, xử lý nghiêm minh trước pháp luật, nhưng việc làm giả con dấu, tài liệu vẫn đang là vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận.

Điều đáng nói, với công nghệ hết sức tinh vi, việc làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức của tội phạm hiện nay không chỉ “nhắm” đến chứng minh nhân dân, đăng ký ôtô, xe máy, mà cả những loại giấy tờ quan trọng liên quan đến ngành nghề kinh tế, xã hội như văn bằng, chứng chỉ đại học, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Thủ đoạn tinh vi, kín kẽ

Theo lãnh đạo Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Nghệ An, qua công tác giám định cho thấy phương thức, thủ đoạn sản xuất giấy tờ, tài liệu giả của các cơ quan, tổ chức ngày càng tinh vi. Từ đăng ký xe máy, ôtô, CMND đến bằng đại học, quyết định của các cơ quan có thẩm quyền đều bị làm giả.

Nếu như trước kia, nhiều loại giấy tờ giả được “sản xuất” bằng in lưới thủ công, thì ngày nay được “chế” trên máy tính với các phần mềm hiện đại. Có giấy tờ giả được “chế” từ phôi thật, sau đó tẩy xóa, chỉnh sửa nội dung. Độ tinh vi của giấy tờ giả đến mức ngay cả những người vốn giao dịch thường xuyên với các loại giấy tờ đó cũng bị mắc lừa.

Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh sử dụng phương tiện kỹ thuật để xác định con dấu. Ảnh: N.H

Đối với con dấu, nếu như trước đây, các hình dấu được tội phạm làm giấy tờ giả sản xuất bằng phương thức copy scan từ hình dấu thật rồi in màu kỹ thuật số. Chữ ký giả cũng được tạo bằng phương pháp in màu kỹ thuật số hoặc tập ký chữ ký giả. Việc làm giả trên dễ bị phát hiện bằng mắt thường do không tạo được vết hằn chữ ký trên bản in và mực không đồng màu như đóng dấu.

Để đối phó, toàn bộ hình dấu và chữ ký được các đối tượng tạo ra từ hình dấu giả qua phương pháp khắc dấu lazer. Các hình dấu làm bằng phương pháp này khi sử dụng đóng dấu trực tiếp trên văn bản rất sắc nét, khó phân biệt bằng mắt thường do mực in đều, đồng màu. Phông chữ và kích cỡ trên con dấu được chỉnh sửa bằng phần mềm vẽ kỹ thuật số trên máy vi tính cho độ chính xác cao, giống với con dấu thật khiến cho việc phát hiện ngày càng khó khăn hơn.

Khi các giấy tờ được công chứng thì có giá trị pháp lý như bản gốc nên việc phát hiện ra giấy tờ giả là rất khó khăn. Đặc biệt, có nhiều đối tượng bị truy nã nên đã làm giả giấy tờ, giả mạo tên tuổi để trốn tránh cơ quan chức năng.

Đối với cơ quan công an thì việc xác minh giấy tờ giả còn có sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật. Nhưng đối với người dân các tổ chức, đơn vị thì chỉ nhìn bằng mắt thường nên rất khó phát hiện.

Con dấu, giấy tờ giả không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống của người dân.

Để góp phần ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, quản lý thì người dân cần nâng cao ý thức, không mua bán, sử dụng các loại giấy tờ, bằng cấp giả, tránh tiếp tay cho tội phạm hoạt động.

Điều 267 bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức như sau:

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần

c) Gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng”.

Tác giả: Nguyên Hưng

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP