Kinh tế

Ô tô Trung Quốc, Thái Lan có cơ hội tràn vào nếu bỏ Thông tư 20?

Trước những lo ngại cho rằng việc bãi bỏ Thông tư 20 sẽ khiến ô tô Trung Quốc, Thái Lan tràn vào Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, hiện đã có một số doanh nghiệp thử nghiệm nhập các xe có thương hiệu mới từ các nước trong khu vực nhưng thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam không đón nhận. Hơn nữa, Thái Lan là nước sản xuất xe tay lái nghịch, nên muốn nhập khẩu xe từ Thái Lan buộc phải đặt hàng nhà máy sản xuất riêng và phải có đơn hàng lớn.

"Số phận" Thông tư 20: Bộ bảo chờ, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị bỏ

Thông tư 20, Bộ Công Thương vẫn chờ chỉ đạo

Tranh cãi gay gắt xung quanh "số phận" Thông tư 20 về nhập khẩu xe ô tô

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa ký công văn dài 8 trang với 5 luận điểm trình lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, khẳng định rằng, “việc bãi bỏ Thông tư 20 có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước”.

Trước những ý kiến cho rằng việc bãi bỏ Thông tư 20 sẽ khiến xe ô tô từ một số nước trong khu vực sẽ tràn vào Việt Nam như xe Trung Quốc hay các nước ASEAN, VCCI cho rằng vấn đề này “không đáng lo ngại”.

VCCI: Kể cả khi Thông tư 20 có hiệu lực thì việc nhập khẩu xe từ các thương hiệu mới có xuất xứ Trung Quốc, ASEAN cũng rất dễ dàng


Theo đó, nhiều doanh nghiệp phản ánh, kể cả khi Thông tư 20 có hiệu lực thì việc nhập khẩu xe từ các thương hiệu mới có xuất xứ Trung Quốc, ASEAN cũng rất dễ dàng. Điều này xuất phát từ việc các quốc gia này đang trong quá trình xây dựng thương hiệu mới nên sẵn sàng, thậm chí còn chủ động, cấp giấy ủy quyền cho bất kỳ một nhà nhập khẩu nào có nhu cầu.

“Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp thử nghiệm nhập các xe có thương hiệu mới từ các nước trong khu vực nhưng thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam không đón nhận”, Chủ tịch VCCI cho biết.

Đây cũng là điều cũng đã từng diễn ra khi Việt Nam dỡ bỏ hàng rào bảo hộ đối với xe máy. Ngay sau khi giảm thuế, một số loại xe máy Trung Quốc cũng đã được đưa vào Việt Nam nhưng ngay sau đó bị các sản phẩm sản xuất trong nước đánh bật do không phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Việt.

Ngoài ra, theo lộ trình, năm 2018, ô tô nhập khẩu nội khối ASEAN sẽ có thuế suất nhập khẩu 0%, với điều kiện xuất xứ phải đạt 40% giá trị nội khối. Với điều kiện này, chỉ có xe ô tô sản xuất từ Thái Lan mới có cơ hội được hưởng thuế thấp và ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam.

“Tuy nhiên, Thái Lan là nước sản xuất xe tay lái nghịch, nên muốn nhập khẩu xe từ Thái Lan buộc phải đặt hàng nhà máy sản xuất riêng và phải có đơn hàng lớn. Đây rõ ràng là rào cản hầu như không thể vượt qua đối với các doanh nghiệp nhập khẩu xe ô tô không được ủy quyền” – ông Lộc phân tích.

Do đó, theo nhận định của Chủ tịch VCCI, việc tồn tại hay không tồn tại Thông tư 20 không có tác động lớn đến việc nhập khẩu xe ô tô từ các nước ASEAN sau năm 2018.

Ngoài ra, VCCI cũng khẳng định, về mặt pháp luật, Việt Nam đã có đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng ô tô sản xuất trong nước và nhập khẩu vào Việt Nam. Việc kiểm soát này không có sự khác biệt giữa xe ô tô nhập khẩu của thương nhân có ủy quyền hay thương nhân không có ủy quyền. Do đó, không có cơ sở để khẳng định Thông tư 20 giúp làm tăng chất lượng xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam.

Đáp lại ý kiến cho rằng các doanh nghiệp nhập khẩu có ủy quyền thường có chế độ chăm sóc khách hàng tốt hơn, các dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cũng tốt hơn so với các doanh nghiệp không có ủy quyền, VCCI khẳng định, đi kèm với đó thường là giá cả dịch vụ cao hơn.

Việc bãi bỏ Thông tư 20 sẽ làm tăng cơ hội lựa chọn của người tiêu dùng. Người tiêu dùng nào có khả năng tài chính vẫn có thể lựa chọn các doanh nghiệp có chế độ chăm sóc khách hàng, dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng tốt. Người tiêu dùng khác vẫn có sự lựa chọn các doanh nghiệp có dịch vụ vừa phải nhưng giá thành cũng phải chăng hơn.

“Cả lý thuyết và thực tế đều cho thấy, cách tốt nhất để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trao cho họ quyền được lựa chọn. Luật không nên buộc người dân phải vào siêu thị mua sắm vì chất lượng thực phẩm trong siêu thị cao hơn. Người ta có thể mua ở hàng xén, cửa hàng tiện lợi gần nhà”, lãnh đạo VCCI nêu quan điểm.

Liên quan đến câu chuyện tranh cãi Thông tư 20 về điều kiện kinh doanh nhập ô tô vẫn chưa có hồi kết, chiều 2/8, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, trong quá trình rà soát các điều kiện đầu tư, kinh doanh để thực hiện Luật Đầu tư, quy định về nhập khẩu ô tô tại Thông tư số 20 đã được Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ.

Ông Dũng nhận định, đây là vấn đề được các cơ quan liên quan, doanh nghiệp đầu tư, sản xuất ô tô trong nước và doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống rất quan tâm và có nhiều ý kiến khác nhau đối với việc duy trì hay bãi bỏ quy định này tại Thông tư số 20.

"Do còn có nhiều ý kiến khác nhau đối với vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương đánh giá và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp. Hiện Bộ Công Thương đang tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở báo cáo tổng hợp và đề xuất của Bộ Công Thương, các bộ, cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, có ý kiến chỉ đạo trên quan điểm bảo đảm cơ sở pháp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và thực tế hoạt động kinh doanh nhập khẩu ô tô", người phát ngôn Chính phủ cho biết.

Tác giả bài viết: Bích Diệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP