Xã hội

Nước lũ chia cắt nhiều nơi, sẵn sàng sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm

Mưa lớn trong 2 ngày qua khiến nhiều vùng núi ở tỉnh Bình Định bị sạt lở, trong khi ở vùng hạ du, các sông xuất hiện lũ lớn, chia cắt nhiều khu dân cư.

Đường ĐT 640 đoạn xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, Bình Định) nước ngập sâu khiến việc đi lại gặp khó khăn.

Tại Bình Định, mưa lớn trong 2 ngày qua khiến nhiều vùng núi bị sạt lở, trong khi hạ du các sông Kôn, Hà Thanh, Lại Giang xuất hiện lũ lớn cô lập nhiều khu dân cư. Nhiều tuyến giao thông bị "chia cắt" nên việc đi lại của người dân gặp khó khăn.

Ghi nhận của PV Dân trí, chiều tối 26/10, nhiều đoạn trên tuyến đường ĐT 640 qua xã Phước Hòa, Phước Thắng (huyện Tuy Phước) và Cát Chánh (huyện Phù Cát), nước lũ đang ngập qua tràn. Có đoạn nước qua tràn sâu khoảng 40-50 cm, người dân di chuyển bằng xe máy phải thuê xe ba gác chở qua đoạn đường nước bị ngập sâu với giá 15.000 đồng/lượt.

Mỗi lượt qua đoạn nước lũ ngập sâu người dân phải tốn thêm 15.000 đồng/người/xe máy.

Trong khi đó, rạng sáng 25/10, mưa lớn khiến một khu vực đồi đoạn km-13, thuộc tuyến tránh đi qua hồ chứa nước Đồng Mít (thuộc huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định) bị sạt lở. Hơn 2.000 m³ đất sạt lở, tràn mái ta luy dương, phủ lấp đoạn đường cao đến 1 m, kéo dài hàng chục mét. Thời điểm xảy ra sạt lở đất, trời đang mưa rất to nên không có thiệt hại về người.

Ngay trong ngày, hàng trăm người dân cùng lực lượng chức năng của huyện đang nỗ lực dùng cuốc, xẻng để mở đường đi tạm vòng qua điểm sạt lở tại cung đường độc đạo từ xã An Trung đi xã miền núi An Vinh.

Lực lượng chức năng và người dân xã miền núi An Vinh, huyện An Lão, tỉnh Bình Định, nỗ lực khắc phục tuyến đường bị sạt lở để qua lại (Ảnh: Hữu Bá).

Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới, khả năng xảy ra nhiều đợt mưa to trên địa bàn tỉnh Bình Định, cùng ngày Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long trực tiếp kiểm tra một số công trình giao thông, đê sông có nguy cơ xảy ra sự cố do thiên tai ở các huyện Vân Canh và huyện Tuy Phước.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo an toàn cho người dân và các công trình, giao thông, thủy lợi…

Khu vực dân cư thôn Trung Lý, xã Nhơn Phong (thị xã An Nhơn) nước mấp mé vào nhà dân.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố, ông Nguyễn Phi Long cũng yêu cầu các địa phương dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung vào công tác phòng chống bão lũ. Sẵn sàng các phương án sơ tán dân các vùng xung yếu ngập lụt, sạt lở, lũ quét…

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Bình Định, từ tối nay 26/10 đến ngày 28/10, mực nước trên các sông trong tỉnh dao động và khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ lên mức báo động 1 - 2, có nơi trên báo động 2. Riêng hạ lưu sông Kôn lên mức báo động 2 - 3.

Nước sông vẫn dâng cao, trời vẫn mưa nên dự báo tỉnh Bình Định xuất hiện đợt lũ lớn.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi các huyện, thị xã và thành phố; sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt vùng trũng thấp, vùng ven hạ lưu các sông, khu nội thành đô thị. Cần đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa trên địa bàn tỉnh Bình Định. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: cấp 2.

Người dân tắt máy dắt xe qua đoạn ngập lụt để bớt 15.000 đồng tiền thuê xe ba gác chở qua.

Lội bộ qua đoạn nước ngập sâu.

Cơ quan chức năng đặt biển cảnh báo khu vực nguy hiểm khi lũ về.

Tác giả: Doãn Công

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP