Trịnh Công Sơn đệm đàn cho Khánh Ly (tư liệu) |
Tìm tới tận nhà nghệ nhân vô danh đặt đàn
Hình ảnh Trịnh Công Sơn ôm cây đàn ghi ta đệm cho Khánh Ly hát chính là ký ức một thời tranh đấu, yêu nước và đầy lãng mạn, cũng chính là thời kỳ ông viết ra những tác phẩm phản chiến nổi tiếng.
Những cây đàn tác giả “Ướt mi”, “Nối vòng tay lớn” dùng thường do chính tay các nghệ nhân Việt Nam chế tác. Những cây đàn đầu tiên ông chơi được làm ở Huế, nơi ông bắt đầu học nhạc và sáng tác. Theo các nghệ sĩ ở Huế thì tiệm Tân Châu gần kinh thành Huế là nơi ưa thích của ông. Tiệm đàn này vẫn còn, vẫn sản xuất các nhạc cụ truyền thống và đàn ghi ta cho đến tận ngày nay. Những người bán đàn của tiệm nói: “Nhạc sĩ rất cẩn trọng trong việc chọn đàn, nên nhà chế tác luôn làm cho ông những cây đàn tốt nhất”.
Khi rời Huế vào Sài Gòn, nhạc sĩ vẫn chọn cây ghi ta làm nhạc cụ chính, khi biểu diễn với ca sĩ, giao lưu cùng bạn bè và sáng tác. Ông không chỉ sử dụng đàn có gốc gác Huế nữa mà mở rộng ra nhiều dòng đàn khác để tạo ra sự phong phú về âm thanh mỗi ngày.
Ông Hoàng Văn Tiếp, quê Hưng Yên vào Sài Gòn làm đàn từ năm 1930. Gia đình ông là một trong những gia đình làm đàn theo công nghệ từ thời Pháp (ông Tiếp từng làm việc trong xưởng đàn của chủ người Pháp). Anh Ngọc Thức, con trai ông Tiếp nhớ lại: “Một lần, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tìm đến tận nhà chúng tôi trong hẻm nhỏ khu lao động nghèo để đặt làm đàn. Tôi như không tin vào mắt mình, vì ông là một nhạc sĩ nổi tiếng, một người rất cầu kỳ, nhưng ông đã có mặt giữa ngổn ngang những cây đàn dang dở”.
Gia đình ông Tiếp cũng như nhiều nghệ nhân khác, làm đàn cung cấp cho các tiệm đàn ở mặt phố mà bản thân họ không có thương hiệu. Các tiệm đàn mua nhạc cụ về rồi dán nhãn mác của tiệm vào. Bởi vậy, khi một nhạc sĩ lừng danh vào tận nhà người thợ vô danh để đặt đàn, đó là một khoảnh khắc thật khó quên.
Anh Tòng, người thợ chỉnh sửa đàn cho Trịnh Công Sơn vẫn miệt mài với nghề (Ảnh: TRẦN NGUYÊN ANH) |
Anh Ngọc Thức kể: “Nhạc sĩ chỉ đặt một cây đàn cho riêng mình thôi. Khi đó bố tôi đã mất, tôi còn khá trẻ, đây là một vinh dự và trách nhiệm đối với tôi”. Anh Thức làm cho Trịnh Công Sơn cây đàn tốt nhất có thể vào lúc ấy, với giá trị tương đương một chỉ vàng.
Một thời gian sau, nhạc sĩ quay lại để nhận đàn. Ông chơi thử và rất hài lòng. “Nhạc sĩ muốn có một cây đàn tiếng vang, âm thanh tròn và rõ, phím bấm nhẹ không đau tay. Tôi đã cố gắng hết sức để làm hài lòng ông” – Anh Thức kể lại.
Trực tiếp lựa chọn âm thanh cho đêm diễn
Anh Tòng, chủ tiệm đàn Đại Dương là một trong những người có thâm niên nhiều năm sửa đàn, làm âm thanh cho các chương trình ở TP HCM sau 30/4/1975. Anh Tòng kể: “Lúc đó tôi làm cho tiệm Văn Nghệ là cơ sở cung cấp âm thanh biểu diễn và sản xuất sửa chữa nhạc cụ nổi tiếng. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhiều lần tới sửa đàn, thay dây đàn, lựa chọn dàn âm thanh cho các chương trình biểu diễn của mình”.
Sau năm 1975, phần lớn thiết bị sử dụng là của Mỹ, chất lượng tốt. Trịnh Công Sơn là người “có gu” về âm thanh, ông chỉ lựa chọn một loại loa và amply cho các chương trình của mình. Thường thì rất ít nhạc sĩ lại trực tiếp đi lựa chọn âm thanh cho các buổi biểu diễn. “Hầu như chương trình nào của Trịnh Công Sơn, ông cũng tự mình đi tìm kiếm thiết bị âm thanh. Chúng tôi nói chuyện với nhau rất nhiều. Chúng tôi chỉ là những người thợ âm thanh ánh sáng, nhưng ông luôn trò chuyện trao đổi rất thân tình. Ông rất hiền lành” – Anh Tòng bồi hồi.
Ai cũng biết Trịnh Công Sơn yêu quý, thận trọng với cây đàn ghi ta của mình đến thế nào. Nhưng ít người biết ông còn có niềm vui là tặng những chiếc đàn hay cho bạn bè và người thân. Anh Tòng ấn tượng: “Chúng tôi làm đàn, sửa đàn cho nhạc sĩ với sự cầu kỳ nhất có thể để ông hài lòng. Ông thường mua mấy cây đàn để đem tặng bạn bè và các nghệ sĩ khác!”.
Tri âm với đàn Việt
Những cây đàn ghi ta mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường sử dụng đã được chụp hình quay phim, tuyệt đại đa số là đàn do Việt Nam sản xuất.
Một câu hỏi đặt ra, phải chăng thiếu đàn ngoại nên Trịnh Công Sơn phải sử dụng đàn nội? Nghệ sĩ ghi ta Công Danh bác bỏ luận điểm này, anh nói: “Sau khi Mỹ đổ quân vào miền Nam Việt Nam thì nhạc cụ của Mỹ, đặc biệt là đàn ghi ta có rất nhiều. Một người như Trịnh Công Sơn, nếu muốn có một cây đàn Mỹ hay nước khác thì không khó khăn gì cả. Trịnh Công Sơn thích sử dụng đàn Việt Nam chế tác vì ông thích âm thanh của nó”.
Anh Tòng, thợ sửa đàn cho biết: “Chúng tôi bán và sửa đủ loại đàn trên thế giới, nhưng quả thực Trịnh Công Sơn rất mê đàn Việt. Trước 1975, nhạc sĩ dùng đàn ghi ta Việt Nam biểu diễn, sau 1975 ông chủ yếu sử dụng vào sáng tác, nhưng ông vẫn giữ thói quen căn chỉnh, thay dây tại tiệm đàn chúng tôi. Cây đàn Phúc Châu của ông âm thanh rất hay, không thua kém gì đàn các nước”.
Còn nhớ khi tôi từ ngoài Bắc vào Huế, vào TP HCM xem các chương trình ca nhạc ở các tụ điểm, khá nhạc nhiên thấy nhiều nghệ sĩ sử dụng các cây đàn Việt Nam chế tác. Hay nói theo cách của các nghệ sĩ là “vừa có đàn ngoại, vừa có đàn Việt Nam, nhưng thích đánh đàn Việt Nam hơn”. Rất nhiều nghệ sĩ tự hào với cây đàn của mình, khi giới thiệu: “Đây là hiệu đàn mà Trịnh Công Sơn thường chọn sử dụng”. Thực tế, qua tìm hiểu của phóng viên, nhạc sĩ “Biển nhớ” sử dụng đàn của nhiều thương hiệu khác nhau, song đều do các nghệ nhân Việt tên tuổi làm nên.
Nỗi niềm người “ở lại”
Anh Tòng, người vẫn cặm cụi mỗi ngày sửa đàn, sửa amply kể: “Ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất, tôi được gia đình mời vào nhà riêng của ông để lắp đặt âm thanh phục vụ cho mọi người tới làm lễ tiễn đưa, đọc điếu văn, kể lại những kỷ niệm với Trịnh Công Sơn. Mới đó mà đã 18 năm”.
Nhiều năm qua tiệm đàn của anh Tòng vẫn đón nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ tên tuổi tới sửa, mua đàn. Có người chỉ ghé qua, tâm sự hỏi chuyện rồi đi.
Anh Tòng trăn trở: “Nghệ nhân làm đàn ngày càng ít. Thế hệ con cháu ít người nối nghiệp. Nhạc cụ, âm thanh nước ngoài tràn ngập trên thị trường và trên sân khấu. Điều này càng làm chúng tôi nhớ đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người luôn yêu quý và ủng hộ người làm đàn Việt. Chúng tôi nhớ mãi hình ảnh ông đi đâu cũng mang bên mình cây đàn Việt Nam!”.
Tác giả: TRẦN NGUYÊN ANH
Nguồn tin: Báo Tiền Phong