Với mong muốn sở hữu vẻ ngoài gợi cảm hơn, nhiều cô gái đã chẳng ngần ngại tìm tới phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ nâng/bơm ngực. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được kết quả làm đẹp như mong muốn sau khi tìm tới phương pháp này.
Trong đó, bên cạnh những yếu tố như tay nghề bác sĩ, cơ sở vật chất không đảm bảo, chất liệu sử dụng trong nâng ngực có chất lượng kém, cơ địa, sức khỏe của người bệnh cũng có thể được coi là một nguyên nhân dẫn tới rủi ro khi làm đẹp bằng phẫu thuật thẩm mỹ.
|
Tất nhiên, sở hữu khuôn ngực lép, sở hữu hai bầu ngực không đều nhau hoặc vòng 1 đã xuống cấp trầm trọng, nàng có thể cân nhắc tìm tới phương pháp nâng ngực nhằm có được vẻ ngoài gợi cảm, cuốn hút hơn. Đây được coi là một yếu tố để nàng xem xét về việc phẫu thuật nâng ngực, tuy nhiên nó không phải yếu tố duy nhất giúp đưa ra quyết định cuối cùng.
Hãy cân nhắc thêm các yếu tố khác để biết bản thân có thực sự đáp ứng đủ điều kiện để bước vào ca phẫu thuật nâng ngực hay không. Cụ thể, thuộc một trong những nhóm người dưới đây, nàng tốt nhất không nên phẫu thuật nâng/bơm ngực để bảo toàn tuyệt đối sức khỏe của bản thân.
Người dưới 18 tuổi
|
Thông thường, ở độ tuổi dưới 18 tuổi, vòng 1 sẽ chưa thể phát triển hoàn toàn, phần mô ngực chưa được định hình chuẩn. Việc thực hiện nâng ngực ở khoảng thời gian này sẽ gây ảnh hưởng tới quá trình phát triển của ngực, đồng thời cũng không thể đem tới hiệu quả tốt nhất. Do đó, phần lớn các cơ sở thẩm mỹ uy tín sẽ không tiếp nhận thực hiện phẫu thuật nâng/bơm ngực cho những người dưới 18 tuổi. Hãy chờ đợi tới khi vòng 1 phát triển hoàn toàn rồi mới tính tới chuyện nâng cấp bộ phận này nàng nhé!
Người mắc các bệnh mãn tính như huyết áp, tim mạch, tiểu đường, máu khó đông, viêm gan B,... hoặc gặp vấn đề về tâm lý
Được biết, phẫu thuật thẩm mỹ nói chung và phẫu thuật thẩm mỹ ngực nói riêng không chỉ định cho những người mắc các bệnh mãn tính như huyết áp, tim mạch, tiểu đường, máu khó đông, viêm gan B hoặc có vấn đề về tâm lý,... Bởi mắc các căn bệnh này, người ta có thể sẽ gặp phải tình trạng sốc phản vệ hay các biến chứng nguy hiểm khác trong quá trình thực hiện phẫu thuật, một số trường hợp có thể gây tử vong.
|
Trước khi thực hiện nâng/bơm ngực, nàng bắt buộc phải thực hiện kiểm tra sức khỏe toàn diện để bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên nên hay không nên thực hiện phẫu thuật nâng ngực.
Người đang trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú
Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú là nhóm người tiếp theo không nên thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ vòng 1, dẫu có thể phương pháp này vốn không gây ảnh hưởng khả năng tiết sữa ở bầu ngực. Bởi khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, người ta buộc phải sử dụng các loại thuốc như thuốc gây tê, gây mê, thuốc giảm đau, kháng sinh, chống viêm,... Những loại thuốc này sẽ gây ra những tác dụng phụ, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của thai nhi hoặc chất lượng sữa mẹ.
|
Chưa kể tới, sức khỏe của phụ nữ mang thai vốn yếu, việc thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ đôi khi có thể gây ra những tình huống khó lường, nguy hiểm tới tính mạng của cả mẹ lẫn bé. Bởi vậy, các mẹ tốt nhất hãy chờ cho qua giai đoạn mang thai và cho con bú rồi hẵng cân nhắc tới chuyện nâng cấp, cải thiện vòng 1.
Người đang trong kỳ kinh nguyệt
|
Được biết, khi đang trong thời kỳ kinh nguyệt, khả năng kết đông của máu sẽ giảm. Việc thực hiện phẫu thuật nâng/bơm ngực trong kỳ kinh nguyệt có thể làm chảy máu không kiểm soát, từ đó dẫn tới những biến chứng nguy hiểm tới sức khoẻ. Ngoài ra, trong kỳ kinh nguyệt, cơ thể thường khá nhạy cảm, cần được nghỉ ngơi, hạn chế những công việc nặng để đảm bảo sức khoẻ.
Người vừa trải qua một ca phẫu thuật trước đó
|
Những người mới trải qua một ca phẫu thuật trước đó cũng không nên thực hiện thẩm mỹ vòng 1. Bởi lúc này cơ thể thường khá yếu, cần được nghỉ ngơi để phục hồi hoàn toàn. Trong khi đó, phẫu thuật nâng/bơm ngực vốn được coi là một ca đại phẫu có gây mê. Việc thực hiện thẩm mỹ vòng 1 trên nền tảng sức khỏe yếu có thể sẽ gây ra những biến chứng khó lường, thậm chí có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Tác giả: Lan Anh (t/h)
Nguồn tin: tieudung.vn