Thể thao

Nhìn lại mùa giải 2016 của SLNA: Vì đâu “thiếu lửa”? (Kỳ 2)

Vị trí thứ 11 trên BXH không phải là vấn đề quá lớn, khi SLNA xác định trẻ hoá. Vấn đề đáng bàn và đáng lo là một tập thể “thiếu lửa”, thiếu bản sắc và thi đấu vô hồn.

Nhìn lại mùa 2016 của SLNA: Một trận đấu và nỗi đau 1 mùa giải (Kỳ 1)

Sân Vinh trong giai đoạn lượt về đã được khoác lên mình “chiếc áo mới” nhưng đáng tiếc, sân bóng được xem là “chảo lửa” này không một lần được lấp đầy.Buồn nên nhiều người thích hoài niệm và dễ hiểu vì sao, hình ảnh “công thành” trong quá khứ được xuất hiện nhiều trên các diễn đàn yêu bóng đá xứ Nghệ.

Theo thống kê, trong những trận đấu của SLNA ở lượt về trên sân Vinh, trung bình mỗi trận đấu chỉ có khoảng 2-3 ngàn khán giả đến theo dõi, thấp nhất trong lịch sự các mùa giải V.League của đội bóng xứ Nghệ.

SLNA có mùa giải thi đấu thiếu bản sắc. Ảnh: Tuấn Tú

Trên sân khách, khán giả xứ Nghệ vẫn cuồng nhiệt và đông đúc nhưng đó là cách người ta thể hiện nỗi nhớ quê hương, tình đoàn kết giữa những người đồng hương hơn là tình yêu bóng đá. Niềm tin đã bị sứt mẻ nhiều và cộng đồng Nghệ xa quê đang hướng sự quan tâm nhiều hơn sang các hoạt động an sinh xã hội, liên quan đến Nghệ An.

Một trong những lý do khiến SLNA đánh mất mình, đó là vũ khí tinh thần đã không còn được duy trì. Thành phần chủ yếu là các cầu thủ trẻ nhưng họ chơi bóng giữ chân, không tạo ra được sự máu lửa. Nhiều quan chức SLNA thậm chí cũng không hài lòng, khi cầu thủ ra sân quá điệu đà và làm hình ảnh cho bản thân quá lớn.

Khi người ta tập trung “PR” bản thân thì chắc chắn, sự máu lửa khó được duy trì. Cầu thủ xứ Nghệ trước đây đoàn kết, sống theo kiểu nghĩa khí và ai lạc phách, gần như chắc chắn bị đào thải.

Quy luật khắt khe ấy đã tạo nên một SLNA thống nhất, đầy sức mạnh. Nhưng cầu thủ bây giờ thì khác, mỗi người một kiểu, mỗi đam mê và chú trọng làm hình ảnh cho bản thân nên trách nhiệm với tập thể đã không còn được như trước.

Cầu thủ SLNA bây giờ chú trọng làm hình ảnh cá nhân hơn. Ảnh: Anh Khoa.

Một thế hệ cầu thủ thiếu điểm nhấn đã đành, SLNA lại không có một thủ lĩnh đích thực. Đây thực sự là vấn đề không nhỏ, khi ở các trận đấu lớn, đội bóng xứ Nghệ thường thua thiệt vì không duy trì được bản lĩnh. Việc để cả Hoàng Thịnh, Đình Đồng và Quang Tình ra đi được xem là một sai lầm.

Có thể, chuyên môn những cầu thủ này không vượt trội hơn so với các đàn em nhưng ít ra, nhìn vào đó, người ta còn có một chỗ dựa. Khi mà Nguyên Mạnh không thể hô hào, truyền động lực cho đồng đội thì trên sân; SLNA hệt như rắn mất đầu. Trước đây, đội bóng xứ Nghệ thường tự hào, mình là bậc thầy trong cấy ghép cầu thủ nhưng mùa giải này, họ đã mắc phải những sai lầm, nhất là trong khâu nhân sự.

Không có một thủ lĩnh đích thực trên sân trong khi ở cabin huấn luyện, HLV Ngô Quang Trường lại quá lành. Ông thầy họ Ngô có chuyên môn tốt và được ủng hộ tối đa nhưng ở khả năng hò hét, truyền lửa cho các học trò lại không được như người tiền nhiệm Hữu Thắng.

Nếu xét về tiền bạc, SLNA mùa này có sự đầu tư còn nhiều hơn một số đội bóng khác. Vấn đề là ở những bất cập trong cách làm và chúng tôi sẽ đề cập trong kỳ tiếp theo.

Tác giả bài viết: Lâm Vũ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP