Trường THPT Phan Thúc Trực là 1 trong 12 đơn vị giáo dục của Nghệ An có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt 100%. Ảnh: Trường THPT Phan Thúc Trực. |
Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Nghệ An vừa có báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Theo đó, tính đến ngày 26/1/2023, nguồn vốn đầu tư công tập trung do tỉnh quản lý đã giải ngân hơn 5.585 tỷ đồng (đạt 75 % kế hoạch).
Đặc biệt, trong số 25 đơn vị giải ngân vốn đạt 100% kế hoạch có 12 đơn vị giáo dục, bao gồm: Sở GD&ĐT, Trường THPT Cửa Lò, Trường THPT Phan Thúc Trực, Trường THPT Thanh Chương 3, Trường THPT Đô Lương 3, Trường PT Dân tộc nội trú THPT số 2, Trường THPT Nghi Lộc 3, Trường THPT Yên Thành 2, Trường THPT Quỳ Hợp 3, Trường THPT Mường Quạ, Trường ĐH Y khoa Vinh và Trường ĐH Kinh tế Nghệ An.
Những đơn vị khác giải ngân đạt 100% vốn gồm: huyện Con Cuông, huyện Thanh Chương, Sở Nội vụ, BV Đa khoa huyện Đô Lương, Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam, Chi cục Phát triển nông thôn, BV Mắt Nghệ An, BV Sản nhi Nghệ An, BV Y học cổ truyền Nghệ An, Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh, Công ty TNHH Thuỷ lợi Phủ Quỳ.
Dự án đập Bara Đô Lương trên sông Lam. Ảnh: Chi cục Thủy lợi Nghệ An. |
Có 18 đơn vị giải ngân từ 85,73% đến dưới 100%, bao gồm 11 huyện, thành, thị: Diễn Châu (99,98%), Kỳ Sơn (99,92%), Tân Kỳ (99,87%), Nam Đàn (98,42%), Thái Hòa (97,81%), Vinh (97,02%), Cửa Lò (95,47%), Quỳnh Lưu (94,37%), Yên Thành (91,87%), Nghi Lộc (89,43%), Quế Phong (87,76%).
Có 7 chủ đầu tư (ngoài huyện): Sở Giao thông vận tải (99,89%), Công an tỉnh Nghệ An (99,73%), Sở Văn hóa và Thể Thao (99,31%), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (95,89%), Bệnh viện Ung bướu Nghệ An (94,95%), Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (94,86%), Sở Công thương (92,67%).
Bên cạnh đó, có 19 đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân chung của tỉnh (dưới 85,73%), có 68 dự án chưa giải ngân hết chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Các đơn vị giải ngân dưới mức bình quân chung bao gồm: 7 huyện, thành, thị là Tương Dương (18,18%), Đô Lương (55,67%), Anh Sơn (76,8%), Hưng Nguyên (78,73%), Nghĩa Đàn (80,84%), Quỳ Hợp (82,99%), Hoàng Mai (83,5%), Quỳ Châu (83,62%).
Và 12 đơn vị chủ đầu tư (ngoài huyện): Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nghệ An (8,26%), Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (44,18%), Trường THPT Tương Dương 2 (53,75%), Công ty TNHH MTV Thủy lợi Tây Bắc Nghệ An (61,08%), Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam (62,92%), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (71,25%), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (76,55%), Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An (79,88%).
Ngoài ra, một số đơn vị có vốn ODA lớn nên tỷ lệ giải ngân thấp gồm: Sở Du lịch (1,92%), Sở Y tế (38,01%), Sở Kế hoạch và Đầu tư (46,64%), Sở Tài nguyên và Môi trường (59,43%).
Nguyên nhân chính khiến giải ngân đầu tư công chậm là do vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, giá vật tư, nguyên vật liệu san lấp, xăng, dầu đều tăng mạnh khiến các nhà thầu gặp khó, phải chờ trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh lại tổng mức đầu tư; khâu chuẩn bị hồ sơ đầu tư dự án mới còn yếu kém.
Tác giả: Phạm Tâm
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn