Việc sử dụng ô tô công vượt định mức diễn ra ở các bộ, ngành, địa phương - Ảnh: B.NGỌC |
Có tỉnh đang thừa gần trăm ô tô công
Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2022 vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi tới Quốc hội ghi nhận việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công ở các cơ quan trung ương, địa phương còn nhiều bất cập.
Nhiều bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương đã mua và sử dụng số lượng ô tô công vượt quy định gần trăm chiếc.
Số lượng ô tô công sử dụng vượt quy định tại các bộ, ngành, địa phương theo ghi nhận của Kiểm toán Nhà nước như sau: Bộ Tài nguyên và Môi trường 11 xe; Bộ Xây dựng 7 xe; Bộ Giáo dục và Đào tạo 4 xe chuyên dùng trên 16 chỗ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 22 xe chuyên dùng, 19 xe dùng chung.
Bộ Ngoại giao sử dụng vượt định mức 8 xe phục vụ công tác chung, 25 xe chuyên dùng, 10 xe phục vụ lễ tân nhà nước; Bộ Thông tin và Truyền thông 28 xe; Trung ương Đoàn 7 xe; Bộ Giao thông vận tải 45 xe.
Tương tự, nhiều tỉnh, thành phố cũng đang sử dụng vượt số lượng ô tô công theo quy định.
Trong đó, Thái Bình 4 xe, Đồng Tháp 7 xe, TP Hà Nội 14 xe, An Giang 80 xe, Bắc Ninh 96 xe, Cao Bằng 2 xe, Ninh Bình 3 xe, Bến Tre 4 xe, Thanh Hóa 5 xe, Bình Thuận 26 xe, Quảng Bình 7 xe, Vĩnh Phúc 2 xe.
Đất công bị lấn chiếm
Trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cũng nêu nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng đất công tại các bộ, ngành, địa phương.
Một số nơi chưa sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định, nhiều cơ sở nhà đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa thực hiện các trình tự, thủ tục liên quan về thu tiền thuê đất.
Đáng lưu ý, nhiều cơ quan trung ương và địa phương để xảy ra tình trạng đất công bị lấn chiếm nhiều năm.
Trong đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam để bị lấn chiếm 2.753m2 tại cơ sở 98 Tô Ngọc Vân, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Đại học Công đoàn (thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) để bị lấn chiếm nhiều phòng tại 2 tòa nhà 5A, 4B.
Văn phòng B nhà khách Tổng liên đoàn tại 85-87 Cách Mạng Tháng Tám, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM cũng để 2 hộ dân lấn chiếm đất.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải có 8 cơ sở nhà, đất bị lấn chiếm, trong đó 7 cơ sở chưa được bộ và các đơn vị xử lý dứt điểm theo quy định.
Trong đó, có khoảng 1.160m2 đất tại cơ sở quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng và khoảng 9.075m2 đất tại cơ sở số 200/10/2 Nguyễn Sơn, quận Long Biên, Hà Nội đang bị lấn chiếm.
Trung ương Đoàn có 2 cơ sở nhà đất bị lấn chiếm tại Phân viện miền Nam thuộc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam và Trung tâm hướng dẫn hoạt động thiếu nhi trung ương.
Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng có 2 cơ sở nhà đất bị lấn chiếm nhiều năm tại Trung tâm phát triển phụ nữ ở Đồ Sơn (TP Hải Phòng) và cơ sở nhà đất tại chi nhánh Nhà xuất bản Phụ Nữ.
Viện hàn lâm Khoa học xã hội bị lấn chiếm các lô đất 100m2 tại khu Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội; 6.850m2 đất ở Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang bị lấn chiếm 2.366.991,7m2 đất, và 5.024,2m2 nhà ở tại 19 cơ sở.
Tác giả: BẢO NGỌC
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ