Theo PGS-TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), cơ chế về kiểm soát quyền lực còn khá nhiều khoảng trống pháp lý khi có những vị trí quyền lực chưa được quy định cụ thể trách nhiệm đi kèm và chế tài xử lý nếu không hoàn thành trách nhiệm.
Ông Trường dẫn chứng thực tế có không ít người đứng đầu công khai “nhận trách nhiệm” về những sai sót rất nghiêm trọng thuộc cơ quan mình, nhưng sau khi nhận trách nhiệm như vậy thì vẫn đương chức, không bị kỷ luật hay đền bù về vật chất.
Ông Nguyễn Văn Giáp, Kiểm toán trưởng khu vực XI, thì nhận định lâu nay, chúng ta còn ít nói đến tham nhũng quyền lực. Các hành vi tham nhũng trong luật cũng chỉ ghi chủ yếu liên quan đến tài sản, tiền của, như tham ô tài sản, nhận hối lộ, chiếm đoạt tài sản, trục lợi... còn tham nhũng quyền lực chưa được đề cập.
“Cần có cơ chế, quy định cụ thể về kiểm toán trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực thi công vụ. Những người có thẩm quyền ban hành chính sách không thể “vô can” khi cơ chế, chính sách, dự án luật có nguy cơ tham nhũng được thông qua”, ông Giáp nói.
Tác giả: Chí Hiếu
Nguồn tin: Báo Thanh Niên