Trong nước

Nhân dân là nguồn gốc, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là: Nhân dân là nguồn gốc, là chủ thể quyền lực của Nhà nước, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, thực hiện dân chủ XHCN.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội thảo. Ảnh TTX VN.

Ngày 11/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" tổ chức hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Phát biểu tại hội thảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã đưa vào Chương trình làm việc nhiệm kỳ 2021 - 2026 nhiệm vụ xây dựng, ban hành Nghị quyết Trung ương về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đây là một công việc rất hệ trọng, góp phần quyết định đối với thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn tới đây.

Thủ tướng nêu rõ, tư tưởng về nhà nước pháp quyền hiện đại là một giá trị, một thành tựu của nhân loại về phương thức tổ chức và hoạt động của nhà nước. Giá trị cốt lõi và đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền đã được Karl Marx và Engels kế thừa và phát triển sâu sắc theo quan điểm khoa học và cách mạng. Ở Việt Nam, ngay từ những buổi đầu thành lập Nhà nước công nông đầu tiên, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng một Nhà nước kiểu mới, một Nhà nước của dân, do dân, vì dân đã được hình thành…

“Có thể thấy, ở nước ta, những giá trị tiến bộ, nhân văn của Nhà nước pháp quyền XHCN từng bước được thực hiện, góp phần quan trọng bồi đắp, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước và tương lai tươi sáng của đất nước chúng ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại hội thảo, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cho rằng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta là chủ trương được nhân dân hết sức ủng hộ và cần tiếp tục hoàn thiện để phục vụ phát triển đất nước. Trong quá trình triển khai phải có nguồn nhân lực chất lượng, toàn tâm toàn ý với dân, phải làm mọi cán bộ công chức luôn nghĩ rằng, quyền mình có là nhân dân giao cho mình, cán bộ công chức phải là công bộc của dân.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án nêu rõ, Nhà nước pháp quyền là tri thức, giá trị tiến bộ của nhân loại đã được đúc kết và khẳng định qua lịch sử hàng trăm năm. Ở Việt Nam, những giá trị cốt lõi của Nhà nước pháp quyền về chủ quyền nhân dân, về tư tưởng đề cao giá trị công bằng, công lý, quyền con người đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng tới từ những ngày đầu lập quốc; trở thành tư tưởng xuyên suốt của Cách mạng Việt Nam.

Theo Chủ tịch nước, Nhà nước pháp quyền XHCN mà chúng ta đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện có đầy đủ cơ sở khoa học lý luận và thực tiễn, là sự vận dụng sáng tạo, hợp lý tri thức về Nhà nước pháp quyền của thế giới vào thực tiễn Việt Nam, vừa mang đầy đủ những giá trị phổ quát, chuẩn mực của một Nhà nước pháp quyền, vừa mang những nét đặc thù chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam. Đó cũng là sự đổi mới tư duy lý luận về Nhà nước của Đảng, từ tư duy lý luận về Nhà nước chuyên chính vô sản sang tư duy lý luận Nhà nước pháp quyền XHCN.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là: Nhân dân là nguồn gốc, là chủ thể quyền lực của Nhà nước, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, thực hiện dân chủ XHCN. Nhà nước tôn trọng bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tôn trọng các cam kết quốc tế với tư cách là một thành viên…

Nhắc lại các tham luận, nội dung thảo luận, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây là những phân tích, luận giải rất thỏa đáng và có tính thuyết phục cao. Chủ tịch nước yêu cầu Tổ Biên tập Đề án nghiên cứu, chọn lọc, tiếp thu trong xây dựng Đề án.

Tác giả: Luân Dũng

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP