Xã hội

Nguy cơ tử vong khi tự ý truyền dịch

Khi tự ý truyền dịch mà chưa có kết quả kiểm tra, đánh giá được mức độ tổn thương và tình trạng bệnh nền, người dân dễ bị biến chứng hơn.

Không phải bệnh nhân nào ốm sốt cũng phải truyền và có thể truyền vào bất cứ thời điểm nào. Ảnh: BVCC

Gặp nguy hiểm, thậm chí tử vong

Ngày 2/1, em N.M.P. (13 tuổi, ở xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) có biểu hiện bị nôn, ho nên được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn để khám bệnh. Tại đây, em P. được xét nghiệm máu, chụp X-quang phổi, được bác sĩ kê đơn thuốc và cho về nhà.

Đến 2 giờ ngày 3/1, em N.M.P. xuất hiện triệu chứng ho nhiều nên gia đình thuê xe đưa đến Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn khám lại. Các bác sĩ đã xét nghiệm máu, truyền dịch cho bệnh nhân. Khoảng gần 20 phút sau, P. bị co giật và tử vong. Hiện, các cơ quan tiếp tục làm rõ vụ việc, chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân.

Tuy nhiên, trước đó, không ít trường hợp gặp nguy hiểm, thậm chí tử vong do truyền dịch. Cụ thể, tháng 4/2023, các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận 3 bệnh nhân nhập viện do phản vệ.

Các bệnh nhân là H.T.S. (60 tuổi, ở Hợp Thành, Cao Lộc), N.Đ.X. (54 tuổi, ở phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn) và Đ.T.D. (63 tuổi, ở Gia Cát, Cao Lộc) vào viện cùng một ngày trong tình trạng chóng mặt, đau đầu, run chân tay, khó thở sau khi truyền dịch tại nhà.

Những bệnh nhân này đã được cấp cứu, xử trí chống sốc và truyền dịch. Sau xử trí, các bệnh nhân ổn định sức khỏe và đã ra viện.

Trước đó, ngày 2/3 tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, cụ bà 71 tuổi tử vong sau khi truyền dịch tại một phòng khám tư nhân trên địa bàn. Năm 2022, một nữ bệnh nhân 28 tuổi mệt, sốt, vào một phòng khám tại quận Bình Tân (TPHCM) được chẩn đoán sốt xuất huyết ngày thứ nhất, cho truyền dịch nhưng bất ngờ ngưng tim, ngưng thở.

Cũng về truyền dịch, ngày 16/10/2018, bệnh nhi 22 tháng tuổi đã tử vong sau khi truyền dịch tại phòng khám tư ở quận Long Biên (TP Hà Nội). Cùng ngày, một bé gái 6 tuổi cũng tử vong sau khi truyền bù nước điện giải tại Bệnh viện Đa khoa quận Lê Chân (Hải Phòng).

Không phải cứ mệt là truyền

Trao đổi về nguy cơ có thể xảy ra của việc truyền dịch, Thượng tá, BS Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) giải thích, mục đích của truyền dịch là để nuôi dưỡng bệnh nhân, bù đủ lượng dịch mà cơ thể bị mất.

Từ đó, nhằm đảm bảo thể tích tuần hoàn duy trì huyết áp và lượng nước trong các mô của cơ thể. Nhiều người cứ mệt là truyền dịch và thông thường sẽ được tư vấn truyền nước biển, vitamin, đạm. Tuy nhiên, không phải ai cũng cần truyền dịch và không phải ai cũng được phép thực hiện truyền dịch.

“Hiện đã có quy định rất rõ về việc các cơ sở, bác sĩ được phép truyền dịch. Chỉ có bác sĩ được cấp chứng chỉ, bác sĩ gia đình mới được phép truyền dịch tại nhà”, bác sĩ Hoàng khẳng định.

Trong khi đó, ThS.BS Hoàng Thị Năng - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết, không phải nhân viên y tế hoặc bác sĩ nào cũng có đủ chuyên môn để ứng phó với những trường hợp tai biến khi truyền dịch. Những biến chứng xảy ra có thể nặng hoặc nhẹ tùy thuộc vào mức độ.

Nếu nhẹ, bệnh nhân có thể bị đau, sưng ở vị trí truyền. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị suy tim, phù phổi, viêm tĩnh mạch do tiếp nhận lượng dịch truyền quá mức cần thiết đối với cơ thể. Trường hợp xấu nhất là sốc phản vệ dẫn đến tử vong sau khi truyền dịch.

Do đó, ThS.BS Năng khuyến cáo, cần chú ý một số vấn đề trước khi tiến hành truyền dịch. Cụ thể, chỉ truyền khi có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, liều lượng truyền dựa vào kết quả thăm khám và xét nghiệm.

Cần có bộ dụng cụ xử lý tai biến, thuốc chống sốc. Dụng cụ truyền nước phải đảm bảo vô khuẩn. Loại bỏ bọt khí trong túi truyền bằng cách cho chảy những giọt đầu tiên ra ngoài trước khi cắm vào tĩnh mạch của người bệnh.

Ngoài ra, phải theo dõi và đảm bảo các yếu tố liều lượng, tốc độ, thời gian. Y tá phụ trách truyền cần thường xuyên kiểm tra tình trạng của bệnh nhân. Nếu còn ăn uống được thì nên thay đổi chế độ dinh dưỡng phù hợp vì cách này an toàn và tự nhiên hơn so với việc truyền dịch.

“Truyền dịch rất tốt cho việc phục hồi sức khỏe và phục vụ điều trị. Tuy nhiên, cần tuân theo những chỉ dẫn của bác sĩ để việc truyền nước đạt được hiệu quả tốt nhất mà không có những rủi ro ngoài ý muốn”, chuyên gia nhấn mạnh.

Theo khuyến cáo Bộ Y tế, các cơ sở y tế, bác sĩ, điều dưỡng cần chỉ định dùng thuốc phù hợp, chỉ tiêm khi không sử dụng được đường dùng khác. Tùy theo thể trạng, bác sĩ tư vấn truyền loại dịch phù hợp.

Song, không phải bệnh nhân nào ốm sốt cũng phải truyền và có thể truyền vào bất cứ thời điểm nào. Khi tự ý truyền dịch mà chưa có kết quả kiểm tra, chưa đánh giá được mức độ tổn thương và tình trạng bệnh nền, người dân dễ bị biến chứng hơn.

Các bác sĩ cũng nhấn mạnh thực tế, nhiều người cho rằng tiêm truyền bù dịch giúp cơ thể khỏe lên nên không đi khám, trong khi bệnh đang âm thầm tiến triển.

Việc tự ý truyền nước có thể khiến bệnh nặng lên, nguy cơ tai biến do bỏ lỡ thời gian vàng. Ngoài ra, khi truyền dịch tại nhà, điều kiện cấp cứu không thể tốt và đầy đủ như ở các cơ sở y tế, người bệnh không được xử trí kịp thời, nguy cơ tử vong cao hơn.

Các bác sĩ khuyến cáo chỉ nên truyền dịch khi sốt quá cao, nôn quá nhiều gây mất nước, hoặc bệnh nhân bị tiêu chảy, tụt huyết áp..., không thể ăn uống. Trước truyền, bệnh nhân cần xét nghiệm cẩn thận. Những người mắc bệnh nhẹ chỉ bổ sung nước bằng đường uống, dinh dưỡng, tập luyện để tăng đề kháng.

Nếu cơ thể có biểu hiện bất thường như rét run, khó thở, phù chỗ tiêm... khi truyền dịch, người bệnh phải báo ngay nhân viên y tế để kịp thời xử trí. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc hoặc mời người về nhà truyền dịch khi chưa được khám, xét nghiệm và chỉ định từ bác sĩ.

Tác giả: Vân Huyền

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP