Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân Brigitte. Ảnh: Vogue. |
Ban đầu, dường như tất cả người dân Pháp đều bị mê hoặc bởi Brigitte Macron, phu nhân 64 tuổi của tân Tổng thống Emmanuel Macron. Nhưng liệu họ có thực sự muốn trao cho bà một vai trò chính thức với chức danh cụ thể, văn phòng riêng cùng một ngân sách hoạt động hàng năm, tất cả đều lấy từ tiền thuế. Câu trả lời là "Không", theo Washington Post.
Tính đến ngày 7/8, hơn 200.000 người đã ký vào một bản kiến nghị trực tuyến phản đối kế hoạch của Tổng thống Pháp trao chức danh đệ nhất phu nhân cho vợ. Bản kiến nghị trên là đòn giáng mới nhất vào hình ảnh ông Macron, người đang phải đối mặt với mức tín nhiệm liên tục suy giảm.
Dù ông Macron chiến thắng áp đảo cuộc bầu cử hồi tháng 5, hiện tại, chỉ 36% người dân Pháp ủng hộ tân tổng thống của họ, theo kết quả từ các cuộc thăm dò mới nhất.
Tranh cãi
"Chẳng có lý do gì vợ người đứng đầu nhà nước lại được phép chiếm ngân sách từ công quỹ", bản kiến nghị nêu rõ. "Chúng tôi phản đối mạnh mẽ những công kích nhằm vào giới tính bà Brigitte Macron. Và chúng tôi cũng không hoài nghi năng lực của bà ấy. Nhưng tại thời điểm cần cải thiện đời sống công cộng ở Pháp, chúng ta không thể phê chuẩn việc tạo ra một vị thế đặc biệt cho vợ của Tổng thống Macron".
Suốt quãng thời gian vận động tranh cử, ông Emmanuel Macron thường xuyên nhắc đến chuyện ông muốn vợ mình có chức danh chính thức đệ nhất phu nhân. "Tôi muốn cô ấy có một vai trò rõ ràng và tôi sẽ đề xuất thực hiện tiến trình này", ông nói.
Hiến pháp Pháp không quy định vợ tổng thống có chức danh đệ nhất phu nhân. Tổng thống được phép tự quyết định vị trí chính thức cho bạn đời. Họ có thể sở hữu văn phòng, phụ tá và nhân viên an ninh riêng. Chi phí được dinh tổng thống Pháp chi trả, ước tính khoảng 530.000 USD mỗi năm. Việc tạo ra vị trí chính thức sẽ đòi hỏi phải xây dựng ngân sách riêng cho vợ tổng thống.
Tranh cãi nổ ra một phần bởi Tổng thống Macron từng tuyên bố rằng "làm thay đổi bộ mặt bộ máy công quyền" là ưu tiên hàng đầu đối với chính phủ còn non trẻ của ông. Nhưng với việc lên kế hoạch tạo ra chức danh riêng cho vợ mình, ông dường như lại đang đi ngược lại mục tiêu trên.
Dù Tổng thống Macron khẳng định đệ nhất phu nhân sẽ không nhận lương chính phủ, nhiều người Pháp vẫn cho rằng đây là kế hoạch "Mỹ hóa" chính trường nước này. Vấn đề được đưa ra giữa lúc quốc hội Pháp đang thúc đẩy cải cách nhằm ngăn chặn tình trạng các nghị sĩ, quan chức chính phủ thuê người thân vào làm việc cho chính quyền.
Ông Francois Fillon, một trong những đối thủ chính của ông Macron khi tranh cử tổng thống, đã mất sự ủng hộ sau khi bị tố cáo bổ nhiệm vợ vào vị trí trợ lý riêng và trả lương hàng trăm nghìn euro.
Trong chiến dịch tranh cử, ông cũng Macron từng thề sẽ xóa bỏ tình trạng gia đình trị. Trước bê bối của đối thủ, Macron cho biết ông muốn cấm các chính trị gia thuê người thân làm việc.
"Làm như tôi nói, đừng làm như tôi làm", chính trị gia Pháp Thierry Mariani tháng trước viết trên mạng xã hội Twitter, đính kèm đường dẫn tới một bài viết về những suy đoán liên quan đến chuyện bà Brigitte Macron sẽ có chức danh chính thức. Mariani có lẽ muốn ám chỉ Tổng thống Macron đang làm trái với những gì ông tuyên bố với kế hoạch trao chức danh đệ nhất phu nhân cho vợ.
Mặt khác, đối với nhiều người ký tên vào bản kiến nghị, việc ông Macron muốn tạo ra chức danh riêng cho vợ mình thực sự khiến họ cảm thấy bị lợi dụng, đặc biệt khi ngân sách để phục vụ vị trí này có thể được lấy từ tiền thuế của chính họ.
"Điều đó thật vô nghĩa và không có gì mới mẻ", BBC dẫn lời nhà phân tích chính trị Olivier Rouquan nhận xét. "Tôi không thể hiểu nổi việc ai đó lại muốn thể chế hóa vai trò, vị trí của một đệ nhất phu nhân. Nó không mang ý nghĩa dân chủ. Chúng ta không bầu vợ chồng tổng thống".
Tác giả: Vũ Hoàng
Nguồn tin: Báo VnExpress