Pháp luật

Người tâm thần gây án (2): "Nếu bố lên cơn thì chạy nhé!"

Những vụ án do người tâm thần gây ra đều hết sức man rợ. Trong khi cơ quan chức năng chưa có biện pháp ngăn chặn loại tội phạm đặc thù này thì sự “dung dưỡng” của chính những gia đình có người bị tâm thần đang tiềm ẩn nhiều hiểm họa khôn lường cho bản thân và cả cộng đồng.

Sống với người bị bệnh tâm thần như... “bom nổ chậm”

Sau mỗi vụ án do người tâm thần gây ra, bao giờ chúng ta cũng nghe thấy những câu quen thuộc từ người thân của họ, ví như: "Bình thường nó hiền lắm, không hiểu sao..."; “Bình thường nó ngoan ngoãn, lễ phép lắm, không bao giờ gây sự với ai, không hiểu sao...”.

Cái sự "không hiểu sao" ấy đã cướp đi sinh mạng của 4 con người ở Hà Giang mới đây. Thủ phạm vốn bị bệnh tâm thần, đã từng giết chính con mình, lúc tỉnh táo vẫn dặn con cái: Nếu bố lên cơn thì phải chạy ngay đi!

Làm sao người ta có thể sống chung với một khối bộc phá sẵn sàng phát nổ bất cứ lúc nào như vậy? Và cách duy nhất mà người thân cũng như con cái của con người tâm thần ấy tự cứu mình trước mỗi lần lên cơn của anh ta là... chạy!

Hiện trường vụ thảm án 4 người tử vong ở Hà Giang.

Chị Hiền, một người công tác trong lĩnh vực truyền thông, ở Hà Nội thắng thắn nói: “Để những người mắc bệnh tâm thần sinh sống ngoài xã hội là tội ác. Vì tình thương, kiểu tâm lí "ở nhà mới được miếng ngon" và trăm nghìn lí do khác, thân nhân những người này đã vô tình gieo rắc nỗi lo ngay ngáy cho hàng xóm, cho cộng đồng”.

“Không ít gia đình có người bị tâm thần “bày binh bố trận” để cho con mình lấy được vợ. Không hiểu họ nghĩ sao khi đến đời cháu, đời chắt lại sinh ra những đứa con có thể bị tâm thần giống bố! Như vậy không những là gánh nặng cho gia đình mà cả xã hội phải gánh chịu” – chị Hiền chia sẻ thêm.

Còn nhớ, năm 2011, đối tượng bị bệnh tâm thần Hà Văn Pẩu (SN 1974), trú ở thôn Cốc Sáng (xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) đã sát hại một bé gái trong bản… rồi ăn thịt. Căn nguyên của vụ việc xuất phát từ việc Pẩu nghe trong đầu có người xui là phải ăn thịt trẻ con thì sức khoẻ mới tốt, sinh lý mới khoẻ, thế là Pẩu gây án với em bé mấy tuổi hàng xóm.

Đối tượng Hà Văn Pẩu.

Sau khi xảy ra án mạng, Pẩu nói sau này sẽ lấy vợ, sinh con rồi chém chết, sau đó vứt trả vào nhà bố mẹ của em bé gái xấu số (tức là trả con, kiểu như mạng đền mạng). Những lời Pẩu nói khiến cho bất cứ ai đối diện cũng phải rùng mình.

Người tâm thần gây án rất khó xử lý

Theo Thượng Tá Khiếu Mạnh Hùng, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm – Học viện Cảnh sát nhân dân: “Tỷ lệ người mắc bệnh tâm thần ở Việt Nam hiện nay chiếm tỷ lệ tương đối trong xã hội. Mức độ tâm thần rất khác nhau, có người nhẹ, có người nặng, có người không biết mình bị tâm thần, ngay trong gia đình cũng không biết, hoặc biết nhưng lại coi nhẹ, không quan tâm đúng mức. Chính vì vậy những hiểm họa do người bị tâm thần gây ra cho xã hội là rất cao”.

Thượng Tá Khiếu Mạnh Hùng, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm – Học viện Cảnh sát nhân dân.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh) cho biết, trong Bộ luật hình sự của Việt Nam, Điều 13, Khoản 1, quy định những trường hợp không đủ năng lực trách nhiệm hình sự khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, trong trạng thái mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh hiểm nghèo khác, dẫn đến họ không nhận thức, điều khiển được hình vi của họ. Những trường hợp như vậy họ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà nhà nước áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc chữa bệnh đối với những trường hợp này.

Cũng có những vụ án mà bị can bị bệnh tâm thần vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người nhưng sẽ được giảm nhẹ một phần hình phạt.

Một câu hỏi được nhiều người đặt ra đó là bài học nào cho công tác quản lý người bị bệnh tâm thần?

Thượng Tá Khiếu Mạnh Hùng, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm – Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết: Để quản lý tốt người bị tâm thần thì mọi người trong xã hội nên có một thái độ nhìn nhận đúng mức, khách quan về những người bị tâm thần.

Trước hết họ cũng là con người, nhưng vì lý do nào đó họ bị mắc căn bệnh có những hành vi “khác người”; chúng ta phải có hiểu biết nhất định về bệnh tâm thần để phát hiện sớm, để phòng ngừa; trong quá trình quản lý người bị tâm thần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa người bệnh, chính quyền địa phương và y tế. Và quan trọng nhất chính là sự quan tâm, phát hiện và hành động tích cực của chính gia đình.

Tác giả bài viết: P.Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP