Xã hội

Người lo chuyện bao đồng, “vá” đường, đào giếng cho dân

Hơn 20 năm nay, ở Quảng Nam có một người đàn ông cần mẫn “vá” đường cho trẻ nhỏ đến trường, đào giếng cho người dân có nước tưới tiêu ruộng đồng... Mặc dù điều kiện kinh tế khó khăn, bản thân lại bệnh tật nhưng người đàn ông ấy vẫn lặng lẽ làm công việc “bao đồng”- như con ong góp mật cho đời.

Ông Mỹ bên những tấm bằng khen ghi nhận của các cấp chính quyền.

Ông “vá” đường

Người đàn ông đó có tên là Phạm Thế Mỹ, SN 1950, trú thôn Cẩm Sa, xã Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Một người dân giới thiệu với chúng tôi: “Chú Mỹ là một công dân tiêu biểu của xã. Con đường này sạch sẽ, thoáng rộng như hôm nay cũng nhờ một phần lớn công sức của chú ấy. Đoạn đường dài 500m, cứ 50m chú Mỹ để 1 cây chổi rồi cứ mỗi buổi sáng chú ấy lại ra quét đường. Không ai làm được như chú Mỹ mô...”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi hoàn thành nhiệm vụ xã hội giao, ông Mỹ về nhà và mở quán sửa xe để cải thiện kinh tế gia đình và cũng là tiếp tục lao động để giữ gìn sức khỏe. Chính việc sửa xe này đã đưa ông đến với công việc “vá đường”.

Ông Mỹ kể, vì thường sửa xe nên ông biết có những đoạn đường bị sạt lở, hư hại khiến người dân giao thông không được thuận lợi. Từ đó, ông nảy sinh ý định “vá” đường, đóng góp chút công sức cho cộng đồng.

“Hồi đó, từ làng ra đồng chỉ có một con đường đất độc đạo. Nhưng vì đường được đắp bằng bùn đất nên cứ mưa gió là sình lầy, sạt lở. Những chiếc xe trâu, xe bò của nông dân chở thóc lúa khi đi qua đó đều mắc kẹt hoặc lật đổ. Chứng kiến cảnh những bao lúa rơi xuống đường, xe bị lầy, bà con thì hì hục đẩy… tôi thấy xót xa”, ông Mỹ kể.

Rồi một buổi sáng đầu đông năm 1995, lúc ấy trời còn chưa tỏ, ông Mỹ đã tung chăn ngồi dậy rồi tay cuốc tay xẻng ra con đường đầy bùn lầy. Ông dọn sạch bùn, bồi thêm đất vào chỗ bị lỡ, gia cố lại chỗ bị hư hỏng. Hễ nghe chỗ nào có gò đất cao hay xà bần bỏ đi là ông lại đến đào, xúc, mang về đắp đường. Cứ như vậy, sáng sáng, khi trời còn chưa tỏ, kệ mặc thời tiết lạnh giá, ông Mỹ cứ lặng lẽ công việc của mình.

“Tui làm độ 2 tiếng. Khoảng 7h khi mặt trời lên là tôi trở về nhà để tắm táp cho bớt bùn đất rồi đến tiệm sửa xe”, ông Mỹ cho hay.

Một số cao niên làng kể rằng, những ngày sau đó, họ thấy con đường bớt lở, bớt lầy hơn, nhiều vết đất mới được đắp lên nhưng không biết ai đã làm. Họ tò mò rồi người này hỏi người kia. “Lúc đó, chú Mỹ ra đồng sớm nên ban đầu ít người biết. Chú ấy bảo sợ nhiều người thấy sẽ “dị” (cách nói của người xứ Quảng, nghĩa là thẹn thùng, mắc cỡ-PV) lắm. Đúng là người tốt, làm việc tốt cũng lặng thầm”, cụ Phan Tám chia sẻ.

Cứ như vậy, trong suốt 20 năm, ông Mỹ đã “tô điểm” cho những con đường ở quê ông. Kể về việc này, ông Mỹ nói: “Thường thì trước khi thi công việc bồi đắp đường, tôi phải thăm dò các con đường trước một ngày để ước tính độ hư hại, như thế mới chuẩn bị đủ cát đắp vào”. Với ông Mỹ, thay vì tập thể dục buổi sáng, ông lấy việc bồi đắp đường làm niềm vui riêng cho mình và hy vọng giúp ích cho cộng đồng.

Năm 2003, khi nhà nước quy hoạch mồ mả vào một khu vực tập trung, xe vận tải chở cát sạn đã làm sạt lở con đường vào khu vực nghĩa trang. Thấy vậy, ông Mỹ lại tiếp tục bỏ công sức tu bổ cho con đường để nhân dân đi lại thuận lợi. Bên cạnh đó, ông còn trồng cây ở những con đường dẫn vào mộ để nhân dân có bóng mát tránh nắng, nghỉ mệt. Năm 2010, con đường vào nghĩa trang bị xuống cấp, ông Mỹ làm đơn xin công ty gạch Đồng Tâm gạch bể, xin xe, xin công để đắp con đường.

Thấy những con mương trên cánh đồng lầy lội, khó khăn cho nông dân mỗi lần đi qua lại, ông Mỹ đã thuê người đốn 8 cây dừa, chặt thành từng đoạn ngắn rồi thả xuống các con mương để người dân đi lại dễ dàng hơn. Khi mùa nước lụt đến, những đoạn dừa cũng theo nước lụt trôi, ông Mỹ tiếp tục xin những đoạn bút cửa cũ bỏ xuống.

Nhưng dường như phương án này cũng không khả thi, bởi những đoạn bút này bị một số người đi rà sắt đập ra để lấy sắt. Vậy là ông Mỹ tiếp tục vận động người dân đóng góp 4 triệu đồng để đúc 40 cái bi thả qua các con mương. Từ đó, nông dân qua lại sản xuất rất dễ dàng. Việc đúc bi, thả bi đã lấy đi của Ông Mỹ 60 ngày công lao động.

Để nhân dân có bóng mát làm đồng, ông Mỹ đã tự làm 5 cái trại và trồng cây xung quanh, làm giàn thả mướp. Đến mùa mướp, bà con đi làm đồng về còn được hái mướp mang về nhà ăn. Thấy bà con không có nước uống vì nước bị nhiễm mặn, ông Mỹ lại bỏ tiền ra đóng một máy bơm tại con đường thôn 2 của xã. Không những thế, ông Mỹ còn đào giếng bơm cho người dân tưới tiêu ruộng đồng.

Đưa chúng tôi ra thăm đồng làng, ông Mỹ kể, ruộng đồng Cẩm Sa tuy trù phú nhưng hệ thống mương nước còn quá ít. Xưa, mỗi lần cần nước pha thuốc trừ sâu hay nước tưới tiêu, bà con phải gồng gánh tận tít các ao. Để đào giếng, ông Mỹ đã bỏ 1,6 triệu đồng của mình ra đóng máy bơm. Chúng tôi hỏi tiền này từ đâu, ông thật thà cho biết, đó là tiền ông dành dụm từ việc sửa xe đạp. Từ năm 2014 đến nay, số giếng ông Mỹ đào và lắp máy bơm cũng cả chục cái, cung cấp nước cho cả đồng ruộng Cẩm Sa.

Giếng bơm nước và con đường bê tông khang trang-nơi ghi dấu công lao ông Mỹ.

Bây giờ, con đường đất ông Mỹ đắp năm xưa đã không còn nữa. Thay vào đó là con đường bê tông rộng lớn, trải dài được xây dựng cách đây chừng 2 năm. Khi đó, cũng chính ông đã đứng ra vận động các nhà hảo tâm cùng sự giúp đỡ của chính quyền địa phương để xây dựng con đường hàng trăm triệu đồng. “Có một bác ở cách đây không xa. Bác thấy tui có mục đích tốt nên khi tui xin, bác đồng ý cho mấy trăm triệu làm đường cho bà con. Tui sướng rơn người”, ông Mỹ kể.

Gương sáng cần nhân rộng

Nhận xét về những việc làm đầy ý nghĩa của ông Mỹ, ông Trần Văn Dũng-Trưởng thôn Cẩm Sa nói: “Nhờ việc làm của bác Mỹ mà bà con dân làng thuận lợi trong việc vận chuyển hay đi lại. Nhiều người cho biết, thời gian đầu khi ông Mỹ “vác tù và hàng tổng”, không ít người cho rằng ông gàn dở, bởi chuyện đường xá là của xã hội, có chính quyền lo. Lâu dần, mọi người thấu hiểu hơn và trân trọng tấm lòng ông Mỹ”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đàm Quang Trung, chủ tịch UBND phường Điện Nam Bắc rạng ngời khi “khoe” người con ưu tú của địa phương. Theo lời ông Trung, mấy chục năm qua, ông Mỹ nhận được hàng chục bằng khen, giấy khen của phường, thị xã Điện Bàn và tỉnh Quảng Nam và tận TW vì những cống hiến cho quê hương.

“Kể không hết công của ông Mỹ đâu cô chú ạ. Ví như ngày trước, nước ở làng đa phần nhiễm phèn mặn. Hàng trăm hộ dân nơi đây phải mua nước ngọt về uống, với giá gần 200.000 đồng/tháng. Nhưng từ khi ông Mỹ đóng giếng bơm cũng ngay trên đất này, không hiểu sao nước từ giếng của ông lại ngon, ngọt lạ thường. Có lẽ do trời thương ông ấy. Thế là bà con cứ đến lấy nước dùng thoải mái”, một người dân cười tít mắt khoe với chúng tôi.

“Ổng là một người cực kỳ tốt. Những người bán dạo đi sớm về khuya qua làng ai cũng biết nơi ông Mỹ đặt chiếc bơm, chai xăng để khi non lốp thì bơm, khi hết xăng thì ghé lấy mà dùng. Những người này sau đó tự mua chai xăng khác để lại chỗ cũ cho những người tiếp theo. Việc tốt cứ thế mà nhân lên, lan tỏa đi”, anh Trần Thái Hoàng (trú khối Cẩm Sa) nói chen vào.

Chuyện ông Mỹ “vá” đường, ông Mỹ đào giếng… rất nhiều người biết. Nhưng ít ai biết rằng, kinh tế gia đình ông rất khó khăn, bản thân ông Mỹ lại bị bệnh thấp khớp nặng. Thế nhưng, người đàn ông ấy vẫn lặng lẽ góp công sức của mình cho sự phát triển của làng quê. Ông là một tấm gương cần nhân rộng trong cộng đồng để xã hội ngày càng tươi đẹp hơn.

Tác giả bài viết: Văn Hoàng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP