Đẹp

Người giàu phẫu thuật thẩm mỹ

Hilda Back (63 tuổi, sống ở Texas, Mỹ) đã chi 230.000 USD để nâng chân mày, phẫu thuật tạo mí mắt, căng da mặt, nâng cơ môi, nâng da cổ, tái tạo dái tai và nâng mũi.

Người phẫu thuật cho Back là Andrew Jacono, bác sĩ có tiếng trong ngành thẩm mỹ ở New York. "Giá hơi đắt nhưng tôi hài lòng với kết quả", cô nói với New York Times.

"Tôi có một chiếc Rolls-Royce, 3 căn nhà. Tôi có mọi thứ mình muốn, nhưng vẫn cảm thấy chán nản. Vì vậy, tôi quyết định dao kéo để thay đổi khuôn mặt".

Cũng như giá bất động sản, tác phẩm nghệ thuật, ôtô và những đồ sưu tầm xa xỉ đã liên tục tăng giá trong những năm gần đây, chi phí để phẩu thuật thẩm mỹ nhanh chóng leo thang.

Danh sách khách hàng chờ để dao kéo của các bác sĩ thẩm mỹ ưu tú nhất đều là những người giàu. Họ sẵn sàng chờ đợi cả tháng, không bận tâm về giá khi nâng mũi, gọt hàm.

Nhiều người chi hàng trăm nghìn USD để chỉnh sửa gương mặt. Ảnh: shutterstock.

Nâng cơ mặt giá 200.000 USD

Jonathan Sykes, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở Beverly Hills và Sacramento, so sánh phẫu thuật thẩm mỹ cũng như mua sắm quần áo, rượu vang, giá cả phụ thuộc vào nhãn mác, thương hiệu.

"Liệu phẫu thuật thẩm mỹ có cần phải đắt đỏ đến mức này? Chỉ người tiêu dùng mới có thể quyết định", bác sĩ nói.

Lạm phát kéo theo sự tăng giá của vật tư y tế và lương cho nhân viên. Ngoài ra, nhu cầu tăng vọt của khách hàng cũng khiến nhiều bác sĩ thẩm mỹ quyết định nâng mức giá.

Chi phí trung bình của một ca gọt mặt ở Mỹ tăng nhẹ lên 9.127 USD vào năm 2021, tăng 3% so với năm 2020, theo Aesthetic Society, hiệp hội các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ được hội đồng chứng nhận.

Chi phí thẩm mỹ tăng vì lạm phát và nhu cầu gia tăng. Ảnh: InStyle.

Mức tăng giá cụ thể còn tùy vào kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm của từng bác sĩ.

Lara Devgan, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở Manhattan, nói công việc của mình giống như "họa sĩ vẽ nên một bức tranh đẹp". Ngoài phẫu thuật, bà Devgan còn giúp khách hàng "thiết kế khuôn mặt" ưng ý nhất.

Bác sĩ này có hơn 690.000 người theo dõi trên Instagram và tính phí lên tới 200.000 USD cho một ca căng da mặt.

"Thoạt nghe có vẻ là con số lớn nhưng tôi nghĩ đây là về giá trị chứ không phải chi phí. Khuôn mặt sẽ quyết định cuộc sống, công việc, tình yêu, danh tính của bạn".

Lựa chọn của người giàu

Giá phẫu thuật thẩm mỹ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm mức độ phức tạp và số lượng bộ phận cần chỉnh sửa trên khuôn mặt.

Quá trình căng da mặt có thể bao gồm cả nâng chân mày, phẫu thuật mí mắt, nâng mũi, nâng môi, căng giữa mặt, nâng da cổ và một loạt tiện ích bổ sung khác như ghép/loại bỏ mỡ, trẻ hóa da bằng laser.

Sau đó là chăm sóc hậu phẫu, có thể bao gồm việc được túc trực 24/7 bởi bác sĩ và y tá tại nhà riêng.

"Đối với bệnh nhân giàu có mà tôi từng điều trị, những điều này thực sự giống như mua tác phẩm nghệ thuật hơn là mua một quy trình phẫu thuật", bác sĩ Jacono, người tiên phong trong kỹ thuật nâng cơ mặt toàn phần tại mặt phẳng sâu (deep plane facelift), cho hay.

Chăm sóc hậu phẫu cũng có nhiều loại hình, mức giá. Ảnh: Reuters.

Lily Bell (48 tuổi), người điều hành một công ty làm đẹp ở Beverly Hills, đã chi 212.000 USD cho việc nâng cơ và phục hồi da mặt, cổ.

"Tôi đã ở lại trung tâm tại Beverly Hills trong 5 ngày 4 đêm. Nó giống như một khách sạn sang trọng vậy".

Trong khi đó, Diane Pizzoli (68 tuổi), nhà thiết kế thời trang ở Roseland, New Jersey, đã trải qua một số cuộc tư vấn nâng cơ mặt với các bác sĩ và được báo giá hàng trăm nghìn USD.

Tuy nhiên, cuối cùng Pizzoli chỉ chi tổng cộng 50.000 USD cho ca phẫu thuật phục hồi da mặt, nâng da cổ và cắt mí mắt.

"Một số bác sĩ tự quảng cáo và khoe khoang về những người nổi tiếng mà họ đã phẫu thuật. Nhưng chi phí cao không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với kết quả tốt đẹp. Sau phẫu thuật, tôi trông vẫn như chính mình, chỉ là trẻ hơn nhiều", Pizzoli nói.

Tác giả: Lê Vy

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP