Sau gần 40 năm kiếm sống bằng nghề chụp ảnh khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, ông Nguyễn văn Thái (SN 1954, người gốc Hà Nội) cho biết, tất cả những vất vả, cay đắng và cả huy hoàng của nghề, ông đều đã kinh qua.
“Có những giai đoạn, mỗi thợ ảnh được quây một quán nhỏ ở bờ hồ. Khách chụp ảnh phải xếp hàng chờ đợi để tới lượt mình, nhưng bây giờ thì khác. Khách chụp thì ít mà thợ chụp lại đông nên cạnh tranh khốc liệt. Có nhiếp ảnh còn vì 1 người khách mà cãi cọ, thậm chí đánh nhau với chính đồng nghiệp của mình” - ông Thái nói.
Vẫn lời của ông, khách hàng thời nay cũng đã khác xưa.
“Người ta vẫn nói, khách hàng là thượng đế. Nhưng thượng đế ngày xưa cũng có cách ứng xử khác với ngày nay” - vị nhiếp ảnh gia sinh năm 1954 nói.
Ông Nguyễn Văn Thái có gần 40 năm kiếm sống bằng nghề chụp ảnh dạo hồ Gươm. |
Ông Thái cho biết, thời trước, khi đi chụp ảnh, khách thường gọi những người làm nghề như ông bằng cái tên đầy tôn trọng: Bác thợ ảnh.
“Tuy nhiên bây giờ, người ta gọi chúng tôi bằng đủ thứ tên. Có cái tên thể hiện sự trân trọng nhưng cũng có những cái tên chỉ vẹn vẹn bằng 1 chữ: Ê …” - ông Thái chua chát tâm sự.
Không những thế, nhiều vị khách còn cố tình đùa giỡn với sức lao động của các nhiếp ảnh. Họ yêu cầu nhiếp ảnh gia đi theo để chụp cả trăm tấm ảnh nhưng chỉ rửa vài tấm.
“Chúng tôi không tính tiền bấm máy mà chỉ tính 25 - 30 nghìn cho một bức ảnh rửa. Vì vậy, những trường hợp chỉ chụp mà không rửa sẽ rất thiệt thòi cho công sức của chúng tôi” - vị nhiếp ảnh trải lòng.
Đồng quan điểm với ông Thái, nhiếp ảnh gia có 5 năm chụp ảnh dạo khu vực hồ Gươm Nguyễn Thị Hương (SN 1983) cũng khá bức xúc với câu chuyện này.
Nữ nhiếp ảnh cho biết, chị cũng từng gặp một khách hàng, ăn mặc sang chảnh, người đeo đầy trang sức nhưng ứng xử lại quá tệ.
“Chị ta gọi tôi đi theo và tạo dáng ở khắp các góc hồ. Thế nhưng, khi chốt số lượng ảnh để rửa thì chị ta bảo, không có tiền” - chị Hương nói.
Vụ đó, chị Hương chịu thiệt thòi chứ không muốn làm ầm ĩ. Nhưng, cũng từ đó, chị rút ra được kinh nghiệm cho bản thân, phải thỏa thuận rõ ràng với khách ngay từ khi bắt đầu hợp tác.
“Khách cũng có nhiều kiểu, có những khách “củ chuối” nhưng cũng có những khách rất đáng thương” - chị Hương nói tiếp.
Đó là những người nông dân hoặc người vùng cao. Ước mơ của họ chỉ là một lần được đến Hà Nội, thăm lăng Bác Hồ rồi ghé qua hồ Gươm.
Tuy nhiên, cũng chính vì lần đầu đến với phố phường đông đúc, mọi thứ đều lạ lẫm nên họ bị cuốn hút bởi mọi thứ xung quanh. Họ dễ tin người và không có tâm lý đề phòng khi đi vãn cảnh.
“Ở đây, lực lượng an ninh làm việc nghiêm ngặt nên tình trạng móc túi, trộm đồ ít xảy ra. Thế nhưng, hãn hữu vẫn có trường hợp, kẻ trộm cắp trà trộn để móc đồ của người dân” - chị Hương nói.
Khu vực bờ hồ mỗi ngày có tới hàng chục nhiếp ảnh hoạt động. |
Có lần, chị đã tận mắt chứng kiến một đôi vợ chồng, ăn mặc quê mùa, dẫn đứa con đi dạo bờ hồ. Đang đi dạo thì đứa trẻ đòi sang phía kia đường để đi xem hàng quán. Xem xong, người mẹ mới giật mình khi phát hiện chiếc ba lô cũ kỹ chị đeo trên vai đã bị rạch toang. Chiếc ví tiền trong đó cũng không cánh mà bay.
“Cả hai vợ chồng hốt hoảng. Người chồng chạy khắp khu vực bờ hồ để tìm kiếm còn người vợ thì khóc nức nở”- nữ nhiếp ảnh nhớ lại.
Vụ đó, một nhiếp ảnh trẻ tuổi thấy thương tình người mẹ nghèo nên rỉ tai cho bà kẻ móc túi.
“Người mẹ cũng chạy lại chỗ kẻ gian, khóc lóc van xin được trả lại tiền vì đó là số tiền bà dành dụm để đưa con đi chữa bệnh. Tuy nhiên, kẻ móc túi này không thừa nhận. Hắn ta còn gọi người nhiếp ảnh ra và đánh 1 trận túi bụi” - người phụ nữ sinh năm 1983 kể lại.
Từ vụ đó, những nhiếp ảnh gia như chị Hương hay những người kiếm sống ở khu vực đều tự tuân thủ 1 quy tắc ngầm: “Nước sông không phạm nước giếng”. Họ ít khi can thiệp nếu sự việc không liên quan đến mình.
“Không phải mình sống vô cảm, thấy người bị nạn mà không lên tiếng cứu giúp. Tuy nhiên, cứu người không đúng cách thì chẳng khác nào chuốc họa vào thân” - chị Hương bộc bạch.
Tác giả: Minh Anh - Diên Vỹ
Nguồn tin: Báo VietNamNet