Số hóa

Người chơi đã ngán Pokemon Go?

Theo số liệu mới nhất từ công ty chuyên theo dõi ứng dụng di động Slice Intelligence, số người chơi trả tiền cho ứng dụng Pokemon Go tại Mỹ đã giảm đến 80% so với thời đỉnh điểm hồi giữa tháng 7.


Một nhóm bạn trẻ đậu xe dưới lòng đường để bắt Pokemon ngay trước chợ Hàn, TP Đà Nẵng - Ảnh: T.Trung

Trước đó, một số công bố từ các công ty nghiên cứu thị trường cũng đã xác nhận Pokemon Go đã mất hơn 15 triệu người chơi, và con số có vẻ đang ngày càng giảm hơn.

Hết hứng thú

Tại Việt Nam dù không có con số thống kê cụ thể nhưng qua quan sát, những người quan tâm có thể nhận thấy độ “nóng” của Pokemon Go đã suy giảm rất nhiều. Từ những thông tin, bình luận, chia sẻ về Pokemon Go trên các diễn đàn, mạng xã hội cho đến những điểm “nóng” ngoài thực tế - vốn trước đây luôn có rất đông bạn trẻ đi săn Pokemon.

Chị Ngọc Thiện (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết trước đây (khoảng cuối tháng 8) rất nhiều người trong công ty chị tranh thủ giờ nghỉ trưa ra công viên để đua nhau “săn” Pokemon. Phong trào sôi nổi đến độ trong công ty còn lập nhóm trên Skype để thảo luận, bàn tán.

“Nhưng chỉ được một thời gian rồi mọi người cũng hết hứng thú, phần vì ai cũng bận làm việc, không dư thời gian rảnh để theo trò chơi, nên đến giờ công ty gần như không còn ai chơi trò này nữa”, chị Thiện kể.

Chị Thanh Trúc, nhân viên một công ty truyền thông (Quận 3, TP.HCM) cho biết lúc đầu chơi thì vui vì game tương tác cao, không phân biệt giới tính người chơi rõ rệt như các game khác. Chị Trúc chia sẻ lí do chơi Pokemon Go của mình: “Tôi thấy nhà nhà đều chơi, người người đều chơi nên dễ dàng chia sẻ với nhau. Nhiều người thích vì được đóng vai đi săn như bộ phim hoạt hình đã ăn sâu vào máu lúc nhỏ”.

Tuy nhiên, chị Trúc cũng khẳng định “chỉ chơi theo trào lưu để trải nghiệm” nên khi phong trào hết, chị cũng không còn “mặn mà” với Pokemon Go nữa.

Hiểu rõ về cách chơi hơn, anh Minh Tùng (Quận 3, TP.HCM) cho rằng Pokemon Go “vẫn chưa hoàn thiện vì khác định dạng gốc cốt truyện cũng như cách chơi cũ. Người chơi không được huấn luyện mà phải đi lòng vòng kiếm Pokemon để lấy kẹo (candy) rồi mới nâng cấp cũng như tăng chỉ số chiến đấu CP".

"Nếu người chơi muốn thể hiện kỹ năng thì phải đi đánh tại các Gym nhưng Gym lại thiên quá nhiều về các con mạnh như Dragonite, Vaporeon, Snorlax, Exeggcutor… Do đó, người chơi không đủ cấp độ mạnh sẽ chẳng đi đánh Gym làm gì”.

Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy rất nhiều người tham gia chơi Pokemon Go bởi sự nóng sốt theo phong trào trên mạng, vì tò mò muốn biết chuyện ra sao nên mới chơi thử. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, khi đã trở nên quen thuộc và hiểu rõ về trò chơi, rất nhiều người đã gỡ bỏ Pokemon Go khỏi điện thoại vì “không muốn phí phạm thời gian”.

Sớm nở tối tàn

Tính đến thời điểm này, Pokemon Go mới chỉ phát hành hơn 2,5 tháng nhưng trò chơi đã lập được rất nhiều kỷ lục trong làng công nghệ thế giới. Mặc dù vậy, Pokemon Go có vẻ vẫn chưa phải là trường hợp ngoại lệ thoát khỏi quy luật vòng đời ngắn ngủi của game di động.

Riêng tại thị trường Việt Nam, ông Trần Viết Quân - có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển, tiếp thị game và ứng dụng di động - cho rằng việc Pokemon Go không còn sức hút nữa cũng là điều không mấy khó hiểu mặc dù nó đang nắm giữ nhiều kỷ lục của thế giới.

“Đại đa số các sản phẩm phần mềm như game đều có vòng đời của nó, có dòng sản phẩm vòng đời rất lâu, cũng có sản phẩm “hot” trong thời gian ngắn hoặc có sản phẩm người chơi chỉ chơi giải trí khi có thời gian rảnh rỗi".

"Vòng đời của các sản phẩm game thì tuỳ thuộc vào loại hình trò chơi, kịch bản trò chơi và tính cân bằng trong trò chơi. Do vậy nên hiện tại chưa thể kết luận là Pokemon Go đã hết vòng đời của game. Tuy nhiên cũng như bất kỳ trò chơi nào sau thời điểm đỉnh cao thì lượng người chơi sẽ sụt giảm xuống”, ông Quân phân tích.

Với Pokemon Go, ông Quân cho rằng trò chơi này có thể đã đạt được ngưỡng người chơi tối đa trong cùng một thời điểm (CCU) tại Việt Nam. Việc sụt giảm lượng người chơi theo ông Quân có thể phỏng đoán qua một số lý do.

Thứ nhất, trò chơi đã không nằm trong xu hướng “hot” nữa do vậy lượng người chơi mới cũng sụt giảm.

Thứ hai, trò chơi dù hay nhưng đòi hỏi người chơi phải tương tác thực nên sẽ làm mất thời gian của nhiều người khiến họ không có nhiều thời giờ dành cho trò chơi.

Thứ ba, tại Việt Nam có rất nhiều người chơi có thể sử dụng máy tính hay sử dụng công cụ khác tác động vào trò chơi để giành điểm số cao mà không cần phải ra ngoài đời thật, từ đó làm giảm tính cân bằng trong trò chơi và gây bức xúc với người chơi khác.

Ba lý do trên có thể là những phỏng đoán về nguyên nhân Pokemon Go không còn “hot” nữa.

Trong khi đó, theo phân tích từ Slice Intelligence, người dùng rời bỏ Pokemon Go cũng đồng nghĩa với sức hút của trò chơi đã suy giảm, hay nói theo cách khác, kịch bản trò chơi không thể níu kéo người chơi ở lại lâu dài. Đồng thời, nhà sản xuất Niantic cũng không có những cập nhật, bổ sung tính năng mới hấp dẫn để giữ chân người chơi.

Tác giả bài viết: Đức Thiện

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP