Trong tỉnh

Ngư dân Nghệ An kể chuyện đời đi biển

Biết nghề đi biển khó khăn, vất vả nhưng anh Trần Đình Long (49 tuổi), ngụ tại thôn Lam Sơn, xã Quỳnh Lập, Thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An vẫn “bám biển”. Với những ngư dân như anh, biển mang lại cuộc sống đầy đủ, sung túc hơn nhưng biển cũng lấy đi cuộc sống bất cứ lúc nào.

Nhọc nhằn đời bám biển

Trong một chuyến đi thực tế về Nghệ An, chúng tôi đến cảng biển Quỳnh Lập, nơi mà có thể thấy những khay mực, khay cá tươi ngon cùng với những tiếng cười vui vẻ của những người dân chất phác nơi đây.

Hôm đó là đúng ngày mà các đoàn thuyền cập bến rất đông. Sau khi cá, mực được đưa xuống cảng, mọi người hối hả những công việc như ướp cá đông lạnh, hấp cá, bán cá. Dù mệt nhọc nhưng khi nhìn những khay cá tươi ngon, những người dân phấn khởi hẳn.

Niềm vui của mọi người là được bận rộn trong những ngày thuyền cập bến. Ảnh: Trần Thùy.

Anh Trần Đình Long (49 tuổi), ngụ tại thôn Lam Sơn, xã Quỳnh Lập, Thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An đã bám biển nhiều năm nay. Được trò chuyện với anh, chúng tôi mới hiểu hơn về công việc đầy vất vả này.

Người dân Quỳnh Lập đi biển chủ yếu là “đi chụp” và “đi vây”, đây là hai cách đánh cá xa bờ, khoảng từ 15 đến 25 ngày là về một lần tùy vào việc có đánh được nhiều cá hay không. Còn đi gần bờ được người dân ở đây gọi là “đi giả”, thường thì chỉ 1 đến 2 ngày là về. Cá về sẽ được bán cho cho các nhà buôn lớn, hoặc sẽ được hấp hay sấy để bảo quản cá không bị ươn.

Anh Long cùng những người cùng tàu vận chuyển đồ lên cảng một cách nhanh nhất đề đảm bảo cá mực được tươi ngon. Ảnh: Trần Thùy.

Anh Long bảo, với ngư dân, biển là cuộc sống. Nghề biển tạo ra nhiều các công ăn việc làm không chỉ cho đàn ông mà cả phụ nữ. Trong khi đàn ông ra khơi đánh cá, hay ở nhà sản xuất đá lạnh,... thì phụ nữ sẽ đảm nhiệm công việc vá lưới, may dù,... Nhưng đời người đi biển hàng ngày phải đối mặt mới nhiều tai ương và có khi bị tước đi sinh mạng bất cứ lúc nào.

Đánh cá ở biển chỉ hoạt động chủ yếu vào ban đêm – khi mà đa số mọi người đều đã đi vào giấc ngủ ngon lành. Có đến mấy chục cái bóng đèn hàng trăm oát hoạt động nên mắt họ cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Những lần được mẻ cá lớn, kéo lưới cũng khó khăn, họ làm việc hết sức mình để đánh được những con cá to nhất, ngon nhất. Bệnh đau lưng mỗi khi trở trời là những điều không thể tránh khỏi. Nếu vào những ngày trời động nổi gió thì phải vô cùng cẩn thận, nhiều rồi cũng quen nhưng không thể nói là không sợ được.

Anh Long cho biết thêm: “Đi biển xa bờ nên rất khó bắt được sóng, nhiều khi muốn gọi điện về cho gia đình cũng khó. Có những lần đi đến cả tháng cũng chưa về, nhiều khi đi xa quá, phải ghé vào một tỉnh ven biển nào đó để bán cá, mua thêm đá lạnh, mua thêm dầu và cả lương thực để tiếp tiếp tục cuộc đánh bắt, lúc đó mới tranh thủ gọi về được cho gia đình”.

Anh Long – một trong những người gắn bó với công việc đánh bắt gần 20 năm. Ảnh: Trần Thùy.

Khoảng lặng sau những chuyến đi biển

Khi xong xuôi công việc ở cảng, chúng tôi theo chân anh Long về nhà. Sau khi rời biển về nhà, người ngư dân này lại trở thành người nông dân đích thực. Nhà anh làm nông, trồng lúa, trồng ngô,.. Vườn nhà anh có đầy đủ các loại rau, quả : rau mùng tơi, rau ngót, rau đay,.. quả na xiêm, vải thiều, ổi,.. Chiều anh lại giúp vợ tưới vườn, nhổ cỏ.

Hình ảnh bình dị của anh Long trong cuộc sống tạm rời biển. Ảnh: Trần Thùy.

Được biết gia đình anh Long có năm con. Chị Phượng – vợ anh ở nhà trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn. Tuy công việc còn gặp nhiều khó khăn và gia đình cũng đông con, nhưng anh chị vẫn cố gắng nuôi các con ăn học đầy đủ.

Trước đây anh là trưởng của một con tàu, nhưng vì lúc ấy việc đánh bắt không thuận lợi, làm ăn hay thua lỗ, nên anh đã phải bán tàu và về chung cổ phần với anh em, hàng xóm để sắm lại một con tàu mới. Khoảng thời gian lúc đó cũng là khoảng thời gian anh phải nuôi cùng lúc năm đứa con đi học: hai đứa đang học đại học, một đứa học cấp 3, một đứa học cấp 2, đứa còn lại học cấp 1.

“Đó thực sự là khoảng thời gian khó khăn nhất của gia đình chúng tôi. Đứa con thứ hai của chúng tôi có ý định bỏ dở việc học vì thấy thương bố mẹ. Nhưng cũng may, chúng tôi an ủi nó mãi, cuối cùng nó cũng chịu học tiếp. Bây giờ nó là giáo viên mầm non rồi đấy. Công nhận, cái công sức mình nuôi dạy nó thật không uổng tí nào mà” – anh chia sẻ.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Gia đình và Xã hội, làng Quỳnh Lập hầu như rất ít gia đình cho con học đại học. Chủ yếu học hết cấp ba. Con gái học xong nếu không lấy chồng thì sẽ học làm nghề lưới, học làm cá, còn con trai sẽ đi biển. Vậy nên, việc gia đình anh nuôi các con đi học được cả làng coi như một “kỳ tích”, đặc biệt lại là năm đứa con.

“Nếu không phải nuôi chúng nó đi học đầy đủ, có khi giờ tôi cũng xây được cái nhà mươi tầng rồi”, anh vừa cười vừa nói, nhưng rồi vẫn là ánh mắt xa xăm, anh nói thêm: “Tôi đùa thế thôi, chứ nghề biển khổ lắm, tôi không muốn chúng nó phải khổ như bố mẹ chúng nó. Cố gắng học sau này có cái công việc ổn định thì chúng tôi cũng mừng”.

Tác giả: Trần Thùy

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP