Trong nước

Ngổn ngang sau phiên tòa

Pháp luật công bằng với bị cáo lẫn bị hại. Có lẽ vì vậy mà sự mất mát, nỗi tang thương không cách nào nhanh chóng nguôi ngoai

“L. ơi, sao con nỡ bỏ mẹ mà đi! Con ơi...” - mẹ bị hại gào khóc. Nước mắt phủ ngập đôi mắt, đọng trong những nếp nhăn chằng chịt trên khuôn mặt bà. Tang thương, phẫn hận bao trùm phiên tòa lưu động xét xử vụ án giết người đối với bị cáo Ngô Văn Phong (SN 1987, ngụ quận 12, TP HCM). Vì bênh vợ, Phong đã cầm dao đâm chết anh L. (quê Nghệ An).

Mong muốn “mạng đền mạng”

Mặc đường sá xa xôi, gần 20 người nhà bị hại đã lặn lội từ Nghệ An vào TP HCM, chứng kiến hung thủ vụ án chịu tội trước pháp luật. Cha, mẹ, chú, bác, anh, chị… có mặt đông đủ, đầu quấn khăn tang, tay ôm di ảnh người đã khuất. Khi bị cáo Phong bước vào, mẹ anh L. khóc không thành tiếng, nghẹn ngào gọi tên con.

Dù là đại diện gia đình bị hại trước tòa nhưng cha anh L. quá xúc động, nói không nên lời. Người chú đứng dậy trình bày nguyện vọng trước tòa. Ông cho biết gia đình mình tôn trọng, chấp nhận kết luận điều tra.

“Vẫn biết thế song chúng tôi không khỏi phân vân vì sự việc do một bên thuật lại, không đối chứng. Bình thường cháu tôi hiền lành, không hề gây gổ. Dù thế nào đi nữa thì chuyện cháu tôi bỏ mạng vì nhát dao của bị cáo là sự thật. Bây giờ, người đầu bạc cay đắng tiễn người đầu xanh. Thiết nghĩ, loại người như bị cáo giống mụn nhọt trên cơ thể con người, không thể chữa trị thì nên cắt bỏ” - chú của L. bày tỏ.

Cắt lời ông, chủ tọa phiên tòa từ tốn: “Chúng tôi xử án dựa trên hồ sơ, chứng cứ. Ngoài lời khai của bị cáo, cơ quan điều tra còn lấy lời khai của những người chứng kiến sự việc hôm đó. Tôi khẳng định kết quả điều tra minh bạch, khách quan, không bỏ lọt tội ác”.

Lời giải thích của vị chủ tọa dường như không thể dập tắt mong muốn “mạng đền mạng” của người thân bị hại. Bởi vậy, luật sư bào chữa cũng không tránh khỏi những lời nhiếc móc từ gia đình L.

Suốt phiên tòa, người mẹ lả đi, gục vào người cháu ngồi sát bên.


Nỗi đau để lại của vụ án hằn rõ trên nét mặt của thân nhân bị hại

Hai bên đều sai

Trước tòa, bị cáo Phong thuật lại sự việc. Như thường lệ, tối 12-8-2015, Phong chở O. (vợ hờ, 2 người có một con chung) đến gần Công viên Phần mền Quang Trung (quận 12, TP HCM) hành nghề mại dâm. Trong lúc O. đợi khách, Phong dựng xe cách đó 50 m. Một lát sau, anh L. (đang say rượu) đến hỏi mua dâm. O. nghi ngờ L. là công an nên từ chối và bỏ đi. L. đuổi theo, giở trò sàm sỡ. O. tri hô liền bị L. đánh túi bụi. Đứng từ xa, Phong thấy L. nắm đầu, nhằm mặt vợ mình đấm tới tấp. Phong xông tới thì bị đối phương đánh ngã. Phong quay lại xe lấy con dao để sẵn trong cốp. “L. xông đến bất ngờ nên bị cáo… lỡ tay” - Phong lí nhí. Hơn một ngày sau, Phong mới ra trình diện.

Nghe xong, chủ tọa phiên tòa khẳng định chỉ có bảo kê, ma cô mới mang theo dao hòng đâm chém, hù dọa người khác, giành địa bàn làm ăn. Bên dưới, nhiều người tán thành lập luận này.

Khi đại diện VKS hỏi, Phong thừa nhận mình biết và đồng ý với việc vợ hành nghề mại dâm.

“Bị cáo thấy mình có đáng mặt đàn ông không?” - đại diện VKS gay gắt. Phong nín lặng. Hình như đoán trước vợ và người nhà không xuất hiện nên suốt phiên xử, bị cáo này không hề quay xuống dưới.

Gửi lời xin lỗi, chia buồn đến gia đình bị hại, luật sư cho rằng sự việc xảy ra có một phần lỗi từ phía nạn nhân. Hai bên đều sai khi không kiểm soát tốt lý trí. Do đó, luật sư xin HĐXX cân nhắc khi lượng hình. TAND TP HCM tuyên phạt bị cáo Phong 20 năm tù về tội “Giết người”.

HĐXX tuyên bố bế mạc phiên tòa, bị cáo ra xe dẫn giải, mọi người kéo nhau ra về. Chỉ còn gia đình bị hại vẫn ngồi im, thẫn thờ. Người mẹ vẫn khóc. Nhiều người khuyên nếu thấy bản án không thỏa đáng, gia đình có thể kháng cáo.

Pháp luật công bằng với bị cáo lẫn bị hại. Có lẽ vì vậy mà sự mất mát, nỗi tang thương không cách nào nhanh chóng nguôi ngoai.

Luật sư bào chữa thở dài: “Chẳng biết cô vợ hờ có nuôi nấng đứa con tử tế hay đi nương nhờ “bến” mới. Biết đâu lại có thêm những đứa trẻ không giấy khai sinh hay bị cáo Phong thứ hai?”. Như ông, nhiều người ra về mà lòng suy nghĩ ngổn ngang.

Thất tình

Anh L. vừa trở về nước sau mấy năm đi xuất khẩu lao động. Có ít vốn liếng, anh dự tính lập gia đình, chẳng ngờ người yêu đòi chia tay.

Vì thất tình nên L. uống rượu giải sầu và rất có thể đây là nguyên cớ khiến anh không kiềm chế được bản thân để rồi rước họa.

Tác giả bài viết: Di Lâm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP