Kinh tế

Ngổn ngang dự án đô thị Đại học Đà Nẵng 'treo' 22 năm

Chính quyền Đà Nẵng, Quảng Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc từ hệ lụy do dự án 'treo' hơn 22 năm qua.

Cuộc sống “cực khổ” của người dân trong vùng quy hoạch dự án đô thị Đại học Đà Nẵng

Năm 2020, dự án đô thị Đại học Đà Nẵng dự kiến sẽ “tái khởi động”. Tuy nhiên, hiện chính quyền Đà Nẵng, Quảng Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc từ hệ lụy do dự án treo hơn 22 năm qua.

Mọi dự định đều ngổn ngang

Dự án đầu tư xây dựng Làng đại học Đà Nẵng (dự án đô thị Đại học Đà Nẵng) được Chính phủ phê duyệt vào ngày 4/3/1997, với số vốn trên 7.000 tỉ đồng, xây dựng trên khu đất có diện tích 300ha, trong đó, 190ha thuộc thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) và 110ha thuộc quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng). Sau 22 năm, dự án mới chỉ có 3 cơ sở được hoàn thiện cơ bản, gồm: Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin, Khoa Y Dược, Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Đà Nẵng).

Nhà ở lụp xụp cũ nát, xen lẫn nhà hoang; vườn tược xác xơ, cây dại mọc um tùm giăng cả lối đi… là khung cảnh tồn tại nhiều năm qua tại các khu dân cư phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) và phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), nằm trong lòng dự án đô thị Đại học Đà Nẵng.

Hơn 22 năm kể từ khi có dự án đô thị Đại học Đà Nẵng cũng là chừng ấy thời gian hàng nghìn hộ dân trong vùng quy hoạch dự án đô thị Đại học Đà Nẵng sống trong thấp thỏm, lo âu, chồng chất khó khăn.

Nhắc đến dự án đô thị Đại học Đà Nẵng, ông Nguyễn Quang Khánh (60 tuổi, tổ 62, An Hải 1, phường Hòa Quý) giọng buồn buồn: “Nói thế chứ biết đến khi nào giải tỏa, di dời. Hơn 20 năm nay, dự án treo nên đất đai bỏ hoang, vợ chồng tôi phải đi làm “thợ đụng”, ai thuê gì làm nấy để chật vật nuôi 3 đứa con”.

So với ông Khánh, hoàn cảnh nhà bà Trường Thị Thảo còn éo le hơn. Chồng bà bị bệnh nặng, nằm một chỗ bao năm nay, một mình bà lo cáng đáng cả gia đình. Người con gái đầu lấy chồng, sinh con không có chỗ ở, đành chen chúc nhau về sống dưới mái nhà tôn cũ nát, ọp ẹp của bà Thảo. Nhiều lúc, bà Thảo muốn sửa sang lại nhà cửa cho chắc chắn, nhưng vì nhà bà đã nằm trong vùng dự án, nên không thể.

Bà Lê Thị Thêm (tổ 61, An Hải 1, phường Hòa Quý) cho hay, cách đây 22 năm, nghe tin xây dựng đô thị đại học, ai cũng mừng. Nhưng, 22 năm trôi qua, không chỉ con cái lập gia đình sinh con đẻ cái, mà cháu nội, cháu ngoại lớn lên dựng vợ, gả chồng hết rồi, mà dự án vẫn không thấy triển khai, khiến cuộc sống người dân dở dang mọi dự định.

Đây cũng là tình cảnh chung của hàng nghìn hộ dân Quảng Nam, Đà Nẵng nằm trong vùng quy hoạch dự án đô thị Đại học Đà Nẵng. Cuộc sống người dân tại các khu vực này vốn đã nghèo khó, cùng với những bất cập, khó khăn từ dự án treo 22 năm nay khiến cho đời sống của người dân rơi vào tình cảnh “đi không được, ở cũng không xong”.

Theo ông Huỳnh Kim, Chủ tịch UBND phường Hòa Quý, hiện nay, tại phường có gần 900 hộ nằm trong khu quy hoạch dự án đô thị Đại học Đà Nẵng. 22 năm qua, người dân nằm trong vùng quy hoạch dự án phải gánh chịu những điều kiện sống hết sức hạn chế, nhà cửa xuống cấp, hạ tầng điện nước hư hỏng, điều kiện đi lại học tập của con em khó khăn… Dự án treo kéo dài khiến cho công tác quản lý nhà nước tại các khu dân cư cũng gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Ông Phan Văn Huyến, Chủ tịch UBND phường Điện Ngọc cũng cho biết: Hiện có khoảng hơn 2.300 hộ dân sinh sống tạm bợ trong khu quy hoạch dự án đô thị Đại học Đà Nẵng. “Dự án treo hơn 22 năm đã nảy sinh nhiều hệ lụy, trong đó có tình trạng xây dựng công trình trái phép. Đến nay, tình trạng xây dựng công trình trái phép trong vùng quy hoạch dự án vẫn diễn ra hết sức phức tạp, chính quyền không thể kiểm soát”, ông Huyến lo lắng.

Nan giải GPMB, tái định cư

Chính quyền không thể kiểm soát được tình trạng xây nhà trái phép trong vùng quy hoạch dự án

Ông Trần Úc, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho hay: Vấn đề lo lắng nhất của chính quyền địa phương khi dự án đô thị Đại học Đà Nẵng “tái khởi động” là công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Hiện số lượng công trình nhà cửa, kể cả công trình xây dựng trái phép, hộ dân tăng gấp nhiều lần so với thời điểm phê duyệt dự án.

Ngày 24/12, tại buổi tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu HĐND TP Đà Nẵng cho hay, liên quan đến dự án này, TP Đà Nẵng đã nhiều lần làm việc trực tiếp và có văn bản gửi Trung ương để kiến nghị, đề xuất Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai. Tới thời điểm này, đã xác định công tác giải tỏa đền bù dự án đô thị Đại học Đà Nẵng sẽ được thực hiện trong năm 2020. Dự kiến kinh phí triển khai giải tỏa đền bù dự án khoảng 1.000 tỷ đồng, trong năm 2020 bố trí trước 500 tỷ đồng.

Theo PGS. TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, dự án đô thị Đại học Đà Nẵng là dự án có quy mô lớn, phức tạp. Nguyên nhân dự án quy hoạch treo nhiều năm là do vốn ngân sách Nhà nước khó khăn; dự án liên quan đến nhiều bộ, ngành và hai địa phương nên thủ tục đầu tư phức tạp, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết thêm, vấn đề khó nhất hiện nay khi triển khai dự án đô thị Đại học Đà Nẵng là công tác giải tỏa, tái định cư. Hiện TP đã chủ động giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất đầu tư ngay khu đất 22ha, dùng ngân sách của TP để giải quyết.

Tác giả: Đại Thắng

Nguồn tin: Pháp luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP