Câu chuyện của gia đình gồm 3 người: vợ chồng bà Hà Thị Cúc, ông Chu Văn Mai cùng con trai Chu Văn Vinh (30 tuổi) đang điều trị vì ngộ độc nấm tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) khiến y, bác sĩ đều rơi nước mắt.
Nằm trong khu hồi sức tích cực tại Trung tâm chống độc, bà Hà Thị Cúc tỉnh táo nhất. Bà kể, hôm đó (sáng 20/3) chồng đi rừng về, hái nấm về nấu bà đã bảo chồng và con đừng ăn, sợ nấm độc. Nhưng đi làm về đói bụng, lại nghĩ bao năm ở đây ăn nấm không sao nên ông Mai vẫn nấu lên cho hai bố con ăn.
“Khuyên không được, tôi nào dám ăn, chỉ dám ăn tí thịt trong nấm. Để giờ, cả nhà nằm đây, bán hết cả gia tài, vay mượn rồi mà chưa biết sống chết ra sao”, bà Cúc nức nở.
Bà Cúc đau đớn vì không thể đánh đổi được mạng sống để cứu con. Bà đau đớn, vì không ngăn được chồng và con ăn nấm, để giờ đây người con trai duy nhất trong gia đình đã không thể qua khỏi.
Bà Cúc cho biết thêm, từ hôm 26/3, nghe bác sĩ giải thích tình trạng bệnh nhân với con gái lớn của bà, bà được biết con trai vẫn hôn mê chưa tỉnh, gan gần như không còn hoạt động, khả năng không qua khỏi là rất lớn. Trong khi đó, chi phí điều trị quá lớn, gia đình đang nợ bệnh viện đến hơn 100 triệu nên các con định xin cho anh về.
“Bác sĩ bảo tình hình anh trai em nguy kịch lắm, sống được chỉ nhờ máy móc, rời ra chắc khó sống lắm. Ai cũng thương anh nhưng thực sự gia đình hết cách rồi, xin anh về đau lắm chứ, nhưng quả thực chúng em hết cách”, em Chu Thị Quỳnh, con gái út bà Cúc cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, dù bệnh nhân hôn mê tiên lượng khó qua khỏi, gia đình xin cho anh về để cứu bố mẹ, nhưng làm như vậy quá đau đớn nên chúng tôi vẫn động viên gia đình cố hết sức. Còn nước còn tát, đến khi không thể cứu được thì thôi. Mọi vấn đề chi phí khoa vẫn dẹp ra một bên, kí bảo lãnh để dù không có tiền bệnh nhân vẫn được lọc máu (khoảng 20 triệu/ngày), thở máy, hồi sức tích cực, giải độc tốt nhất… để mong có cơ hội cứu người bệnh, cứu cả gia đình.
Theo bà Cúc, bình thường gia đình bà cũng đủ ăn, chưa bao giờ bị đói vào tháng giáp hạt vì cả hai ông bà đều bươn chải kiếm sống. 3 đứa con gái, 1 đứa đã lấy chồng, 2 đứa làm công nhân. Còn Vinh là con trai duy nhất trong gia đình, đã 30 tuổi, ở nhà nhưng cần cù cày sâu cuốc bẫm, đi nương. Với 8 sào ruộng, 5 con trâu, gia đình không bị đói.
Năm ngoái họp, xã đã động viên gia đình bà Cúc mua bảo hiểm, vẫn cứ định năm nay mua, chưa kịp mua thì đã xảy ra cơ sự này. Để giờ gặp nạn, đã bán hết 5 con trâu được 50 triệu, con cái chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp họ hàng, rồi được chính quyền xã hỗ trợ 5 triệu đồng, chính quyền huyện hỗ trợ 15 triệu, số tiền cũng được gần 200 triệu. Giờ số tiền điều trị trong 5 ngày đã trên 300 triệu, còn nợ viện phí cả 100 triệu.
“Tôi đã nói có gì bán hết. Giờ còn cái sổ đỏ căn nhà cấp 4 có phải cắm cũng cắm để lấy tiền chữa cho con. Chồng tôi cũng đòi về để dồn tiền chữa cho con nhưng bác sĩ không cho, vì về là chết. Nếu có cơ hội cứu con trai, bán nhà, đánh đổi mạng sống tôi cũng chịu để cứu con. Nó là đứa con trai duy nhất trong nhà, nó mà chết đi…”, bà Cúc lại khóc lịm.
Chồng bà Cúc, ông Chu Văn Mai dù còn tỉnh táo nhưng men gan cao chót vót, chức năng gan bị suy, tiên lượng vẫn rất dè dặt. Khi nghe các con nói về tình trạng của con trai, ông đau đớn thốt lên: “Tuyệt tự rồi, nhà tôi tuyệt tự rồi. Sống tôi cũng ân hận cả đời. Cả nhà cố vay mượn, bán nhà, bán cửa đi để cứu nó. Các con cho bố về, để cứu em”.
Thế nhưng, căn nhà cấp 4 chưa kịp bán, tình trạng của bệnh nhân Vinh đã rất nặng, không có tiến triển, tiên lượng tử vong gần như chắc chắn nên chiều 27/3, người nhà đã làm thủ tục xin cho bệnh nhân về lo hậu sự.
Người bệnh có cơ hội sống
BS Nguyên cho biết, hiện nay sau một tuần điều trị, bà Cúc 90% thoát khỏi cửa tử vì bị nhẹ nhất, chỉ ăn ít nước và thịt trong nồi canh nấm. Còn ông Mai vẫn đang trong tình trạng nặng, đe dọa tính mạng, suy gan vẫn phải điều trị tích cực nhưng cơ hội sống là có.
Do các bệnh nhân đều không có BHYT, nên chi phí điều trị đội lên rất lớn, đến hơn 300 triệu chỉ trong vài ngày. “Nếu có bảo hiểm, họ được thanh toán đến 80% chi phí điều trị, gánh nặng sẽ nhẹ đi rất nhiều. Chúng tôi đang lo, gia đình khó khăn quá, ông bố đòi về thì người bệnh sẽ không có cơ hộ sống. Bởi việc điều trị cho bệnh nhân vẫn phải lọc máu, hồi sức, với chi phí hàng trăm triệu đồng nữa. Vì thế, hiện Trung tâm đang cùng với Phòng công tác xã hội của bệnh viện kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng, san sẻ bớt gánh nặng chi phí cho gia đình người bệnh.”, BS Nguyên lo lắng nói.
Các con bà Cúc, ông Mai vẫn vừa chia ra người chăm sóc bố mẹ, người về lo hậu sự cho em, người chạy đôn chạy đáo tìm cách bán nhà, cắm sổ đỏ để lấy tiền cứu chữa cho bố mẹ. Đôi vợ chồng già dù đau đớn vật vã vì đã mất đi người con trai duy nhất trong gia đình…vẫn đang phải gắng gượng để vượt qua nỗi đau, vượt qua bệnh tật.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
Bà Hà Thị Cúc, ông Chu Văn Mai (xóm Bãi Hào, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn). Hiện ông bà đang điều trị tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) .
Số điện thoại con gái Chu Thị Thoa: 01676200096.
Tác giả bài viết: Hồng Hải
Nguồn tin: