Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam vừa cấp bằng sáng chế độc quyền cho 5 sáng chế về máy in ba chiều (3D) mà sử dụng các chất liệu rất thông dụng. Các sáng chế này có mã số từ 15677 đến 15681, tất cả do TS. Trần Thế Trung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT đứng tên.
Không chỉ là một nhà khoa học, TS. Trung còn yêu thích việc truyền đạt kiến thức, cảm hứng nghiên cứu khoa học cho mọi người, nhất là những người trẻ.
Tuy cả 5 sáng chế đều có tên giống hệt nhau nhưng các máy in 3D này khác nhau về cơ cấu (có hoặc không có bộ phận chuyển động) và khác nhau về cơ chế hoàn thiện sản phẩm ở công đoạn cuối. Các sáng chế số 15677 - 15680 sử dụng vật liệu là xi măng và bột mì, bột ngũ cốc, đường, muối; trong khi đó, sáng chế thuộc bằng độc quyền số 15681 lại sử dụng nhựa nhiệt dẻo, thủy tinh và kim loại.
Cả 5 bằng sáng chế này có hiệu lực từ ngày cấp, thời hạn 20 năm tính từ ngày nộp đơn..
Theo ông Trần Thế Trung, các sáng chế này tập trung vào việc đưa ra thiết kế để máy in 3D in nhanh hơn so với loại máy in phun sợi nhựa thông dụng trên thị trường. Máy sử dụng các các nguyên vật liệu phổ thông rẻ tiền, không giống như loại in nhanh chỉ dùng được vật liệu đắt tiền là loại nhựa lỏng đông cứng bằng phản ứng quang hóa.
Chia sẻ về ý tưởng ra đời của các bằng sáng chế này, TS. Trung cho biết: “Trong quá trình sử dụng máy in 3D tại nơi làm việc, tôi đánh giá được các loại máy hiện hành có một nhược điểm cơ bản là in khá chậm. Bởi vậy, tôi đã nghiên cứu đưa ra các sáng chế nhằm cải thiện tốc độ in”.
Sắp tới, TS. Trung dự kiến sẽ tiếp tục cải tiến các thiết kế, tối giản hóa kích thước, đơn giản hóa tính năng, thân thiện hơn với người sử dụng là cá nhân, hộ gia đình. Ông hy vọng trong tương lai gần, có thể chế tạo những chiếc máy in 3D sử dụng các vật liệu tiệm cận với nhu cầu sử dụng hàng ngày như chai nhựa, túi ni-lon,…
In 3D có hai ưu điểm lớn là công nghệ tạo mẫu nhanh và có thể chế tạo đầy đủ các chi tiết chỉ trong một lần thực hiện, điều mà các phương pháp in truyền thống không thể làm được. Ngày nay, công nghệ in 3D đang phát triển rất đa dạng, mỗi sản phẩm 3D có thể được in ra với nhiều loại vật liệu khác nhau (vật liệu dạng khối, dạng lỏng, dạng bột bụi). Với mỗi loại vật liệu cũng có nhiều phương thức để in như sử dụng tia laser, dụng cụ cắt, đùn ép nhựa…
Là tiến sỹ Vật lý Thiên văn, từng bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ở ĐH Versailles (Pháp), ông Trần Thế Trung đã lựa chọn về Việt Nam nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Hiện, ông đang công tác tại Viện nghiên cứu Công nghệ FPT (Trường Đại học FPT), đồng thời là giảng viên của trường đại học này.
Tác giả bài viết: Ngọc Phạm
Nguồn tin: