Ca sĩ Đông Nhi nhận được sự chia sẻ khi nói lời xin lỗi người hâm mộ sau phát ngôn gây tổn thương. |
Thật hiếm thấy một nghệ sĩ nào vướng “phốt” lại nghiêm túc đứng ra nói một lời xin lỗi chân thành. Hầu hết lại loanh quanh, không loại trừ cả việc tìm mọi cách “thanh minh thanh nga”, đổ lỗi sang cho người khác. Có người còn lớn tiếng tẩy chay cộng đồng mạng, tẩy chay cả người hâm mộ mình. Thật là khó hiểu.
Việc “ngâm” tiền người dân thông qua người nổi tiếng ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt; việc tự xưng “ông hoàng, bà chúa”, việc tự khoe số đo các vòng của cơ thể, rồi tự làm phim về “thân thế sự nghiệp” vốn chẳng tới đâu của mình; hay là việc dính vào lùm xùm tình ái,... trong giới nghệ sĩ không hiếm, nhưng cùng với việc chọn cách im lặng, hay là xin lỗi qua quýt, hoặc quăng lên facebook một bài văn sến súa nước mắt chan hòa... thì sau đó họ vẫn thản nhiên ngồi lại làng giải trí, khiến dư luận bức xúc.
Vì sao lời xin lỗi chân thành của nghệ sĩ khó đến thế? Thực ra nguồn cơn của nó chính là từ chỗ quá yêu bản thân, nghĩ mình đang đóng góp cho xã hội lớn lắm. Không ít người còn nghĩ mình được quyền đứng trên dư luận, coi thường cả pháp luật vì mình chính là hào quang rực rỡ.
Tất cả chỉ là ngộ nhận!
Văn hóa xin lỗi rất quan trọng, nó là sự văn minh nhưng đáng tiếc, nhiều nghệ sĩ vướng lùm xùm chỉ xin lỗi cho xong. Họ không nhận thức được lỗi lầm của mình. Cần phải hiểu rằng xin lỗi không đơn thuần là lời nói, kể cả đó là những dòng chữ đầy nước mắt trên mạng xã hội mà nó phải là sự nhận thức đúng đắn, một sự chân thành và sau đó phải là hành động để chuộc lỗi. Nếu chỉ xin lỗi “giả vờ” thì sẽ lại “ngựa quen đường cũ”, không dính vào scandal này thì sẽ dính vào vụ việc “ai oán” khác.
Đáng mừng là thời gian gần đây công chúng, nhất là những người thường xuyên sử dụng mạng xã hội đã rất tinh nhạy để phát hiện ra nghệ sĩ nào chỉ xin lỗi từ miệng mà không phải từ tâm. Công chúng cũng đã thể hiện sự quyết liệt hơn với những lùm xùm do “người của công chúng” gây nên. Trong đó, các hội nhóm anti, phản đối thói hư tật xấu của nghệ sĩ là ví dụ.
Nói như ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thì nghệ sĩ là bên cạnh một thân phận đặc biệt thì cũng là người bình thường, cũng có thể mắc lỗi và cần được tha thứ. Tuy nhiên, họ là những người được công chúng ngưỡng mộ nên ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, thái độ, hành vi, lối sống của công chúng, nhất là giới trẻ. Chính vì thế, vinh dự càng lớn thì trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ càng nhiều.
Đó là lý do xã hội khắt khe nhiều hơn với nghệ sĩ và chính họ cũng phải biết khắt khe với mình.
Mà muốn hình thành văn hóa xin lỗi trong làng giải trí, cùng với việc lên án, gây sức ép của dư luận xã hội thì cũng rất cần có “chế tài” với những nghệ sĩ quá đà, vi phạm pháp luật, hành xử trái thuần phong mỹ tục. Quý mến nghệ sĩ, nhưng xã hội cũng không chấp nhận những hành vi, lời nói xấu xí của họ. Trước hết, dù chỉ là một lời xin lỗi nhưng phải chân thành, từ tâm mà ra chứ không phải là “chót lưỡi đầu môi”.
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết