Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Văn phòng UBND tỉnh |
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID – 19, song bằng sự nỗ lực, cố gắng và linh hoạt, sáng tạo trong việc dạy và học, ngành GD&ĐT đã hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022, giáo dục Nghệ An tiếp tục giữ vững vị trí tốp 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc về học sinh giỏi; chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên với nhiều học sinh đạt giải cao ở các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và khu vực.
Ngành GD&ĐT đã có nhiều đột phá trong xây dựng và triển khai hiệu quả các mô hình trường học, giáo dục đi đầu khu vực Bắc Trung bộ, như mô hình “Trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”; “Phối hợp gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non” và “Hỗ trợ trẻ 5 tuổi trong giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học”; triển khai thí điểm mô hình xây dựng 5 trường THPT và 9 trường THCS trọng điểm chất lượng cao; mô hình trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế.
Hội nghị triển khai trực tuyến tới các điểm cầu các huyện, thành, thị xã trong tỉnh |
Công tác phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được ngành GD&ĐT quan tâm, chú trọng triển khai.
Ngành cũng đã đổi mới hoạt động quản lý nhà nước về giáo dục, quản trị nhà trường. Ưu tiên tập trung nguồn lực, chủ động triển khai chuyển đổi số trong giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, cải cách hành chính và phòng chống dịch.
Đối với giáo dục nghề nghiệp, chất lượng đào tạo nghề nghiệp thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động hơn trong hoạt động liên kết với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho học sinh sinh viên được thực tập tại doanh nghiệp và thực hiện có hiệu quả đào tạo gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng đạt trên 90% với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng.
Giáo dục đại học trong năm qua tập trung triển khai cơ cấu lại tổ chức, mở ngành đào tạo mới; xây dựng chuẩn đầu ra và chỉnh sửa các chương trình đào tạo đại học.
Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành trao đổi và trả lời các kiến nghị của các trường học về cơ sở vật chất, biên chế giáo viên |
Trong năm học, nhiều chương trình phong trào ý nghĩa, thiết thực để nâng cao hoạt động chuyên môn, hỗ trợ giáo dục vùng khó cũng đã được triển khai. Nổi bật là các chương trình như “Phòng giúp phòng - Trường giúp trường - Bộ môn giúp bộ môn”; chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực, vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID – 19”; hỗ trợ gần 20 tỷ đồng chương trình “Sóng và máy tính cho em”; chăm lo Tết và tổ chức “Tết sum vầy – Xuân bình an” cho cán bộ nhà giáo, người lao động; chung tay hỗ trợ xây dựng Công trình “Cầu nối yêu thương - Cùng em tới trường” với số tiền 2,7 tỷ đồng và đã khởi công xây dựng 03 cầu tại bản Liên Đình (Con Cuông), Bản Ỏn (Tân Kỳ) và bản Phủn Na (Quế Phong) để giúp người dân chăm lo cuộc sống và các em học sinh yên tâm đến trường...
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo phòng giáo dục các huyện đã chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện công tác xã hội hóa để xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học, xóa các điểm trường lẻ; cách thức tổ chức dạy học ở cấp tiểu học đảm bảo chất lượng trong bối cảnh dịch COVID-19... Bên cạnh đó, một số trường học cũng đã chia sẻ việc xây dựng mô hình trường trọng điểm, chất lượng cao. Lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng đã tham luận về mô hình phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc và giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long phát biểu |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long ghi nhận, đánh giá cao và chúc mừng ngành GD&ĐT Nghệ An đã vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực, tận tâm, tận tụy để đảm bảo tiến độ, chất lượng dạy học.
Tuy nhiên, thực tế hệ thống mạng lưới trường học các cấp còn có bất cập, việc giảm các điểm trường lẻ vẫn còn ít. Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn khó khăn. Đội ngũ giáo viên thiếu; chất lượng giáo dục không đều giữa các vùng, miền và ở các trường...
Về nhiệm vụ của năm học mới, đồng tình với các vấn đề, nội dung ngành GD&ĐT đã đề ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long yêu cầu cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các sở, ngành cần xác định rõ trách nhiệm trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà. Trong đó, cần quan tâm tới công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp; công tác tuyển dụng giáo viên; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học, nhất là tại các địa bàn huyện miền núi, giảm nhanh các điểm trường lẻ. Ngành GD&ĐT làm tốt công tác tham mưu các chính sách phát triển lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Cùng với đó, tạo môi trường, động lực thi đua giữa các trường học để nâng cao chất lượng dạy và học một cách hiệu quả và thực chất.
Kết luận hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành mong muốn và đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ngành tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cũng như đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành GD&ĐT cùng nỗ lực, cố gắng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành trong năm học mới 2022-2023.
Trong đó, đề nghị cán bộ nhà giáo, người lao động ra sức thi đua phát huy sáng kiến đổi mới sáng tạo trong quản lý và giảng dạy, triển khai thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, sách giáo khoa mới với học sinh lớp 10. Cùng với đó, triển khai thực hiện tốt các mô hình giáo dục mới, mô hình nhà trường mới. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và quản lý...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh cho ngành GD&ĐT |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long và Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành tặng hoa chúc mừng các đồng chí cán bộ quản lý giáo dục nghỉ hưu và chuyển công tác |
Với nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được trong năm học qua, Sở GD&ĐT vinh dự được Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua cho đơn vị xuất sắc tiêu biểu dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước, phong trào đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và học tập.
Năm học 2021-2022, tổng số trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên, giáo dục thường xuyên là 1.555 trường. Trong đó, có 1.470 trường công lập, 85 đơn vị ngoài công lập. Kế hoạch năm học 2022-2023 với quy mô 1.519 trường mầm non và phổ thông, trong đó có 1.437 trường công lập, giảm 12 trường; 82 trường ngoài công lập, giảm 3 trường; có 996 điểm trường lẻ, giảm 45 điểm so với năm học trước; 21 trung tâm có thực hiện nhiệm vụ GDTX (trong đó có 2 trung tâm của tỉnh). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 62 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 9 trường cao đẳng, 13 trường trung cấp, 22 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 18 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; trong đó, có 03 trường chất lượng cao, 16 trường có ngành nghề trọng điểm, với 13 lượt nghề cấp độ Quốc tế, 11 lượt nghề cấp độ ASEAN, 36 lượt nghề cấp độ quốc gia. Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 trường Đại học (ĐH Vinh, ĐH SPKT Vinh, ĐH Y khoa Vinh, ĐH Kinh tế Nghệ An, ĐH Công nghiệp Vinh, ĐH Vạn Xuân) và Trường CĐSP Nghệ An. |
Tác giả: Phan Quỳnh
Nguồn tin: nghean.gov.vn