Du lịch

Nghệ An: Tháp cổ gần nghìn năm tuổi đối diện nguy cơ đổ sập

Nơi biên giới xứ Nghệ có một tòa tháp cổ, mang kiến trúc Phật giáo độc đáo. Theo thời gian, tòa tháp cổ bị hư hại nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Huyền bí tháp cổ gần nghìn năm tuổi

Nằm sâu trong xã viễn biên Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, tháp cổ Xốp Lợt đứng sừng sững bên cạnh một cây bồ đề xum xuê. Tháp cao 21,91m, được tạo bởi các lớp gạch thẻ xếp chồng lên nhau, ở giữa các viên gạch sử dụng một lớp vữa để kết dính.

Tháp cao, chân tháp lớn và nhỏ dần theo từng tầng, phía trên cùng vót lại. Kiến trúc tháp mang đậm phong cách Phật giáo, có sự kết hợp hài hòa giữa uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã.

Tháp cổ Xốp Lợt nằm giữa đại ngàn miền Tây xứ Nghệ.

Trên tháp cổ vẫn còn nhiều hoa văn, phù điêu ẩn trong lớp rêu phong phủ mờ. Các hoa văn được thiết kế cầu kỳ, tinh xảo nhưng tiếc thay đã bị bong tróc, đứt đoạn. Xung quanh thân tháp, các tượng Phật đầu đội mũ, hai tay chắp trước ngực, thần thái khoan thai không dính bụi trần.

Theo người dân bản địa, tháp cổ được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VII. Nơi đây từng có một ngôi chùa, có nhiều vị sư tu hành và truyền bá đạo Phật. Tuy nhiên, chưa ai lý giải được vì sao tháp cổ được xây dựng và bằng cách nào để vận chuyển nguyên liệu vào đại ngàn cách đây gần nghìn năm. Điều đáng nói, ở Nghệ An không tháp nào có kiến trúc tương tự.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng tòa tháp là công trình của Phật giáo tiểu thừa từ Thái Lan qua Lào du nhập vào Việt Nam. Giai đoạn phát triển này thường xuất hiện hai loại tháp là tháp mộ và tháp thờ. Tháp cổ ở Mỹ Lý là tháp thờ bởi bên tháp có nhà thờ (đã sập) và không có mộ.

Nhiều năm qua, tháp cổ trở thành điểm tựa tâm linh của người dân miền sơn cước. Bà con các dân tộc ở các bản trong xã đều coi tháp cổ và tượng Phật là những báu vật linh thiêng của vùng đất này nên ngày lễ, tết họ đến thắp nhang cầu cho được mùa lúa, mùa ngô, hay khi người dân bị hạn hán cũng đến thắp hương cầu mưa, bị bệnh dịch cũng đến thắp hương xin an lành.

Tháp có kiến trúc độc đáo, độ tinh xảo cao. Nổi bật là hoa văn về Phật giáo như phù điêu về tượng Phật, hình hoa sen, cúc, voi, ngựa...

Sau gần nghìn năm tồn tại trong đại ngàn, ban đầu chỉ có thời gian và thời tiết tàn phá nên tháp cổ vẫn giữ được vẻ nguyên sơ, chỉ có rêu phong bao phủ. Nhưng từ những năm 1970 trở lại đây, con đường vào xã Mỹ Lý được người dân và nhà nước đầu tư, mở rộng. Việc di chuyển thuận lợi hơn, người ngoài bản bắt đầu vào thì cũng là lúc có bàn tay của con người phá hủy tháp cổ.

Ông Lương Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý kể rằng, trước đây bên trong tháp cổ này có rất nhiều tượng Phật bằng đồng đen. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trước, khi đồng đen lên cơn sốt, kẻ gian bắt đầu đục phá tháp cổ để lấy trộm tượng Phật bên trong. “Cứ chỗ nào bên ngoài có hình vẽ tượng Phật thì bên trong đều có bức tượng bằng đồng giống như vậy. Vì thế, kẻ gian cứ nhắm vào vị trí đó để đục phá, lấy trộm tượng đồng đen mang đi bán”, ông Bảy kể.

Đặc biệt, nơi nào có hoa văn là những kẻ gian đục thủng tìm cổ vật. Vì vậy, từ chân tháp lên đỉnh có đến hơn 20 lỗ. Thậm chí mắt tháp bằng thủy tinh trên đỉnh tháp cũng đã bị bắn vỡ.

“Người trong bản biết về sự linh thiêng của tháp cổ nên chẳng dám đâu. Thậm chí trong bản có mâu thuẫn, xích mích gì cũng kéo nhau ra tháp cổ này để làm nơi hòa giải. Nhưng người ngoài chẳng như vậy, họ thấy đồ có giá trị thì cứ thế vào phá lấy đi. Nhiều khi họ phá trong đêm nên người dân chẳng thể ngăn cản”, ông Bảy nói.

Khẩn cấp tu bổ tháp cổ

Qua quan sát, chân tháp rộng 8-10m, các tầng nấc kiến trúc khá đẹp mắt theo hình lục lăng. Sáu phía mặt tháp chỉ còn lại một số hoa văn đơn giản nhưng thanh thoát và hình hai vũ nữ ngồi chắp hai bàn tay hướng ra phía trước. Thế nhưng, điều khiến mọi người xót xa là phần lớn thân tháp bị bong tróc, phô ra những hàng gạch đỏ thẫm.

Tòa tháp cổ ngày một hư hại, do đó chính quyền đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm cho người dân và du khách tham quan. Qua kiểm tra, ở chân tháp xuất hiện một lỗ hổng rộng 2m, sâu 1m, cao 4m.

Qua thời gian, tháp cổ đang bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập.

Theo đánh giá, do thời gian quá lâu nên hiện gạch xây bị ngấm nước, cường độ chịu nén của gạch không đảm bảo dẫn đến hiện tượng lún và nứt móng. Vữa liên kết từ vôi lâu ngày nên mất sự kết dính, nứt nẻ. Toàn bộ tháp nhìn từ trên xuống đã xuất hiện sự mất liên kết giữa gạch và vữa, nhiều vết nứt lớn hơn 2cm chạy quanh thân tháp. Tháp có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Dù vậy, công trình độc đáo này vẫn thu hút khá nhiều người đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh. Vì vậy, Chính quyền và người dân nơi đây mong muốn các cơ quan chức năng sớm trùng tu tháp cổ này để giữ lại nét văn hóa của người dân.

Ông Vi Hoè, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho hay, xác định tháp cổ là điểm nhấn văn hóa tại địa phương, là điểm du lịch tâm linh nên chính quyền và người dân nơi đây luôn ý thức trong việc bảo tồn ngọn tháp này. Đã từ lâu, UBND huyện rất muốn tháp cổ ở Mỹ Lý sẽ được tôn tạo để trở thành một điểm du lịch cho du khách ghé thăm khi về với huyện biên giới này.

Đặc biệt, bản Yên Hòa hiện đang là một trong những địa điểm phát triển du lịch cộng đồng mạnh của địa phương, khi ngọn tháp được tôn tạo, nơi đây sẽ càng thu hút du khách thập phương đến khám phá miền Tây xứ Nghệ.

Sau khi được tôn tạo, tháp cổ sẽ là nơi thu hút khách thập phương bởi sự huyền bí.

Rất may, mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã đồng ý chủ trương, giao UBND huyện Kỳ Sơn lên phương án tu bổ, tôn tạo khẩn cấp di tích tháp cổ Xốp Lợt ở xã Mỹ Lý trong bối cảnh ngọn tháp nguy cơ bị đổ sập. Di tích này vừa mới được xếp hạng cấp tỉnh ngày 26/01/2024. Đồng thời, UBND tỉnh cũng giao Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất nguồn vốn, gửi Sở Tài chính thẩm định, tham mưu báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định.

Theo bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, tháp Xốp Lợt là công trình kiến trúc cổ Phật giáo tồn tại hàng thế kỷ trên mảnh đất miền Tây xứ Nghệ. Ngọn tháp này được xem là một công trình nghệ thuật quý hiếm, độc đáo, vì vậy Nghệ An sẽ triển khai các phương án bảo tồn.

Hiện nay, lo sợ đặt ở tháp cổ không có bảo vệ sẽ tiếp tục bị mất nên 5 tượng Phật bằng đồng đang được xã Mỹ Lý bảo vệ nghiêm ngặt, còn 2 bức tượng khác do Ban Quản lý bản Yên Hòa cất giữ. “Chúng tôi dự kiến sau này tháp cổ được trùng tu, tôn tạo xong sẽ trả lại cho tháp cổ những bức tượng còn sót lại này. Còn bây giờ nếu để bên trong tháp sợ tiếp tục bị mất”, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý nói.

Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP