Trong những năm qua, chăn nuôi lợn được xem là thế mạnh của nông dân Nghi Lộc. Do đó, năm 2013 gia đình chị Lê Thị Hằng - xóm 15B - xã Nghi Kiều đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng trang trại chăn nuôi lợn khép kín, có hầm Bioga, với quy mô hơn 40 con/lứa. Trung bình 4 tháng xuất chuồng/lứa, (tương đương 3 tấn lợn hơi) hàng năm thu về trên 200 triệu đồng. Tuy nhiên, bước vào năm 2017 này giá lợn hơi rớt xuống còn 35 ngàn đồng/kg, ( giảm 10 ngàn đồng/1kg) so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, gia đình chị vô cùng hoang mang lo lắng bởi giá thức ăn vẫn giữ nguyên, trong khi đó, đầu ra vừa khó tiêu thụ, vừa xuống dốc.
Lứa lợn gần xuất chuồng của gia đình chị Hằng |
Chị Hằng nói: Toàn bộ tài sản bao năm tích góp được chúng tôi đã đầu tư hết để chăn nuôi, nhưng giờ giá lợn hơi giảm còn 35 ngàn đồng/kg, so với cùng kỳ năm 2016 thì mỗi lứa lợn gia đình tôi thất thu trên 40 triệu đồng. Vấn đề lớn nhất của gia đình bây giờ giá lợn hơi xuống thấp như vậy thì không biết khi nào lấy lại được vốn.
Theo các hộ chăn nuôi, mỗi con lợn từ khi mua giống cho đến lúc xuất chuồng đạt trọng lượng trên 60-70kg thịt phải chi phí hết xấp xỉ 4 triệu đồng. Với giá dao động từ 45.000 đồng - 50.000 đồng/kg như hồi giữa năm 2016 thì mỗi con lợn sẽ có lãi trên 1 triệu đồng. Thế nhưng, hiện nay, thị trường thịt lợn hơi giảm giá do Trung Quốc hạn chế thu mua đã khiến người chăn nuôi dở khóc, dở cười.
Ở Nghi Lộc, trung bình mỗi năm huyện phát triển tổng đàn lợn từ 17- 21 nghìn con. Như vậy, người chăn nuôi thiệt hại gần 10 tỷ đồng.
Theo ông Trần Quốc Cường trưởng trạm chăn nuôi & thú y huyện Nghi Lộc thì nguyên nhân chủ yếu khiến giá lợn hơi xuống nhanh là do cung vượt quá cầu. Mặt khác, việc tiêu thụ lợn hơi ở địa phương đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, nên khi Trung Quốc giảm nhập thì lợn hơi trong nước lập tức ế ẩm.
Mặc dù giá lợn hơi xuống thấp, nhưng giá thịt lợn tại các chợ vẫn không giảm |
Một nghịch lý là hiện nay giá lợn hơi rớt thảm nhưng chi phí thức ăn công nghiệp vẫn cao nên sau khi xuất bán, đa số các chủ trang trại chăn nuôi đều thua lỗ, không đủ vốn để tái đàn mà chỉ có các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn duy trì. Và dù lợn hơi rớt giá mạnh nhưng tại các chợ đầu mối trên địa bàn huyện thì giá thịt lợn vẫn giữ ở mức cao. Cụ thể, thịt vai, thịt mông, ba chỉ, sườn dao động từ 75 đến 80 nghìn đồng/kg, riêng thịt nạc có giá từ 90 nghìn đến 100 nghìn đồng/kg.
Trước tình hình đó, các hộ chăn nuôi ở Nghi Lộc đã tự tìm giải pháp trước mắt đó là thuê thợ làm thịt bán ngay tại nhà nhằm vớt vát một phần chi phí đầu tư. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp tạm thời mang tính tự phát của các hộ dân, về lâu dài rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng trong vấn đề bao tiêu đầu ra giúp các hộ chăn nuôi ổn định và phát triển.
Tác giả bài viết: Thu Hiền – Hồng Vinh
Nguồn tin: