Số hóa

Nghệ An: Máy tính “đắt hàng” nhờ học, làm việc online mùa dịch

Dịch bệnh kéo dài không chỉ các cơ quan, doanh nghiệp, phải làm việc online tại nhà, sắp tới ngay sau khai giảng toàn bộ học sinh các cấp học ở Nghệ An đều học trực tuyến ở nhà. Vì thế, các mặt hàng máy tính, laptop cũ trở thành một trong những mặt hàng được săn lùng mạnh nhất lúc này.

Theo chị Bích Hà (P.Vinh Tân, TP. Vinh), trước đây tôi không mua máy tính cho con vì sợ các cháu sẽ dùng mạng xã hội, sử dụng sai mục đích gây ảnh hưởng tới việc học nên trong nhà chỉ có máy tính cho tôi và chồng làm việc. Chính vì thế, sắp vào năm học mới khi nhà trường tổ chức học online, nên chị Hà đành phải tìm mua 2 máy laptop cũ cho con 2 con học cùng giờ, hơn nữa không thể để 1 cháu dùng điện thoại thông minh học cả buổi như vậy được, ảnh hưởng đến mắt.

Nghệ An lên phương án dạy học online sau ngày khai giảng - phụ huynh, học sinh tìm mua máy tính (ảnh chụp trước thời điểm giãn cách XH)

Trong khi đó không ít phụ huynh lại lao đao trước năm học mới, "mấy ngày nay thấy thông báo cho học sinh học online, tôi đứng ngồi không yên không biết cho các con học thế nào vì chưa có điều kiện mua thêm máy tính. Tôi làm bốc vác ở chợ đầu mối, vợ đi bán rau cho họ trong chợ, từ hôm chợ đầu mối bị đóng cửa, rồi cả thành phố áp dụng chỉ thị 16 đến nay 2 vợ chồng thất nghiệp không làm ra tiền, giờ 2 đứa con học một cấp đều học online lấy tiền đâu mà mua thêm máy cho con, thành phố lại đang giãn cách phòng dịch cũng không biết đi đâu để xem máy tính? Trong khi cả nhà đang phải lo từng bữa…", anh Khang – làm bốc vác ở phường Vinh Tân (TP.Vinh) lo lắng.

Cũng không có điều kiện như nhiều sinh viên khác, nhưng thời điểm này, em Mạnh Hùng (P. Hưng Dũng TP.Vinh) cũng phải mua một chiếc máy tính để phục vụ việc học. Theo Hùng, một buổi sáng có thể học tới 2 môn theo thời khoá biểu, nên nếu dùng điện thoại liên tục sẽ rất nóng và hại máy. Hơn nữa, cũng không thể cầm máy điện thoại trên tay để học cả ngày. “em tiết kiệm được gần 4 triệu đồng, xin mẹ thêm một ít mua được một chiếc máy tính cũ. Do tiền ít, nên cấu hình không cao, máy cũng chỉ có thể lên mạng và tải một số phần mềm phục vụ việc học”, Hùng nói.

Do nhu cầu tăng cao, nên thị trường máy tính cũ bỗng sôi động hơn hẳn. Theo chủ một cửa hàng máy tính, điện thoại tại đường Kim Đồng (TP. Vinh), các loại máy tính cũ đã được tân trang lại như mới có giá thấp nhất tầm 5-6 triệu đồng rất đắt hàng. “Dù các loại máy này chỉ có chip và ram rất yếu, nhưng đối tượng khách hàng là phụ huynh học sinh hỏi vẫn mua rất nhiều, nhưng hàng cũng khá khan hiếm. Bởi đây là loại máy rẻ nhất, nên khi học trực tuyến thì có thể bị chậm hoặc dễ bị out ra ngoài. Giá rẻ nên việc mua máy cũ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, phụ huynh nên nhờ người quen có kiến thức để mua, tránh việc bị lừa mua phải những chiếc máy quá cũ nát…”, anh Giang Nam chủ hàng này cho biết.

Người phụ trách tại hệ thống Thế giới Di động tại Nghệ An cho biết, mấy ngày gần đây khách hàng điện thoại hỏi liên tục, nhưng vì lâu nay dịch bệnh, đóng cửa hàng nên cũng không nhập nhiều hàng tầm trung. Đối tượng tìm hiểu mua nhiều nhất là nhân viên văn phòng và học sinh, trong đó nhân viên văn phòng chiếm khoảng 60%. Hay tại FPT Shop, vị đại diện cũng thông tin so với những tháng đầu năm, thời điểm gần đây doanh số máy tính xách tay bán ra tăng gần 80% so với những tháng đầu năm. Hầu hết học sinh đang học tập online tại nhà, nhiều người cũng chuyển sang làm việc từ xa nên nhu cầu thiết bị học và làm việc online rất lớn. Cũng theo vị này, để thu hút khách hàng dịp đầu năm học mới, các nhà bán lẻ đang chạy chương trình “Back to school”, khuyến mãi dành cho học sinh, sinh viên với các hình thức như: giảm giá tiền từ 5% - 20%, tặng phụ kiện, tặng phiếu mua hàng, trả góp 0%…

Máy tính cũ đang được khách hàng tìm mua khá nhiều thời điểm dịch bệnh này

Theo ghi nhận, các dòng máy được đưa ra thị trường chủ yếu các hãng như: Acer, Dell, Asus, HP... với mức giá tầm trung từ 10 đến gần 30 triệu đồng. Còn dòng laptop cũng được khách hàng đặt mua khá nhiều vì nó tích hợp đầy đủ tính năng phù hợp cho học sinh học trực tuyến, với nhiều mức giá giao động từ 10 – 17 triệu đồng, một số sinh viên, nhân viên văn phòng chọn máy có cấu hình cao hơn với giá trên 20 triệu đồng với nhãn hàng Apple MacBook

Anh Hoàng Lâm, đại diện Lâm Ngân Store ở Lê Hồng Phong - TP Vinh xác nhận, sức mua laptop thời gian qua tại công ty tăng khá cao. Nhưng do tình hình dịch bệnh, khâu vận chuyển khó khăn, hàng lưu thông chậm hơn bình thường nên nhiều mẫu mã ở phân khúc giá tầm trung đang rơi vào tình trạng “cháy hàng”, không có để khách lấy ngay mà phải đặt hàng trước cả tuần, nhưng hiện giờ cũng phải chờ vì đang giãn cách có hàng cũng đành chịu không giao được cho khách.

"Máy đã qua sử dụng thường có giá rẻ hơn vài triệu đồng so với sản phẩm mới nên được phụ huynh tìm mua để học sinh sử dụng với chi phí thấp. Thời điểm này nhiều khách hàng lại muốn mua máy tính xách tay cũ tầm giá 6-8 triệu hiện tại mấy dòng này thị trường cũng không có nhiều để lựa chọn còn nếu mua phải tìm chỗ uy tín để đảm bảo chất lượng. Còn nếu mua máy tính bảng mới tầm giá 10 triệu vẫn có sự lựa chọn giữa các hãng: Apple, Samsung....hay, nếu mua Laptop mới, tầm giá 11 triệu mua được Pentium, 13 triệu mua được Core i3, 15 triệu mua được Core i5" - Anh Lâm nói và cho biết, tuy nhiên khi mua máy đã qua sử dụng cần phải chọn nơi bán uy tín, bảo hành nghiêm túc, kiểm tra kỹ màn hình có xuất hiện những điểm "chết", khi chạy các ứng dụng có bị chậm không…" - anh Lâm lưu ý.

Thời điểm này TP. Vinh (Nghệ An) đang trong những ngày giãn cách xã hội, tất cả các cửa hàng máy tính đều tạm đóng cửa theo quy định để phòng dịch. Tuy nhiên, theo một số cửa hàng, đại lý thì một số dòng máy bán chạy, khách vẫn phải đặt cọc giữ hàng hết giãn cách và một số loại thì phải chờ hàng. Các nhà bán lẻ còn thừa nhận một số mẫu laptop đang có nguy cơ thiếu hụt hàng do sức mua tăng trong khi nguồn cung đang gặp trục trặc do dịch Covid-19. Thông thường, tồn kho máy tính của các nhà bán lẻ luôn khá lớn bởi hoạt động kinh doanh buộc phải nhập gối đầu nhiều mẫu cũ, mới liên tiếp nhưng thời điểm này do dịch bệnh kéo dài nên nhiều dòng máy khách phải đặt cọc tiền trước để chờ hàng về.

Tác giả: Hoàng Trinh

Nguồn tin: Báo Công thương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP