Cậu học trò nghèo và những giấc mơ dừng lại ở tuổi 23
14h30 phút, ngày 1/5, khi chiếc xe chở thi thể em Nguyễn Văn Nhã, sinh viên năm thứ tư, Trường Đại học khoa học Huế về tới xóm 7, (xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), rất đông người thân, bà con hàng xóm đã ào ra để đón em trở về quê hương. Tiếng khóc thảm thiết, ai cũng đau đớn trước sự ra đi của chàng sinh viên năm cuối hiền lành, dũng cảm quên mình cứu bạn. Làng Quỳnh Yên, có lẽ chưa bao giờ buồn như thế.
Nam sinh Nguyễn Văn Nhã thời đang là sinh viên. |
Dù bị tai biến, nhưng người cha cũng cố gắng chống gậy đi ra xa con ngõ để đón đứa con trai trở về. Đây là lần cuối cùng người cha ấy còn được nhìn thấy mặt con. Ông đau đớn, xót xa và không thể ngờ rằng, ngày tiễn con đi học, mong mỏi một tương lai tươi sáng đến với cậu con trai thì giờ đây đâu ngờ, ngày đón con về trong vòng tay bạn bè, hàng xóm lại là cảnh cha con chia lìa.
"Trong nhà mẹ hiền lành, ít nói, bố là trụ cột, lo liệu hết mọi việc. Nhưng hôm đưa em Nhã từ Huế về, bố bật khóc. Đó là lần đầu tiên tôi thấy bố khóc trước mặt mẹ và các con", anh Nguyễn Văn Nhu nói, anh trai của Nhã nghẹn ngào nói.
|
Sự ra đi của em để lại bao thương tiếc cho người thân và bà con làng xóm. |
Là người đầu tiên trong gia đình nhận tin em gặp nạn, Nhu nhớ lại: "Chiều 30/4, nghỉ lễ nhưng tôi vẫn ở lại Sài Gòn làm thêm. Đang làm dở thì nhận tin báo em Nhã bị đuối nước. Lúc đó, điện thoại lại sắp hết pin, các bạn của Nhã gọi video, tôi chỉ thấy mọi người đang vây quanh em ấy để cấp cứu trên bãi biển, rồi máy sập nguồn. Tôi vội mượn điện thoại để gọi về thông báo cho gia đình và tức tốc mua vé máy bay về Huế".
Sân bay Tân Sơn Nhất ngày lễ hối hả người. Cuối cùng, Nhu cũng kịp mua được vé để về với em trai. Thời gian ở sân bay chờ đợi dài đằng đẵng, Nhu chỉ biết chắp tay, nguyện cầu có một phép màu để em mình có thể qua cơn nguy kịch.
Ngoài việc học, Nhã thường xuyên tham gia hoạt động thiện nguyện. |
2h sáng hôm sau, Nhu mới về đến sân bay Phú Bài (Huế) và bắt xe khách tới bệnh viện. Nhưng Nhã đã mất thật rồi. Em nằm đó, gương mặt hiền lành như đang ngủ. Bạn bè ở lại cả đêm trực xung quanh, cả các linh mục cũng có mặt cầu nguyện. Tất cả cùng đợi Nhu, để làm thủ tục đưa em Nhã về quê nhà...
Nhu là anh trai kế của Nguyễn Văn Nhã, anh nói năng nhỏ nhẹ, từ tốn như tên gọi. Khi Nhu đang học năm cuối thì em trai Nguyễn Văn Nhã vào năm nhất ngành Công nghệ thông tin - Trường ĐH Khoa học Huế. Anh Nhu là người đưa em trai đi nhập học, tập cho em làm quen với cuộc sống sinh viên.
Sự dũng cảm, hy sinh của Nhã đã cứu sống 3 nữ sinh, nhưng để lại nỗi mất mát không gì bù đắp với gia đình em. |
Khi tốt nghiệp đi làm, Nhu vừa lo trang trải cuộc sống cá nhân, vừa nuôi Nhã học tiếp. Trong số các anh chị em, Nhã thường nói chuyện, tâm sự với anh Nhu nhiều nhất.
Bình thường em Nhã là người hiền lành, vui vẻ, hay giúp đỡ bạn bè, người nghèo. Có lẽ vậy, mà khi đi rồi, em cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người.
Rơi nước mắt trước gia cảnh éo le
Trong khoảng sân vườn nho nhỏ phía sau nhà, bà Hoàng Thị Hữu (SN 1966, mẹ của Nhã) ngồi khóc lặng lẽ, thỉnh thoảng bà quay mặt đi, đưa tay gạt nước mắt.
Suốt thánh lễ an táng, tiễn đưa Nhã theo nghi thức đạo Công giáo, bà nén chặt nỗi đau đọc kinh cầu nguyện cho con.
Bà Hữu rơi nước mắt chia sẻ vì gia đình nghèo khó nên Nhã phải tự bươn chải để có tiền học đại học. |
Ông Nhân nghẹn ngào khi nói về con trai: "Con mất rồi, nhưng con đã sống tốt đời đẹp đạo như đã được dạy từ bé". |
Giọng bà nghèn nghẹn kể: "Từ Tết tới giờ cháu nó chưa về nhà lần nào, dịp lễ cũng ở lại. Nó ít khi về lắm, vì sợ tốn tiền của bố mẹ. Mỗi năm nó chỉ về hè và Tết thôi. Vì biết bố đau bệnh tật, mẹ không có tiền nên nó thường gọi điện cho anh chị xin tiền sinh hoạt. Trước hôm xảy ra sự việc, anh trai mới gửi cho nó mấy triệu, chắc nó chưa kịp tiêu gì".
Ngồi cạnh bên, ông Nguyễn Văn Nhân (SN 1959), bố Nhã cũng rưng rưng nước mắt. Một tay vịn lấy chiếc gậy, ông Nhân cố bình tĩnh kể, Nhã là con thứ 6 trong gia đình 8 anh chị em. Nhà nghèo với 3 thế hệ ở chung, lại ít ruộng nên cuộc sống chẳng mấy dư giả.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung chia sẻ nỗi đau cùng gia đình em Nguyễn Văn Nhã. |
"3 năm trước, tôi bị đột quỵ rồi liệt nửa người nên tiền bạc trong nhà tích cóp được một ít dần cạn kiệt để lo viện phí, thuốc thang. Lúc đó, thằng Nhã mới vào đại học năm nhất, còn Nhu thì năm cuối. Nói thật, nhiều khi vợ chồng tôi muốn buông xuôi. Nhưng rồi nghĩ phải cố cho anh em nó có tương lai tốt hơn nên động viên con học tập". Ông Nhân nói đoạn rồi ông cố quay mặt đi để giấu những giọt nước mắt đang từ từ bò ra khỏi hõm mắt đang trũng sâu.
Biết nhà mình nghèo nên Nhã thường chi tiêu tiết kiệm. Buổi trưa các ngày từ thứ 2 đến 6, nhiều hôm em ăn suất cơm từ thiện 5 nghìn đồng, tối về thì ăn tạm mì tôm. Thương bố đau bệnh, Nhã còn gọi điện về động viên bố mua thuốc tốt, uống điều độ để có sức khỏe. Nhưng rồi, giờ đây ông Nhân phải chịu nỗi đau người đầu bạc tiễn kẻ tóc xanh.
|
Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng nam sinh Nguyễn Văn Nhã dũng cảm cứu người đuối nước. |
Ngồi nhìn di ảnh con trai, ông Nhân không khỏi nghẹn lòng. Vợ chồng đông con, trong đó người anh cả của Nhã lúc nhỏ mắc bệnh uốn ván, may mắn sống sót nhưng mang di chứng, bị khuyết tật (câm điếc) suốt đời.
Cách đây 12 năm, vợ chồng ông Nhân từng chịu nỗi đau mất con út vì đuối nước. Giờ đây, nỗi đau ấy một lần nữa lặp lại.
"Nỗi đau không gì bù đắp nổi, nhưng chúng tôi không đòi hỏi gì cả đâu. Chỉ mong việc làm của con có ý nghĩa, mọi người sẽ cùng cầu nguyện và nhớ đến con", ông Nhân nói.
Những người bạn của Nhã kể, chiều ngày 30/4, Nhã cùng nhóm bạn đi chơi ở ven biển xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Đến lúc gần ra về, Nhã phát hiện có 3 bạn nữ trong nhóm bị sóng biển cuốn liền bơi ra cứu. Nhưng khi đưa được 3 bạn vào khu vực an toàn, Nhã đuối sức, bị nước biển nhấn chìm rồi tử vong sau đó.
Trong lúc đang tắm, Nhã phát hiện 3 bạn nữ trong lớp kêu cứu. Không chút do dự, Nhã bơi ra ứng cứu và dìu được các bạn nữ vào gần bờ. Do đuối sức, sóng lớn chàng trai dũng cảm đã mãi mãi ra đi ở tuổi 23. |
Nhắc đến hành động quên mình cứu bạn của con trai, ông Nhân trải lòng: "Tôi nghĩ con làm như vậy là xuất phát từ lòng tốt muốn cứu giúp bạn. Con mất rồi, nhưng con đã sống tốt đời, đẹp đạo như đã được dạy từ bé".
Trước sự dũng cảm hy sinh, quên mình cứu 3 bạn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia buồn, thăm hỏi gia đình em Nguyễn Văn Nhã. Chủ tịch nước cũng đề nghị các cơ quan chức năng xem xét trình Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Dũng cảm và công nhận sinh viên Nguyễn Văn Nhã là liệt sĩ theo đúng quy định.
Trước hành động dũng cảm, hi sinh của Nguyễn Văn Nhã, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã truy tặng chàng trai "Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm".
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Anh Nguyễn Văn Nhu (anh trai Nhã) Địa chỉ: Xóm 7, xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Số điện thoại: 0383.706.308, Số tài khoản: 104001513879, Vietinbank. |
Tác giả: Nguyễn Phê
Nguồn tin: Báo Dân trí