Ngày 22/7, tại Hội nghị tăng cường công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và phòng, chống thiên tai tại khu vực Bắc Trung Bộ, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, đợt hạn hán đang xảy ra ở Nghệ An là đợt hạn kỷ lục, nặng nhất trong gần 50 năm qua. Hơn 70 ngày không có mưa khiến Nghệ An thiếu nước tương đối lớn.
Để chống hạn, tỉnh Nghệ An phối hợp với các nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê điều tiết liên hồ chứa theo quy định vận hành hồ chứa để cấp nước cho hạ du, đảm bảo nhu cầu phục vụ sản xuất, dân sinh. Chỉ đạo tưới tiết kiệm nước, tập trung chỉ đạo tưới luân phiên; lắp đặt các trạm bơm nhỏ, dã chiến; xây dựng đập mềm, đập tạm; thực hiện công tác tuyên truyền…
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu cũng trình bày giải pháp chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống thiên tai với 13 giải pháp cụ thể phù hợp đặc điểm, tình hình, đời sống dân cư, sản xuất cho 3 vùng là: ven biển; trung du, đồng bằng và vùng miền núi cao.
Nghệ An cũng đề nghị Bộ NN&PTNT đề xuất với Chính phủ để tiếp tục có kinh phí hỗ trợ chống hạn như các năm trước đây.
Toàn cảnh Hội nghị tăng cường công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và phòng, chống thiên tai tại khu vực Bắc Trung bộ |
Theo số liệu thống kê, suốt từ tháng 5/2020 đến nay toàn khu vực Bắc Trung Bộ cơ bản không có mưa. Do vậy thiếu nước tưới trầm trọng đã ảnh hưởng đến 350.000 ha lúa hè thu - mùa, hơn 9.000 ha đang ở chế độ chờ, gần 6.000 ha phải chuyển sang cây màu, 26.000 ha cây trồng chính thức bị hạn, trong đó 1 nửa có nguy cơ mất trắng.
Riêng Nghệ An là tâm điểm của đợt nắng hạn, hiện tại hơn 10.000 ha lúa hè thu - mùa đang bị hạn, trong số này khoảng 4.500 ha khó cứu nếu 1 tuần tới thời tiết không chuyển biến.
Nghệ An đang hứng chịu đợt nắng hạn kỷ lục trong gần 50 năm qua |
Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, tác động của biến đổi khí hậu diễn ra rất gay gắt, thậm chí những hiện tượng dị thường là hậu quả của biến đổi khí hậu xảy ra còn nhanh hơn cả những kịch bản mới nhất mà quốc tế và Việt Nam dự báo.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá: “Đặc thù của 6 tỉnh là vừa chống hạn vừa tập trung ứng phó với mưa bão tới đây, do đó phải tiến hành khẩn trương.
Vùng này có đến 25 con sông, hơn 3.300 hồ đập. Hệ thống hồ đập dày đặc nhưng phần đa dung tích nhỏ, kết hợp với địa hình có độ dốc lớn, ruộng đồng manh mún nên sau những trận mưa, bão lớn thường để lại nhiều hậu quả”.
Để xử lý vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các tỉnh Bắc Trung bộ nghiên cứu kỹ để điều tiết hiệu quả dung tích nước đang còn trong các hồ chứa. Tập trung bơm cưỡng bức với tất cả các loại công suất để hỗ trợ cho được 26.000 ha lúa bị hạn; áp dụng quy trình tưới luân phiên.
Riêng vụ hè thu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị quán triệt phương châm "xanh nhà hơn già đồng". Bên cạnh đó, toàn vùng còn 46.600 hộ thiếu nước nên cần thực hiện các giải pháp cung cấp nước để không hộ nào thiếu nước sinh hoạt.
Bộ trưởng lưu ý các tỉnh trong khu vực cần rà soát tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng thích ứng, không để nguy cơ rủi ro; rất chú ý đến vùng sinh thủy rừng vì đây là vùng sinh nước, ngậm nước, giữ nước. Rà soát lại toàn bộ các thiết chế hạ tầng lớn, nhất là các hồ chứa nước; đánh giá, tính toán lại phương án trị thủy các dòng sông một cách hiệu quả hơn;…
Tác giả: TRẦN LỘC
Nguồn tin: Báo VTC News