Trong tỉnh

Nghệ An: Giám sát chặt chẽ các địa phương có lợn ốm chết không do dịch tả châu Phi

Mặc dù chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên, tại huyện Diễn Châu và thị xã Hoàng Mai đã có hiện tượng lợn ốm chết. Hiện các địa phương này đang tăng cường giám sát số lợn còn lại để xử lý kịp thời khi có biểu hiện bất thường.

Là huyện tiếp giáp với Quỳnh Lưu đã xảy ra dịch nên chính quyền và người dân huyện Diễn Châu đang đẩy mạnh việc phòng chống dịch với tinh thần không để dịch tả lây lan sang địa bàn. Trong đó, việc giám sát chặt chẽ những điểm đã xảy ra hiện tượng lợn chết là một trong những việc quan trọng cần làm.

Người chăn nuôi xã Diễn Trường (Diễn Châu) rắc vôi bột xung quanh chuồng trại để phòng chống dịch. Ảnh: Quang An

Vào ngày 7/3, tại nhà ông Trần Hồng Thạch ( xóm 10, xã Diễn Thành) đã xuất hiện 1 con lợn bị ốm với các triệu chứng sưng đầu, sưng mắt, bỏ ăn nhiều ngày, sau một thời gian ngắn đã chết. Địa phương lập tức báo với cơ quan thú y để lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả âm tính với dịch tả lợn châu Phi.

Cơ quan chức năng đã tiêu hủy lợn theo quy trình, đồng thời cắt cử người theo dõi số lợn còn lại. Đến thời điểm hiện tại, không có biểu hiện gì bất thường. Công tác giám sát, theo dõi lợn vẫn đang được tiến hành hàng ngày.

Con lợn ốm tại nhà ông Hồ Sỹ Thanh ở xóm 5, xã Diễn Trường có biểu hiện tím tai, nóng sốt và chết sau một thời gian ngắn, xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Quang An

Sau 1 tuần, vào ngày 14/3, tại hộ gia đình ông Hồ Sỹ Thanh ở xóm 5, xã Diễn Trường (Diễn Châu) cũng có tình trạng lợn chết. Thú y đã lập tức khoanh vùng và lấy mẫu xét nghiệm, kết quả âm tính với dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, do Diễn Trường là địa bàn tiếp giáp với huyện Quỳnh Lưu nên việc kiểm soát chặt chẽ vận chuyển, giết mổ, theo dõi lợn ốm là điều vô cùng quan trọng.

Ông Nguyễn Trọng Bốn - Trạm trưởng Trạm Thú y Diễn Châu cho biết: Đến thời điểm hiện tại, Diễn Châu chưa ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm dịch tả lợn nhưng đã có hiện tượng lợn chết tại 2 xã, do đó, chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở và các hộ dân phải giám sát chặt chẽ số lợn còn lại trong đàn. Nếu có biểu hiện bất thường phải báo cáo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.

Con lợn còn lại trong chuồng nhà ông Hồ Sỹ Thanh đang được cán bộ thú y giám sát, theo dõi hàng ngày. Ảnh: Quang An

Tại Thị xã Hoàng Mai - địa bàn xung yếu của tỉnh có nhiều tuyến đường lớn chạy qua, đặc biệt là tuyến Quốc lộ 1A thường xuyên có xe vận chuyển gia súc lưu thông. Hơn nữa, hiện tỉnh Thanh Hóa và huyện Quỳnh Lưu tiếp giáp với thị xã đã xảy ra dịch, do đó, công tác phòng dịch đang được thị xã đặt lên hàng đầu.

Tuy nhiên, vào 16 giờ ngày 13/3, tại nhà ông Lê Công Măng (xóm 6, xã Quỳnh Lộc) đã xuất hiện một ổ lợn 9 con bị bệnh, sau một thời gian theo dõi đã có 1 con chết và 8 con bị ốm, thị xã đã khoanh vùng và báo cho Chi cục Thú y lấy mẫu xét nghiệm, tiêu hủy con lợn chết theo quy trình. Kết quả xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn châu Phi.

Ông Vũ Tuấn Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai cho biết: Quan điểm nhất quán của thị xã là đặt công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi lên hàng đầu vào thời điểm này. Thị xã chỉ đạo 10 phường, xã siết chặt quản lý việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn, nhất là tại 3 địa phương tiếp giáp với huyện Quỳnh Lưu là xã Quỳnh Liên, phường Quỳnh Xuân, xã Quỳnh Trang. Hiện thị xã chỉ đạo các địa phương này lập chốt kiểm dịch để kiểm soát lợn ra vào.

Lập chốt và rắc vôi khử trùng tại điểm tiếp giáp giữa phường Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai) và xã Quỳnh Văn (huyện Quỳnh Lưu). Ảnh: Quang An

"Đối với điểm có lợn ốm chết tại xóm 6, xã Quỳnh Lộc, thị xã đã cắt cử cán bộ thú y và chính quyền địa phương tiêu hủy đúng quy trình, số lợn ốm còn lại trong đàn đang được theo dõi chặt chẽ và điều trị. Đến thời điểm hiện tại, 8 con lợn đã có dấu hiệu phục hồi sức khỏe; việc giám sát đàn lợn này vẫn đang được diễn ra và địa phương phải báo cáo ngay nếu có biểu hiện bất thường" - ông Dũng cho biết thêm

Tác giả: Quang An

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP