Xã hội

Nghệ An: Đền Hồng Sơn - Di tích Kiến trúc cấp Quốc gia đang xuống cấp trầm trọng

Đền Hồng Sơn, còn gọi là miếu Quan Phu Tử (Võ Miếu), thuộc phường Hồng Sơn, thành phố Vinh (Nghệ An), được xây dựng vào năm Minh Mệnh thứ 18 (1837), thờ Quan Vân Trường. Ngôi đền đang xuống cấp, hư hỏng rất nặng, cần được tu bổ, tôn tạo kịp thời.

1

Mặt trước của Hạ điện đền Hồng Sơn nhiều hạng mục đã xuống cấp.

Nguyên xưa, đền là nơi thờ Quan Vân Trường, một vị tướng tài ba, trung nghĩa thời Tam Quốc, có công giúp Lưu Bị dựng nên đế nghiệp, lập ra nhà Thục. Sau khi mất, ông được nhân dân nhiều nước tôn làm bậc Thánh nhân và lập đền thờ ghi nhớ công lao.

Đền được xây dựng trên diện tích 6.500m2, gồm các hạng mục Thượng điện, Trung điện, Hạ điện, nhà Hậu hiền, tả vu, hữu vu, gác chuông, gác trống.... Tại đây còn lưu giữ được hệ thống cổ vật có giá trị như tượng, bia đá, khánh đá, chuông đồng, sắc phong và nhiều đồ tế khí khác có giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật đặc sắc.

Thời kỳ chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, đền bị hư hỏng nặng. Sau đó hợp tử một số đền, chùa trong vùng tập trung về đây, vì thế hiện nay đền Hồng Sơn phối thờ nhiều nhân vật như Chư Phật, Quốc tổ Vua Hùng, Thờ Trần Hưng Đạo, Tam Tòa Thánh Mẫu, Quan Hoàng Mười, Ngọc Hoàng thượng đế, Nam Tào, Bắc Đẩu...

Hàng năm, đền có nhiều ngày lễ lớn như 3/3 giỗ Đức Thánh Mẫu, 10/3 giỗ Tổ Hùng Vương, 24/6 giỗ Quan Thánh Đế Quân, 20/8 giỗ Trần Hưng Đạo. Ngoài ra, vào các ngày 01, 15 hàng tháng, đặc biệt là ngày Rằm tháng Bảy, người dân về đây rất đông để dâng hương cầu tài, cầu lộc.

Đền Hồng Sơn được công nhận là Di tích Kiến trúc cấp Quốc gia tại quyết định số 114-VH/QĐ ngày 30/8/1984.

Hiện tại, Hạ điện của ngôi đền đã xuống cấp nghiêm trọng. Tám cột cái và cột quân bị mối mọt ăn rỗng sâu bên trong, có chỗ chỉ còn phần sơn phía ngoài. Những chiếc cột này không còn khả năng chịu lực, có nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào. Ban quản lý đền phải dùng sắt chữ V hàn lại chống đỡ tạm.

Một số xà cũng bị hư hỏng nặng, nhiều chỗ mối mọt, mục nát làm cho phần mái bị oằn võng xuống, cong vênh, xô lệch. Khi trời mưa, gây ra hiện tượng ngấm dột nên rui, mè đã hư hỏng nhiều, phải dùng các tấm tôn, ván để dói vào. Riềm mái cũng bị mục gãy nhiều chỗ.
2

2

Nhiều cột bị mối mọt ăn rỗng sâu bên trong, không còn khả năng chịu lực, có nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào.

Hệ thống cửa chính cũng đã hết thời hạn sử dụng. Cánh cửa bị mối mọt nên sệ xuống, được chằng nối bằng những miếng tôn.

Ngưỡng cửa bị sập, có dấu hiệu mục nát, phải dùng gạch và các thanh gỗ để kê lên. Bờ mái phía Đông của Hạ điện bị nứt nẻ, hở hoác, tách hẳn khỏi bức tường gây nên hiện tượng ngấm dột làm hư hỏng nhiều cấu kiện gỗ.
3
4

Một số xà bị hư hỏng nặng, nhiều chỗ mối mọt, mục nát.
5
Nhiều chỗ bị dột, phải dùng các tấm tôn, ván để dói vào.
6
Hệ thống cửa chính bị mối mọt nên sệ xuống, được chằng nối bằng những miếng tôn. Ngưỡng cửa bị sập, có dấu hiệu mục nát, phải dùng gạch và các thanh gỗ để kê lên.
7
Riềm mái cũng bị mục gãy nhiều chỗ.
8

Đây là Di tích Kiến trúc, Lịch sử cấp Quốc gia, là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm đang đối diện với nguy cơ bị hư hại do Hạ điện xuống cấp. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm có phương án tôn tạo để đem lại diện mạo khang trang, tôn nghiêm cho ngôi đền.

Tác giả bài viết: Phi Long - Trần Hoàn/Theo Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP