Kinh tế

Nghệ An có hơn 100 ổ dịch tả lợn châu Phi

Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến khá phức tạp trên địa bàn Nghệ An. Tổng số lợn tiêu hủy đã lên đến gần 8.000 con.

Cấp hơn 25.000 lít hoá chất phòng dịch tả lợn châu Phi

UBND tỉnh Nghệ An vừa quyết định cấp 5.000 lít hoá chất Han-Iodine 10% từ nguồn dự trữ quốc gia cho 7 địa phương phòng chống dịch bao gồm: Anh Sơn, Tp. Vinh, Yên Thành, Nghi Lộc, Tân Kỳ, Đô Lương, Thanh Chương.

Dịch tả heo châu Phi bùng phát nhiều nơi ở Nghệ An.

Trong đó, huyện Yên Thành được cấp nhiều nhất với gần 1.500 lít. Từ ngày 12/10 đến nay, trên địa bàn huyện Yên Thành có thêm 6 xã bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. UBND huyện cũng đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch, phân cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống cơ sở, phối hợp với địa phương thực hiện công tác phòng chống dịch. Hiện nay, huyện Yên Thành có hơn 82.500 con lợn.

Tại huyện Anh Sơn, đến ngày 21/12, có 11 ổ dịch tại các xã: Long Sơn, Phúc Sơn, Hội Sơn, Thạch Sơn, Cao Sơn, Tam Sơn, Tào Sơn, Lĩnh Sơn, Bình Sơn, Đức Sơn, Lạng Sơn. Đây cũng là địa phương có dịch tả lợn châu Phi diễn biến khá phức tạp.

Ông Hoàng Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cho biết, từ thời điểm tái xuất hiện dịch trên địa bàn, huyện đã trích 542 triệu đồng để mua vôi bột hỗ trợ cho toàn bộ các xã, kể cả các xã chưa có dịch để phòng dịch. Ngoài ra, huyện cũng khuyến cáo các xã, người chăn nuôi tiếp tục chủ động mua thêm hoá chất, vôi bột để dập dịch trong thời gian sớm nhất.

“Ngoài sử dụng vôi bột, hoá chất để phòng dịch thì huyện cũng yêu cầu các xã thực hiện tốt việc trực chốt tại 36 điểm chốt trên địa bàn. Khi phát hiện việc vận chuyển, mua bán lợn ra vào vùng dịch thì phải ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định”, ông Hoàng Xuân Cường cho biết.

Nhiều nơi đã lập chốt để kiểm tra các phương tiện ra vào vùng dịch.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ngoài quyết định cấp 5.000 lít hoá chất mới đây thì từ đầu năm đến nay, tỉnh Nghệ An đã cấp hơn 20.000 lít hoá chất từ các đợt trước để phân khai cho các địa phương phòng dịch. Đối với vôi bột khử khuẩn, hiện nay, các địa phương đang tự trích kinh phí để mua hỗ trợ bà con.

Nghệ An cần gần 100 tỉ hỗ trợ người dân tiêu hủy heo và trâu bò mắc dịch bệnh

Ông Nguyễn Viết Lương, Trưởng phòng quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho biết, đơn vị này đã đề nghị các huyện, thành, thị trên địa bàn thống kê số lượng heo mắc dịch tả heo châu Phi, trâu bò mắc viêm da nổi cục đã tiêu hủy trong 3 năm qua để chi trả tiền hỗ trợ.

“Hiện các huyện đang rà soát, cập nhật hồ sơ. Sau khi các huyện gửi số liệu về cho chi cục, chúng tôi sẽ trình UBND tỉnh để chi trả tiền hỗ trợ cho người dân”, ông Lương nói.

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có hơn 100 ổ dịch chưa qua 21 ngày tại 17 huyện, thành, thị.

Theo quy định ban hành tại nghị định 02 năm 2017 của Chính phủ, người chăn nuôi sẽ được hỗ trợ mức 38.000 đồng/kg với heo; 45.000 đồng/kg với trâu bò phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy.

Trong đó, năm 2019 và 2020, Nghệ An đã chi trả gần 150 tỉ đồng cho người dân có heo bị bệnh dịch tả heo châu Phi phải tiêu hủy. Từ năm 2021 đến nay, dịch tả heo châu Phi và bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò vẫn tiếp tục xảy ra rải rác, dù đã giảm hơn so với năm 2019 và 2020. Ước tính số tiền hỗ trợ cho người dân đã tiêu hủy heo và trâu bò mắc dịch bệnh là gần 100 tỉ đồng, song đến nay vẫn chưa được chi trả.

Tổng số lợn tiêu hủy đến thời điểm hiện nay đã lên đến gần 8.000 con.

Nói về lý do chậm trễ trên, ông Lương cho biết, do quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi chỉ có hiệu lực từng năm, nhưng mấy năm qua Chính phủ và các bộ ngành không có hướng dẫn nên địa phương không thực hiện được.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành đã có thông báo hướng dẫn cho tỉnh giải quyết. Căn cứ theo hướng dẫn này, UBND tỉnh Nghệ An đã giao các địa phương tổng hợp, báo cáo số liệu để hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả heo châu Phi và bệnh viêm da nổi cục theo quy định tại nghị định 02 năm 2017.

Nghệ An hiện có gần 1 triệu con heo, gần 800.000 con trâu bò. Trong đó, khoảng 70% được chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Bởi vì phần lớn chăn nuôi nhỏ lẻ nên các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở heo và trâu bò chưa được người dân chú trọng.

Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP